"Thảm cảnh" người dân vật vã sống chung cùng mương ô nhiễm

Đinh Liên, nguồn ảnh: aFamily.vn,
Chia sẻ

Ô nhiễm, bẩn thỉu, ngập ngụa rác... là những ấn tượng đầu tiên về “xóm nước đen” tồn tại ngay giữa lòng Hà Nội.

Nằm lọt thỏm giữa những con phố chính, “xóm nước đen” đã tồn tại từ nhiều năm nay, hàng trăm hộ dân sinh sống tại những con mương ô nhiễm này đều rơi vào cảnh sống dở khóc dở cười vì môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng.
 
Con mương Liễu Giai - Cống Vị nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối.
 
Từ phố Vạn Phúc, đi sâu tới cuối đường là gặp “xóm nước đen”. Thật lòng mà nói, phải khó khăn lắm chúng tôi mới đi được trên những chiếc cầu khỉ tạm bợ với cây cối um tùm và nhiều rác rưởi đến mức không còn nhìn thấy đường để vào được trong xóm. Con mương Liễu Giai – Cống Vị và Ngọc Hà (Ba Đình, Hà Nội) quanh năm đều có màu đen, nước sền sệt những thứ bùn bẩn, và trên bờ mương thì có vô số rác rưởi và xú uế, quanh năm đầu độc thứ không khí mà người dân nơi đây vẫn hàng ngày hít thở. Đầu hè, trời nắng như đổ lửa, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, nhưng điều khiến chúng tôi thấy lạ là những người sinh sống dọc hai con mương dường như đã quá quen với điều này, họ vẫn thư thả ngồi dưới những tàng cây bụi bặm để hóng mát. Hầu hết trong số những gia đình sống ở đây đều là hộ nghèo, họ dựng lên một cái lều tạm bợ, kiếm chốn nương thân để mưu sinh.
 
 
Sát bờ mương là đủ thứ rác thải.
 
Gặp một người đàn ông cởi trần ngồi dưới ngôi nhà tạm bợ, rách nát, chúng tôi được ông chia sẻ: “Phận nghèo chỉ như chúng tôi chỉ cần như thế này là đủ, một chỗ để che mưa, che nắng, để trú thân. Con mương này có bẩn đến mấy thì ở mãi cũng thành quen. Mới đầu thì cũng thấy kinh, nhiều người không quen ngửi mùi tanh còn thấy buồn nôn, nhưng ở riết gần chục năm rồi cũng chả sao”.
 
Khi được hỏi về thứ mùi vẫn lởn vởn bên cạnh cuộc sống thường nhật của họ, người đàn ông khắc khổ ấy cho biết: “Như thế này là còn sướng đấy, vì giờ chưa phải mùa mưa. Có năm Hà Nội lụt, thứ nước đen sền sệt kia còn dâng cao đến tận nhà chúng tôi, nhìn ra thì chỉ toàn một màu đen bẩn thỉu. Cũng may "trời sinh voi sinh cỏ", bẩn thế nhưng cả mấy đứa nhỏ lẫn người lớn ở đây chỉ mắc các bệnh ngoài da, chưa thấy ai mắc trọng bệnh bao giờ”.
 
Nhiều ngôi nhà tạm bợ và những chiếc cầu khỉ được dựng lên.

Được biết, hai con mương này một nối với sông Tô Lịch, một có cống xả thải của nhà máy bia Hà Nội. Tình trạng này đã kéo dài hàng chục năm qua, mỗi năm cũng nạo vét kênh mương 3, 4 lần nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn ở mức đáng báo động. Những người dân sống trong xóm nghèo tại địa phận 3 phường: Kim Mã, Liễu Giai, Cống Vị từ lâu đã quá quen với cảnh mỗi ngày "cứ mở mắt ra là nhìn thấy rác” như vậy.
 
Tương tự, hàng trăm nguời dân sinh sống bên hai bờ con mương Y Cụ – Y Khoa đều cảm thấy khó chịu, bất an khi sống chung với con mương “tử thần”. Câu chuyện về "địa danh nổi tiếng" này đã được đề cập lên mặt báo từ những năm 2008 đến 2010, và đến bây giờ nó vẫn còn đó để buộc chúng ta thêm một lần phải nhắc lại.
 
Tuyến mương Y cụ là đường thoát nước lộ thiên của những chất thải chưa qua xử lý. Môi trường nơi đây đã từ lâu bị ô nhiễm nghiêm trọng. Con mương dài hơn 1 cây số nhưng trước đây có tới 3 đơn vị sản xuất đều xả nước thải trực tiếp ra lòng mương khiến nước lúc nào cũng có màu vàng và bốc mùi hóa chất nồng nặc. Lòng mương đã bị thu lại khá hẹp, nhiều đoạn bị tắc do rác thải, nước mương đục ngầu, đen sì, đáy đóng cặn. Nhà dân lại ở sát hai bên bờ mương nên vào những ngày trời nắng hoặc mưa to, mùi nước thải từ mương bốc lên ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt của nhiều gia đình.
 
Chị Nguyễn Thị Kim (tổ 24, Khương Thượng) cho hay:“Mùa đông còn đỡ, chứ mùa hè, ngày nào gia đình tôi cũng phải đóng kín cửa vì mùi hôi thối nồng nặc khó chịu. Trước kia, có một đôi vợ chồng trẻ với đứa con nhỏ đến thuê phòng của gia đình tôi, mà chỉ ở được một thời gian ngắn, không chịu nổi đành phải trả phòng chuyển đi nơi khác. Nếu kéo dài tình trạng này, chúng tôi cũng sợ ô nhiễm sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe. Người lớn thì có thể không sao, nhưng với trẻ nhỏ thì nguy hiểm lắm!”
 
 
Những chiếc cầu khỉ được bắc qua con mương để tiện đi lại, tuy nhiên, những chiếc cầu nhỏ này khiến việc đi lại khá nguy hiểm.
 
Không chỉ có vậy, đường ven bờ mương không có hàng rào ngăn cách nên rất nguy hiểm cho những người tham gia giao thông tại khu vực này, đặc biệt là vào buổi tối. Nhiều gia đình còn bắc những cầu tạm, cầu khỉ để tiện đi lại qua con mương. Bên cạnh con mương là đoạn đường bê tông hẹp chưa đầy 1 mét, nên cứ mỗi chiều tan tầm là cảnh tắc đường lại xảy ra. “Bình thường chẳng tắc đường, đi đã phải tránh nhau, huống hồ là giờ thiên hạ ùn ùn đi làm về. Bên cạnh lại là con mương sâu, bẩn, nên ai đi qua cũng nơm nớp lo sợ”, chị Kim cho hay.
 
Còn ông Nguyễn Ngọc Dũng (tổ 24, Khương Thượng) thì cho biết: “Môi trường sống tại đây ngày càng ô nhiễm nặng do lượng nước thải đổ ra tăng lên khiến con mương này trở nên quá tải. Dù sống tại đây đã hơn 20 năm nhưng thời gian gần đây, hầu như ngày nào nhà tôi cũng phải đóng kín cửa để tìm cách hạn chế việc phải chịu đựng cái thứ mùi này. Từ năm 2006, chúng tôi được UBND phường cho biết thành phố đã có dự án cải tạo, cống hóa con mương này, nhưng cho đến nay, nhiều hộ gia đình vẫn cứ phải sống trong cảnh thấp thỏm chờ đợi đến ngày nó được cải tạo sạch sẽ hơn để cho chúng tôi bớt khổ…”
Chia sẻ