Thảm cảnh của người mua nhà Trung Quốc: 'Tiền tươi thóc thật' nhưng không bao giờ nhận được nhà
Trong nhiều năm, các nhà phát triển đã bán những căn hộ chưa xây cho người mua để lấy tiền xây dựng. Khi họ gặp sự cố, người mua có thể bị đẩy sâu vào nợ nần, trong khi nhà thì không được nhận.
Zhang Junxiao và vợ đã sống trong một căn hộ chật chội, không có đồ đạc với những bức tường bê tông trần trụi trong gần ba thập kỷ ở trung tâm thành phố Trịnh Châu, Trung Quốc.
Khi người đàn ông 51 tuổi này lên kế hoạch nghỉ hưu vào giữa năm 2019, ông đã quyết định mua một căn hộ mới. Ông chọn một căn hộ hai phòng ngủ có thang máy trong khu phức hợp có tên Qifucheng - "Thị trấn Hạnh phúc" ở rìa trung tâm thành phố Trịnh Châu. Khu nhà được dự kiến hoàn thành vào năm 2020.
Zhang đã vay tiền từ bạn bè và người thân để trả tiền mặt cho căn hộ trị giá 550.000 nhân dân tệ (86.000 USD) nhằm tận dụng ưu đãi giảm giá nếu thanh toán trước bằng tiền mặt. Ông đã vay hơn 100.000 nhân dân tệ từ người thân và bạn bè và dành toàn bộ số tiền tiết kiệm cho việc nghỉ hưu để mua nhà. Hai năm rưỡi sau, Zhang vẫn còn nợ, nhưng không có căn hộ mới.
Vào năm 2018, theo hồ sơ của tòa án, một số tổ chức cho vay phi ngân hàng đã kiện nhà đầu tư, công ty Phát triển Zhengzhou Zhongsheng, cáo buộc rằng họ đã chậm trễ trong việc thanh toán. Các nhà đầu tư tư nhân của Trung Quốc thường vay từ những người cho vay như vậy với lãi suất cao hơn lãi suất ngân hàng.
Dự án Qifucheng vẫn còn dang dở.
Theo bốn người mua và phương tiện truyền thông địa phương, vào thời điểm cuối năm 2019, việc xây dựng tại Qifucheng đã dừng lại. Vào tháng 7 năm 2020, nhà đầu tư cho biết việc xây dựng sẽ bị trì hoãn trong 350 ngày vì đại dịch và các quy định kiểm soát không khí của thành phố, theo tờ báo địa phương Henan Economic Daily. Hơn 400 ngày sau, chủ đầu tư đang vật lộn với việc thanh toán các khoản nợ, và việc thi công tại khu chung cư vẫn chưa được tiếp tục. Không thấy bóng dáng người công nhân nào tại công trường, những người mua cho biết.
Chủ đầu tư đã vướng vào hàng trăm vụ kiện, với các nguyên đơn từ ngân hàng, nhà thầu, người mua nhà cho đến các đại lý nhà đất, những người nói rằng họ đã giúp việc bán căn hộ nhưng lại không nhận được tiền hoa hồng. Ngân hàng Trịnh Châu và Ngân hàng Phát triển Phố Đông Thượng Hải đã kiện công ty vì không đáp ứng các nghĩa vụ nợ của mình, theo hồ sơ của tòa án.
Trong nhiều năm, lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc phụ thuộc vào việc bán các căn hộ chưa xây để lấy vốn xây dựng. Khi một dự án thất bại, những người mua bình thường như Zhang có thể bị bỏ rơi. Chỉ riêng khu phức hợp Qifucheng đã bán được hơn 5.000 căn trước khi ngừng thi công.
Theo CRIC, đơn vị nghiên cứu của công ty dịch vụ bất động sản e-House Enterprise Holdings Ltd., tổng doanh số bán hàng trong số 100 nhà đầu tư lớn nhất Trung Quốc đã giảm 36% trong tháng 9 so với cùng kỳ năm ngoái. Dự đoán rằng khoảng một phần ba các nhà đầu tư bất động sản của Trung Quốc có thể phải vật lộn để trả nợ trong 12 tháng tới.
Mua nhà khi còn là đất nền
Tình trạng khó khăn của Zhang và những người mua nhà khác một phần là do sự phổ biến của việc bán trước ở Trung Quốc. Cơ chế này cho phép các nhà đầu tư cấp vốn cho các dự án bằng cách bán trước các căn hộ chưa xây dựng. Trong một số trường hợp, người mua được giảm giá khi thanh toán sớm.
Theo các quy định về nhà ở, số tiền huy động được từ việc bán trước phải được chuyển vào một tài khoản chuyên dụng dưới sự giám sát của ngân hàng và cơ quan quản lý nhà ở, và chỉ được chi cho việc xây dựng các dự án liên quan. Trên thực tế, các chuyên gia nói với Sixth Tone, các nhà chức trách và ngân hàng hiếm khi thực thi các quy định này một cách nghiêm ngặt và các chủ đầu tư thường sử dụng vốn cho các dự án khác hoặc để trả nợ hiện có.
Hu Jinghui, nhà kinh tế trưởng của trung tâm nghiên cứu Jinghui và là cựu chủ tịch của Liên minh các cơ quan bất động sản Trung Quốc, nói rằng các nhà đầu tư sử dụng hiệu quả việc bán trước như một cách để vay mà không bị hạn chế.
