Tham gia BHXH 15 năm nhưng phải nghỉ việc vì cơ quan sắp xếp bộ máy, người lao động được trợ cấp bao nhiêu?
Công chức thuộc đối tượng phải nghỉ việc ngoài được bảo lưu thời gian đóng hoặc hưởng bảo hiểm xã hội một lần, còn được hỗ trợ thêm 3 khoản trợ cấp khác.
Trong bối cảnh đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm xây dựng một bộ máy quản lý nhà nước tinh gọn, hiệu quả, vấn đề tổ chức, sắp xếp bộ máy hành chính đang trở thành tâm điểm chú ý của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trên cả nước. Đặc biệt những vấn đề liên quan đến tinh giản biên chế, hay tái cơ cấu các cơ quan, tổ chức ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và tâm tư của hàng triệu người lao động trong khu vực công.
Đặc biệt trong đó các chính sách, chế độ dành cho những trường hợp nghỉ thôi việc theo diện tổ chức, sắp xếp bộ máy thu hút sự quan tâm của người lao động. Bởi những trường hợp này xuất phát từ yêu cầu khách quan của cải cách hành chính. Do đó, các chính sách, chế độ hỗ trợ đối với những trường hợp như vậy là cần thiết để đảm bảo quyền lợi cơ bản của họ.
Mới đây, Bộ Nội vụ đã ban hành Công văn 1814/BNV-TCBC hướng dẫn việc thực hiện Nghị định 178, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 67 về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức... khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy.

Ảnh minh hoạ
Cách tính chính sách, chế độ đối với người nghỉ thôi việc
Trong Công văn, Bộ Nội vụ nêu rõ cách tính chế độ và dẫn chứng cụ thể từng đối tượng nghỉ hưu trước tuổi và người nghỉ thôi việc theo Nghị định 178, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 67.
Theo đó, Bộ Nội vụ đã dẫn chứng cụ thể trường hợp của ông Nguyễn Văn M., công chức của một Vụ thuộc Bộ thuộc diện phải nghỉ thôi việc do sắp xếp bộ máy như sau:
Ông Nguyễn Văn M., công chức của Vụ thuộc Bộ, có tổng thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội là 15 năm, đã xếp bậc 5 hệ số lương 3,66 ngạch chuyên viên và hưởng phụ cấp công vụ 25% (tiền lương tháng hiện hưởng: 10.705.500 đồng/tháng).
Do cơ quan sắp xếp tổ chức bộ máy, ông M. thuộc đối tượng phải nghỉ việc từ ngày 1/6/2025.
Bộ Nội vụ hướng dẫn chính sách và chế độ ông M. được hưởng như sau: Ông M. sẽ được hưởng 3 khoản trợ cấp:
Bao gồm:
(1) Trợ cấp thôi việc: 60 x 0,8 x 10.705.500 = 513.864.000 đồng;
(2) Trợ cấp theo thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội: 15 x 1,5 x 10.705.500 = 240.873.750 đồng;
(3) Trợ cấp tìm việc làm: 03 x 10.705.500 = 32.116.500 đồng).
Như vậy, tổng số tiền trợ cấp mà ông M. được hưởng là 786.854.250 đồng.
Ông M. còn được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội hoặc hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, trong trường hợp này ông M. mới chỉ có 15 năm đóng BHXH, mặc dù đã đủ điều kiện để hưởng lương hưu tuy nhiên tỷ lệ mà ông M. được hưởng sẽ ở mức khá thấp. Chính vì vậy, ông M. có thể tiếp tục tham gia BHXH sau khi nghỉ việc để tăng tỷ lệ hưởng lương hưu sau này.

Ảnh minh hoạ
Chế độ hỗ trợ khác
Sắp xếp bộ máy hành chính, đặc biệt là tinh giản biên chế, có thể ảnh hưởng đến hàng chục nghìn người lao động trên cả nước. Mặt khác, việc nghỉ thôi việc do sắp xếp bộ máy có thể gây ra những xáo trộn lớn về tâm lý và đời sống của người lao động, đặc biệt với những người lớn tuổi hoặc có thời gian công tác lâu năm.
Nếu không có chính sách, chế độ phù hợp, số lượng lớn người nghỉ thôi việc có thể dẫn đến các vấn đề xã hội như việc làm. Chính vì vậy, các chế độ hỗ trợ tài chính, đào tạo nghề, và ưu tiên tuyển dụng giúp giảm thiểu nguy cơ này bằng cách tạo điều kiện để người lao động tái hòa nhập thị trường lao động.
Nhiều địa phương đã triển khai các chính sách hỗ trợ cho hàng nghìn cán bộ, công chức không còn phù hợp với cơ cấu mới. Thông qua chương trình hỗ trợ, nhiều người đã tìm được việc làm mới trong khu vực tư nhân hoặc tự kinh doanh, góp phần giảm áp lực lên hệ thống an sinh.