Thấm thía với câu chuyện "Không phải việc của tôi" từ người đàn ông mỗi năm thăng chức một lần
"Có người hỏi tôi: Làm thế nào anh có thể thăng chức mỗi năm một lần như vậy? Trả lời: Tôi không bao giờ nói "Không phải việc của tôi'."
Khi rời ghế nhà trường, dấn thân vào con đường sự nghiệp, những người trẻ có rất nhiều ngã rẽ và lựa chọn quan trọng cần phải quyết định. Nhưng dù cho có làm công việc nào đi chăng nữa, thì yếu tố ý thức và tinh thần luôn là nhân tố quyết định rằng người ấy có thành công được hay không.
Vừa qua, cộng đồng mạng, đặc biệt là giới trẻ, liên tục chia sẻ câu chuyện về quá trình thăng chức trong 8 năm của anh Nguyễn Tiến Huy. Điều đặc biệt thu hút ở câu chuyện này chính là quá trình thành công nhanh chóng và thái độ làm việc của vị CEO trẻ tuổi.
Anh Nguyễn Tiến Huy hiện đang là người sáng lập và giám đốc điều hành của một công ty thuộc lĩnh vực tiếp thị kỹ thuật số tại TP HCM. (Ảnh: NVCC)
Toàn bộ chia sẻ của anh Nguyễn Tiến Huy trên trang cá nhân. (Ảnh chụp màn hình)
Theo như chia sẻ của anh Nguyễn Tiến Huy, thì trong 8 năm này, mỗi năm anh đều được thăng chức một lần. Ngoài chuyện tập trung vào công việc chuyên môn hiện có, anh còn sẵn sàng “lấn sân” sang những lĩnh vực mới bằng cách tự tìm hiểu, mày mò.
Anh còn không ngại nhận những việc khác hoàn toàn như đi giới thiệu sản phẩm khi đang làm nhân viên thiết kế. Cứ mỗi lần thăng chức, là trước đó anh Huy đã chứng minh được khả năng của mình trong một lĩnh vực mới hoàn toàn.
Trao đổi với Saostar, anh Huy nói rằng câu chuyện này là dành cho các nhân viên của mình, “để mong mọi người có thể phát triển như cách anh đã phát triển khi còn trẻ hơn”. Theo anh, khi tuyển dụng, ngoài yếu tố chuyên môn thì yếu tố tinh thần là tính chủ động cũng không kém phần quan trọng.
“Khi một người được giao một công việc thì cần hiểu cả công việc của những người khác trong cùng bộ máy. Họ phải có cái nhìn rộng hơn là công việc của mình. Từ đó, họ sẽ có cơ hội phát triển lớn hơn nhiều. Ngoài ra, tôi còn mong chờ một yếu tố khác nữa là trách nhiệm. Khi chủ động làm thì cũng chủ động chịu trách nhiệm cho những việc mình làm”, anh Huy giải thích về những yếu tố tinh thần mà anh mong muốn ở nhân viên của mình.
Lời chốt của câu chuyện, “Tôi không bao giờ nói “Không phải việc của tôi”, cũng chính là lời nhắn nhủ của anh đến các bạn trẻ. (Ảnh: NVCC)
Sau khi được đăng tải, câu chuyện của anh Huy thu hút được rất nhiều cư dân mạng, đặc biệt là các bạn trẻ. Phần lớn cảm thấy rằng nên học hỏi tinh thần này và rút ra bài học cho mình. Bạn Mavis Nguyen kết luận rằng: “Bài học rút ra là không bao giờ nói không với chướng ngại vật.”
Rất nhiều người, khi đi làm vẫn mang tâm lý ngại khó và ngại thể hiện mình. Có thể vì họ sợ phải nhận nhiều việc khi tỏ ra mình là người có ích, hoặc bị ghen ghét vì “đụng chạm” đến phần việc của người khác. Hoặc cũng có thể vì họ ngại khó, ngại khổ và không muốn tốn thời gian để học thêm những cái mới.
Nhưng có một vài ý kiến nghi ngại, cho rằng việc “lấn sân” quá nhiều sẽ khiến mình rơi vào tình trạng ôm đồm. Khi đó, dễ xảy đến tình trạng quá sức, chán nản và thiếu sự đam mê vào công việc, cũng như ỷ lại của đồng nghiệp.
Khi trả lời cho một người có câu chuyện tương tự, anh Huy đã phân biệt rõ ràng giữa việc “cố gắng làm mọi việc” và “cố gắng hiểu hết mọi việc”. Đó cũng là “bệnh” chung của nhiều bạn trẻ, họ có thừa nhiệt tình nhưng lại thiếu sáng suốt và quá cả nể. Dẫn đến việc ôm quá nhiều việc một lúc, phải “gồng sức” lên để đảm đương cho tròn.
Chia sẻ và suy nghĩ của anh Huy cũng rất tương đồng với nhiều nhà tuyển dụng khác. Những nhân viên trẻ, nếu muốn con đường sự nghiệp của mình rộng mở, thì nên suy nghĩ theo những hướng táo bạo, kèm theo việc nâng cao ý thức và tinh thần làm việc. Đây cũng là một bài học đắt giá, giúp nhiều bạn trẻ tìm thấy động lực để bước đi trên con đường sự nghiệp.