Thai lưu: nỗi ám ảnh đáng sợ!
Theo bác sĩ Bùi Chí Thương (BV Phụ sản Từ Dũ), thai lưu chiếm tỉ lệ không nhỏ. Tuy không nguy hiểm tính mạng nhưng ảnh hưởng lớn đến sức khỏe thai phụ, nhất là về tâm lý, tinh thần.
Vì sao thai chết lưu?
Thai chết lưu hay thai lưu do nhiều nguyên nhân gây ra. Có thể do thể trạng hoặc sức khỏe người mẹ yếu, mắc các bệnh mạn tính như tiểu đường, tim mạch, huyết áp cao, viêm thận; do bất thường nhiễm sắc thể hoặc dị tật bẩm sinh (“não úng thủy” - não to chứa nhiều nước). Những bất thường dây rốn: rốn thắt gút, quấn cổ gây nghẹt thở hoặc bánh nhau bị lão hóa, không đủ dưỡng chất nuôi thai khiến thai suy dinh dưỡng và chết trong bụng mẹ.
Các yếu tố chấn thương do va đập, stress hoặc thai nhiễm độc do người mẹ làm việc trong môi trường thường xuyên tiếp xúc với hóa chất độc hại (chì, thủy ngân…), virus hoặc vi trùng xâm nhập qua đường hô hấp, qua âm đạo đến thai cũng là một trong những nguyên nhân.
Khó nhận biết
Thai lưu không có những biểu hiện rõ ràng cụ thể nên chỉ có thể phát hiện khi thai đã chết. Tiến hành đo tim thai, bác sĩ không thấy tim thai hoạt động hoặc chính người mẹ sẽ cảm thấy thai không máy nữa. Với trường hợp thai còn nhỏ, có khi thai chết và sảy ra ngoài (như có kinh nguyệt) mà người mẹ không hay biết mình đã mang thai. Còn với thai lớn biểu hiện rõ nhất là bụng người mẹ không phát triển thêm về kích thước mà có dấu hiệu nhỏ đi.
Gây tâm lý sợ hãi cho thai phụ
Tuy thai lưu không nguy hiểm đến tính mạng nhưng gây giảm sút sức khỏe của người mẹ và nếu để thai lưu quá 6 tuần, thai sẽ sinh ra chất tiêu sơn huyết gây chứng máu khó đông ở thai phụ. Mặt khác, thai lưu ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần thai phụ là điều khó tránh khỏi. Tâm lý mang một “xác chết” trong bụng sẽ khiến thai phụ sợ hãi và ấn tượng mỗi khi mang thai do đó dễ bị stress hơn…
Sau điều trị, về nguyên tắc, khả năng mang thai sẽ không bị ảnh hưởng, tuy nhiên, trong quá trình mang thai thai phụ phải chú ý theo dõi kỹ hơn. Nên dùng thuốc dưỡng thai sớm hơn so với các trường hợp khác, khám định kỳ thường xuyên và tránh vận động quá sức. Thai giai đoạn đầu nên khám định kì 4 tuần/lần, thai được 32 tuần cứ 2 tuần/lần…
Theo PNO