Trong trường hợp của Qifucheng, nhiều người mua nhà tin rằng tiền của họ không được chuyển đến tài khoản được giám sát như đã nêu trong hợp đồng nhà ở, mà đến các tài khoản khác không được giám sát.
Trong một bản tin đăng trên Nhật báo Kinh tế Hà Nam vào năm ngoái, Cục Quản lý Bất động sản và An ninh Nhà ở Trịnh Châu cho biết Qifucheng đã bán một số căn hộ trước khi các tài khoản ngân hàng được giám sát được lập, và nơi cất giữ số tiền huy động được từ việc bán những căn hộ trước đó vẫn chưa rõ ràng. Chính quyền từ chối tiết lộ tài chính chi tiết về các tài khoản được giám sát này.
Không rõ số tiền do Qifucheng huy động được sử dụng như thế nào, nhưng người mua tin rằng các nhà đầu tư đã sử dụng sai mục đích số tiền này.
Vẫn phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ
Zhou, một bà mẹ hai con, cũng mua một căn hộ tại Qifucheng. Nhưng cô mang một gánh nặng lớn hơn: khoản vay ngân hàng 390.000 nhân dân tệ.
Cô nói rằng mặc dù Qifucheng đã tạm dừng xây dựng, cô vẫn cần phải trả khoản vay hàng tháng là 4.230 nhân dân tệ cho Ngân hàng Phát triển Phố Đông Thượng Hải. Cô đã cố gắng thương lượng với ngân hàng để xem có được gia hạn thanh toán khoản vay hay không nhưng không thành công.
Zhang Jie, một luật sư tại Thượng Hải và là đối tác cấp cao của Công ty Luật Yingke, cho biết người mua nhà vẫn có nghĩa vụ thanh toán khoản vay hàng tháng ngay cả khi các chủ đầu tư tạm dừng xây dựng. Zhang cho biết mối quan hệ của người mua nhà với ngân hàng tách biệt với mối quan hệ của họ với các chủ đầu tư.
Với một đứa trẻ đang học mẫu giáo và một đứa khác đang học tiểu học, Zhou cho biết cô cần chi ít nhất 10.000 nhân dân tệ mỗi tháng để trả các khoản chi phí liên quan đến tiền thuê nhà, tiền học cho hai con, khoản vay mua xe và khoản vay mua nhà này.
"Thành thật mà nói, chúng tôi đang ở trong một tình huống thực sự khó khăn. Tôi vừa nói với chồng tôi vào ngày hôm trước. Nếu vấn đề căn hộ này không thể giải quyết được, chúng ta có thể bỏ căn hộ này đi."
Nhưng việc không thanh toán khoản vay sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến điểm tín dụng của gia đình, điều này sẽ ảnh hưởng đến việc học của con cô và kế hoạch du lịch của họ.
Ở Trung Quốc, những con nợ vỡ nợ thường bị đưa vào "danh sách đen tín dụng", cấm con nợ gửi con cái đến trường tư thục, đi tàu cao tốc và máy bay, cũng như vay thêm các khoản vay từ ngân hàng.
Hy vọng về một gói cứu trợ
Khi một nhà đầu tư từ bỏ dự án, hy vọng tốt nhất cho người mua là có một nhà đầu tư khác sẽ hoàn thành dự án đó. Người mua may mắn nhất nếu khu chung cư của họ nằm ở vị trí đắc địa hoặc có triển vọng bán cao khi thị trường giảm giá.
Khi người mua nhà Gao Fan bị phóng viên chặn lại trước cửa văn phòng kinh doanh, cô tự tin rằng cuối cùng thì dự án sẽ hoàn thành.
"Không thể để một khu chung cư còn dang dở ở một vị trí tốt như vậy," cô kể rằng mình cũng đã mua một căn hộ khác từ Evergrande với giá 15 triệu nhân dân tệ, hiện cũng đã tạm dừng xây dựng. "Trong trường hợp xấu nhất, chính phủ có thể đến giải cứu," cô nói.
Trở lại Trịnh Châu, chính phủ đang cố gắng tổ chức một kế hoạch tương tự cho Qifucheng. Vào khoảng tháng 7, dự án với sự can thiệp của chính quyền địa phương, đã thành lập một ủy ban thứ ba bao gồm một công ty luật và đại diện của những người mua nhà để giúp khu chung cư bước vào quá trình tái tổ chức phá sản.
Người mua nhà được yêu cầu gửi biểu mẫu nêu chi tiết thông tin hợp đồng của họ và đồng ý với quy trình tái tổ chức phá sản, cho phép các nhà đầu tư mới tiếp quản một số tài sản và vực dậy công ty bằng cách rót vốn.
Tính đến ngày 8 tháng 7 năm nay, ủy ban của bên thứ ba đã đăng ký thông tin cho 5.370 người mua nhà và tổ chức các cuộc họp với sáu tổ chức tài chính. Họ đang thực hiện công việc kiểm toán về nợ và tài sản của dự án này và đã gửi lời mời đấu thầu tới 14 công ty có thể có lợi ích trong việc tiếp quản dự án, theo một bức thư gửi cho người mua nhà vào tháng Bảy.
Hàng trăm người mua nhà Qifucheng đã đăng video trên nền tảng video ngắn Douyin để ghi lại hy vọng, đấu tranh, nước mắt, nỗi buồn và nỗi đau của họ. Trong một video nhận được hơn 300 lượt thích, một người mua nhà 75 tuổi đã khóc và nói rằng "chính phủ sẽ không bỏ rơi chúng tôi".
Tham khảo Sixth Tone