''Thần đồng'' đỗ đại học năm 13 tuổi, 17 tuổi được nhận vào Viện Hàn lâm nhưng không biết đánh răng: Lý do xuất phát từ người mẹ
Học giỏi là vậy nhưng cậu bé thần đồng này lại rơi vào bi kịch không ai mong muốn.
Thần đồng 13 tuổi đỗ đại học
Ngụy Vĩnh Khang sinh năm 1983 tại huyện Hoa Dung, tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc). Gia đình cậu không mấy khá giả, bố là cựu quân nhân, mẹ làm nhân viên thu ngân trong một siêu thị gần nhà. Tằng Học Mai (mẹ của Vĩnh Khang) luôn muốn con trai được học hành đến nơi đến chốn để có cuộc sống tốt hơn trong tương lai.
Khi mới 3 tháng tuổi, Vĩnh Khang đã được mẹ dạy đọc chữ, làm thơ và làm quen với các con số. Đến năm 2 tuổi, cậu đã có thể nhận biết hơn 1.000 Hán tự, thuộc lòng bảng cửu chương. Năm 4 tuổi, Vĩnh Khang học xong chương trình giáo dục cấp hai thành thạo nhiều chữ Hán.
Được tiếp xúc với kiến thức từ sớm, đến năm 13 tuổi, Vĩnh Khang bắt đầu thử sức với các cuộc thi lớn, trong đó có kỳ tuyển sinh Cao Khảo. Cậu bé 13 tuổi năm đó đã xuất sắc vượt qua bài thi ''khó nhằn'' và đỗ vào Khoa Vật lý của trường Đại học Tương Đàm.
Chưa dừng lại ở đó, năm 17 tuổi, Vĩnh Khang tiếp tục được Trung tâm Vật lý năng lượng cao thuộc Viện Khoa học Quốc gia nhận vào khóa học Thạc sĩ liên thông lên Tiến sĩ. Thời điểm đó, thông tin cậu học sinh 17 tuổi được Việên Khoa học Quốc gia đặc cách đã xôn xao khắp nơi. Cái tên Vĩnh Khang ngày một được nhiều người biết đến. Họ còn đặt cho cậu biệt danh là ''thần đồng Phương Đông''.
Những tưởng cậu bé 17 tuổi này sẽ có một tương lai xán lạn với công việc ổn định và thu nhập ''khủng'', vậy mà chỉ vài năm sau đó, dư luận đã phải xôn xao trước những thông tin bất ngờ về cuộc đời của Vĩnh Khang.
Thần đồng thiếu kỹ năng sống
Trước khi vào học tại Viện Khoa học Quốc gia, mọi sinh hoạt của Vĩnh Khang đều do một tay bà Tằng Học Mai thực hiện. Cậu sinh viên 17 tuổi không thể tự đánh răng, tắm rửa hay thậm chí là thay quần áo. Việc duy nhất mà cậu cần làm chính là chú tâm học tập để đạt kết quả cao, không phụ công nuôi dưỡng của cha mẹ.
Đến khi vào trường, vì không có mẹ ở bên nên Vĩnh Khang phải tự làm hết tất cả mọi việc. Cậu vụng về, không thể tự chăm sóc bản thân, cũng không biết cách giao tiếp với bạn học. Theo lời các bạn cùng trường, Vĩnh Khang thường mặc một bộ quần áo nhiều ngày không thay, thời tiết lạnh cũng không biết đường giữ ấm cho cơ thể. Chính sự khác biệt này đã khiến Vĩnh Khang tách biệt khỏi các bạn bè cùng trang lứa. Cậu không có bạn, luôn lủi thủi một mình, cũng chẳng bao giờ thấy ra ngoài giao lưu.
Sau khi nhận nhận bằng Thạc sĩ, vì không thể đáp ứng tiêu chuẩn sinh viên, Vĩnh Khang đã bị trường buộc thôi học. Thông tin này đã gây chấn động truyền thông Trung Quốc thời điểm đó. Ai cũng tiếc nuối cho một con người từng là niềm hy vọng đại diện cho một thế hệ của quốc gia.
Về phía gia đình, sau khi biết con trai bị buộc thôi học, bà Tằng dần nhận ra sai lầm của bản thân trong việc nuôi dạy và giáo dục con cái. Bà tự trách nếu trước đó vừa giúp con cân đối việc học, vừa rèn luyện kỹ năng sống thì mọi chuyện đã tốt đẹp hơn. Kể từ đó, bà Tằng bắt đầu dạy Vĩnh Khang làm việc nhà, vệ sinh cá nhân và cho cậu thời gian ra ngoài để giao lưu với mọi người.
Thời gian qua đi, Vĩnh Khang dần trở nên vui vẻ, cởi mở và khéo léo hơn trong việc giao tiếp và chăm sóc bản thân. Anh không học lên Tiến sĩ mà lui về ở ẩn tại quê nhà. Với tấm bằng Thạc sĩ, Vĩnh Khang cũng tìm được một công việc ổn định, sau đó kết hôn và có con. Đến tháng 11 năm 2021, Vĩnh Khang qua đời ở tuổi 38 vì bạo bệnh.
Câu chuyện về ''thần đồng Phương Đông'' - Vĩnh Khang là một bài học về cách dạy con cho các bậc làm cha mẹ. Ai lớn lên cũng sẽ phải đối mặt với những chông gai của cuộc đời. Vì vậy, thay vì gieo cho con những mộng tưởng hão huyền, hay yêu chiều quá mức, thì cha mẹ nên dạy chúng cách sống tự lập, thực tế nhất ngay từ những ngày nhỏ.