Thai phụ tại bệnh viện Từ Dũ kể chuyện mẹ ruột băng huyết suýt chết khi “sinh tự nhiên” tại nhà
“Dù có bà mụ ở nhà nhưng khi vừa sinh xong em út, mẹ tôi bị băng huyết nặng. Lúc đó bà mụ vội đi tìm lá cây rau ngổ trâu cho mẹ uống nhưng những ngày đầu mẹ vẫn ra máu nhiều khiến cả nhà đều hoảng hốt”.
Đó là chia sẻ của chị Hà Thanh Ngân (34 tuổi, quê Bà Rịa Vũng Tàu). Chị Ngân hiện đang mang thai 38,5 tuần tuổi. Những ngày cận sinh, chị được chồng đưa vào BV Từ Dũ (TP.HCM) để các bác sĩ dưỡng thai, chuẩn bị cho cuộc vượt cạn lần thứ ba.
Thai phụ chia sẻ về trào lưu "sinh thuận tự nhiên".
"Hai lần trước tôi đều sinh khó và khá yếu. Không đủ sức để sinh thường, các bác sĩ đều phẫu thuật cho tôi, rồi tư vấn cho tôi cách kiêng cữ để vết thương mau lành, mau hồi phục. Dù lần sinh này đã lớn tuổi nhưng tôi cảm thấy rất an tâm vì đã có các bác sĩ lo liệu" – chị nói.
BV Từ Dũ (TP.HCM).
Nhiều sản phụ chọn đến BV phụ sản này để sinh con.
Khi được hỏi về trào lưu "sinh thuận tự nhiên" đang nổi lên những ngày qua, thai phụ cho rằng, mọi người đang hiểu sai về vấn đề này.
"Tôi nghĩ sinh tự nhiên cũng giống như sinh thường, tức là mình tự rặn, sinh đúng ngày giờ là đẻ chứ không canh. Đẻ xong cho con bú bằng sữa mẹ để bé có đầy đủ dinh dưỡng. Nhưng phải có bác sĩ ở bên hướng dẫn bảo vệ, chứ lỡ đuối sức hay có chuyện gì thì sao cứu kịp" – thai phụ phân tích.
Chị Ngân (giữa) đang chờ sinh đứa con thứ ba.
Dẫn chứng về chuyện này, chị Ngân kể lại 23 năm trước đã từng theo dõi mẹ ruột sinh em út. Khi đó vì nhà quá nghèo, gia đình chọn cách kêu bà mụ về nhà đỡ đẻ thay vì vào BV.
Tại BV, các tờ rơi và cách chăm sóc bà mẹ, trẻ sơ sinh được BV chủ động cung cấp cho sản phụ.
"Mẹ tôi sinh khó nhưng lúc ấy đâu được đẻ mổ. Dù có bà mụ ở nhà nhưng khi vừa sinh xong em út, mẹ tôi bị băng huyết nặng. Bà mụ mới đi tìm lá cây rau ngổ trâu cho mẹ tôi uống nhưng những ngày đầu bà vẫn ra máu nhiều khiến cả nhà đều hoảng hốt. Dần dần khoảng một tuần thì máu từ từ ra ít lại, mãi đến một tháng sau mới dứt hẳn nhưng mẹ mệt lắm. Kể từ đó nhà tôi dù khó khăn thế nào nhưng khi đi đẻ cũng phải vào BV, không bao giờ dám đẻ ở nhà nữa" – chị nhớ lại.
Đồng quan điểm này, chị Huỳnh Thị Gấm (30 tuổi, quê Khánh Hòa) cũng cho biết, sẽ chỉ chọn sinh ở cơ sở y tế có sản khoa chứ không thể "thuận tự nhiên" theo cách để số phận định đoạt tính mạng con mình.
Chị Gấm cho rằng không thể sinh "thuận tự nhiên" mà không có bác sĩ ở bên cạnh hỗ trợ.
"Em thấy bây giờ ai cũng chọn sinh ở BV như em hết. Ngày còn nhỏ em cũng từng chứng kiến chị hàng xóm kêu bà mụ về đỡ đẻ ở nhà nhưng cũng phải cắt rốn, kiêng cữ giữ ấm cho mẹ đủ thứ mới khỏe chứ sao để "tự nhiên" như trên mạng nói được" – chị Gấm chia sẻ.
Với những bà mẹ sức khỏe yếu và lớn tuổi, việc có sự can thiệp của đội ngũ y tế là hết sức quan trọng.
Bác sĩ Phan Trung Hòa, Trưởng khoa Sản A BV Từ Dũ cho biết, bệnh nhân khi vào đây đều được các nhân viên y tế căn dặn kỹ càng về các bước chăm sóc thiết yếu bà mẹ, trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ.
Nói về trào lưu sinh "thuận tự nhiên" được lan truyền trên mạng xã hội những ngày qua, bác sĩ Hòa cho rằng đây là quan niệm sai lệch và tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
Quan niệm sinh tự nhiên không cần bác sĩ khiến nhiều sản phụ có thể gặp nguy hiểm.
"Sinh đẻ theo tự nhiên phải hiểu theo nghĩa đúng là tôn trọng tự nhiên. Cụ thể, khi bé vừa sinh ra sẽ được cho nằm liền trên ngực mẹ, được cắt rốn tự nhiên, được bú sữa mẹ… Đây gọi là chăm sóc sơ sinh thiết yếu sớm và phải có sự theo dõi của nhân viên y tế" – bác sĩ Hòa nói.
Theo bác sĩ, cả Bộ Y tế và Hiệp hội Sản phụ khoa Thế Giới đều không khuyến khích sinh đẻ tại nhà bởi nhiều lý do. Thứ nhất, nếu có biến chứng thì sinh tại nhà sẽ khó can thiệp kịp thời. Thứ hai, việc sinh đẻ tôn trọng tự nhiên đã được các cơ sở y tế giám sát và thực hiện rất tốt.
Bác sĩ khuyên bà mẹ nên đến cơ sở y tế có chuyên môn sản khoa để được tư vấn, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe đúng đắn, an toàn.
"Cách đây 25 năm, Giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Phượng (khi còn công tác ở BV Từ Dũ) là người lặn lội lên các tỉnh Tây Nguyên đón từng sơn nữ về thành phố, dạy cho họ cách sinh hoạt, kiến thức sinh sản đúng đắn. Sau 6 tháng đào tạo, họ trở về buôn làng, giáo dục người dân khi có thai phải đi khám, khi đẻ phải đến cơ sở y tế chứ không được đẻ ở rừng. Điều này được thực hiện miệt mài suốt một thời gian dài, đã giúp giảm đáng kể tỉ lệ tử vong của mẹ và bé" – bác sĩ Hòa nhớ lại.
Bác sĩ khuyên người dân khi có một trào lưu mới nào xảy ra hãy tham khảo ý kiến của nhà chuyên môn trước khi quyết định thực hiện. Cụ thể với quan niệm sinh "thuận tự nhiên" những ngày qua, các bà mẹ nên tìm đến cơ sở y tế có chuyên ngành sản phụ khoa để được cung cấp kiến thức và hướng dẫn thực hiện một cách an toàn.