Thẩm mỹ răng, lợi bất cập hại

,
Chia sẻ

Đôi khi vì mong muốn có được hàm răng trắng, nụ cười xinh, người ta mặc sức hành hạ những chiếc răng mà chẳng cần chú ý đến vấn đề sức khỏe răng miệng.

 Thuốc trắng răng dễ như mua kẹo 

Chi phí cho một lần tẩy trắng răng bằng công nghệ plasma là khoảng 2,5 - 3 triệu đồng và lâu nhất cũng chỉ có tác dụng trong một năm. Do những tác động của chế độ ăn uống, nước trà, cà phê, thuốc lá... men răng sẽ bị ngả màu trở lại. Với mức chi phí cao nhưng thời gian hiệu quả lại ngắn như vậy thì không ít người dù muốn có hàm răng trắng bóng nhưng cũng phải ngại ngần rút hầu bao
 
Tuy nhiên, người ta có thể đến các hiệu thuốc hay cửa hàng mỹ phẩm và dễ dàng tìm được những loại kem, gel hoặc bột làm trắng răng của Mỹ, Thuỵ Sỹ, Thái Lan, Trung Quốc và cả những loại đến người bán cũng chẳng biết của nơi nào sản xuất, được bán với giá từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng.  

Một số loại kem làm trắng sử dụng đơn giản như kem đánh răng, nhưng theo “hướng dẫn sử dụng bằng lời” của những người bán hàng thì loại kem này chỉ được dùng 1 hoặc 2 lần trong tuần  “vì nó tẩy trắng lắm, dùng nhiều sẽ không tốt cho răng”. 

Các loại kem phổ biến trên thị trường hiện nay có Depurdent (Thuỵ Sỹ) được bán với giá từ 250.000 - 300.000đ, tùy từng nơi, hoặc BriteSmile của Thái Lan có giá 195.000đ, ngoài ra còn nhiều loại của Trung Quốc chỉ khoảng 40.000 - 100.000đ. “Xịn” hơn là các loại thuốc bán theo bộ có kèm máng răng.  

Sau khi làm vệ sinh răng miệng buổi tối, người dùng có thể tra thuốc vào máng răng bằng nhựa và ngậm áp vào răng qua đêm. Những loại này được quảng cáo là an toàn và hiệu quả cao. Và tất nhiên giá bán cũng phải cao theo độ an toàn và hiệu quả, ví dụ như một bộ NiteWhite của Mỹ có giá 550.000 - 700.000đ. 

 

Ngoài ra, ở nhiều cửa hàng mỹ phẩm, còn có bán loại thuốc bội, với ưu điểm vượt trội về giá cả, chỉ 10.000 - 15.000đ/gói. Loại bột này theo hướng dẫn của người bán hàng thì có thể bôi trực tiếp vào răng, hoặc “tốt nhất là nên hòa với chút nước để thành bột sền sệt rồi bôi lên răng, tránh để tiếp xúc nhiều với miệng và lợi, để mấy phút rồi súc miệng và đánh răng bằng nước sạch”. 

Điều đáng ngạc nhiên là những sản phẩm tẩy trắng này được gọi là “thuốc” vì nó có các thành phần hóa chất, và tác dụng như một loại thuốc chữa bệnh vàng, xỉn răng. Thế nhưng, việc mua bán lại quá dễ dàng, chẳng có chỉ định nào của nha sĩ và cũng chẳng ai cần quan tâm xem các thành phần thuốc sẽ có phản ứng ra sao với cơ thể, cách dùng và liều lượng bao nhiêu là thích hợp với mỗi cá nhân sử dụng... 

Sưng mồm vì đắp răng khểnh 

Ở Việt Nam, công nghệ đắp composite được “sáng tạo” thêm một chức năng thẩm mỹ khác: đắp răng khểnh. Theo các bác sĩ chuyên khoa thì composite thực chất là nhựa quang trùng hợp nên khi tì đè vào lợi lâu ngày có thể gây phản ứng sưng đau, viêm nhiễm. Xét về vị trí thì chiếc răng này không khớp với hàm nên thức ăn dễ bị giắt vào kẽ răng, có thể dẫn đến bệnh viêm cổ chân răng.  

Trường hợp chị Nguyễn Thanh Hồng (tập thể Nhà máy Trần Hưng Đạo, Hà Nội) sau khi đắp răng khểnh và gắn đá tại một trung tâm thẩm mỹ được hơn ba tháng thì chị nhận thấy chiếc răng này không còn sáng bóng, mà bị xỉn đi, biến đổi dần sang màu vàng ố. Xinh và duyên chưa được mấy nỗi, chị Hồng ngày càng lo lắng hơn vì chứng hôi miệng và chảy máu chân răng, lợi sưng đỏ. Đến nha sĩ khám chị mới được biết mình bị viêm chân răng do phản ứng tiếp xúc lâu ngày với thành phần composite.

 Theo Lê Na
Khoa học & Đời sống
Chia sẻ