Thạc sĩ giáo dục gợi ý 8 câu cha mẹ nên nói nếu con thi trượt
Cha mẹ trước hết phải buông bỏ sự thất vọng và bất mãn, thấu hiểu tâm trạng và nỗi hoang mang của con, đồng thời giúp con thoát ra khỏi bóng đen thi trượt càng sớm càng tốt.
Kỳ thi tuyển sinh THPT hàng năm được đánh giá gay gắt chẳng thua kém kỳ thi đại học. Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, số lượng học sinh Hà Nội đăng ký thi vào lớp 10 các trường THPT công lập năm học 2023-2024 là gần 105.000 em. Trong khi, số chỉ tiêu tuyển vào các trường THPT khoảng 72.000.
Trừ thêm số học sinh lựa chọn theo học các trường THPT chuyên trực thuộc các trường đại học đóng trên địa bàn thành phố, số còn lại (tức gần 30.000 em) sẽ không có cơ hội vào các trường công lập. Còn tại TP.HCM, chỉ có khoảng 70% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục vào học lớp 10 tại các trường THPT công lập, 30% còn lại phải lựa chọn các hình thức học tập khác.
Đối với nhiều thí sinh, đây là cuộc thi "sống còn", mục tiêu "vào trường công" trở thành một áp lực khủng khiếp. Nếu không may thi trượt, phụ huynh thất vọng 1 thì các em còn tuyệt vọng 10. Bởi chúng không chỉ "gục ngã" trước một trong những cuộc thi quan trọng nhất của đời học sinh mà còn mang áp lực và gánh nặng từ mẹ cha trên đôi vai nhỏ bé của mình.
Cha mẹ vì thế, trước hết phải buông bỏ sự thất vọng và bất mãn, thấu hiểu tâm trạng và nỗi hoang mang của con, đồng thời giúp con thoát ra khỏi bóng đen thi trượt càng sớm càng tốt. Trong khoảnh khắc này, một hành động nhỏ, một lời an ủi nói ra đúng lúc, với con có thể sẽ là nguồn động viên to lớn.
Vậy trong tư cách là phụ huynh (hay cả giáo viên) bạn sẽ nói với con thế nào để xoa dịu con, thể hiện sự đồng cảm và ghi nhận cảm xúc của con, để cho con thấy con không phải là người thất bại; để con hiểu rằng đây chỉ là một trong những thử thách trong cuộc sống, rằng cuộc đời còn nhiều ngã rẽ bất ngờ. Và nhất là cho con thấy không vì trượt mà bố mẹ bớt yêu con?
Thạc sĩ giáo dục Hồng Đinh, giáo viên tiểu học lâu năm ở Mỹ đã gợi ý một số câu mà cha mẹ có thể nói với con khi con bị từ chối/không được nhận vào những trường "top choice" hoặc không thi đỗ:
1. Quy mô lớn hơn không có nghĩa là tốt hơn.
2. Hãy tỏa sáng theo cách của con dù ở bất cứ nơi nào mà con chọn (trường nào chấp nhận/trường nào con đậu thì hãy học ở đó, và con nhất định sẽ tỏa sáng).
3. Nếu không vào được ngôi trường yêu thích, thì có nghĩa đó không phải là những trường mà định mệnh muốn dành cho con. (Con ở trường khác mới đúng là ngôi trường của mình).
4. Bị từ chối có thể là một dấu hiệu cho thấy con cần chuyển hướng.
5. Bố/mẹ luôn yêu con bất kể điều gì xảy ra. Con luôn thành công trong mắt bố mẹ.
6. Bố mẹ hiểu con thất vọng, nhưng bố mẹ tin rằng thất bại sẽ khiến con mạnh mẽ hơn.
7. Nơi con học không phản ánh con người mà sau này con sẽ trở thành! Một ngày nào đó, khi con học xong và thành công, con sẽ nhìn lại khoảnh khắc này và nhận ra rằng sự đau khổ này là một phần trong quá trình dẫn con đến nơi con định đến.
Bố mẹ không nghi ngờ rằng con sẽ có một cuộc sống tuyệt vời tại bất cứ ngôi trường nào con học tập/phát triển.
Ba hay bốn năm chỉ là một phần nhỏ bé trong cuộc đời. Mọi thách thức hay sự thất vọng có thể là một cơ hội để trưởng thành và điều đó quý giá không kém việc được học tập tại một trường danh giá.
8. Hãy yêu cái mình có rồi con sẽ có cái mình yêu. Hãy yêu lại ngôi trường đã yêu/chọn con.
Khi cánh cửa này khép lại thì sẽ có cánh cửa khác mở ra, trượt trường công lập, các em còn có lựa chọn khác, đó là các trường dân lập, trường tư thục, học tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trường trung cấp, cao đẳng... Bằng cấp khi các em tốt nghiệp THPT đều như nhau.
Chỉ cần các em có ý chí và luôn nỗ lực, với một môi trường học tập rèn luyện phù hợp, các em hoàn toàn có thể vào được trường đại học mà mình mong ước. Nếu gia đình có định hướng nghề nghiệp rõ ràng cho học sinh thì việc học nghề ở giai đoạn sớm cũng rất tốt, phù hợp với những chủ trương, khuyến khích của Chính phủ trong việc phát triển nguồn nhân lực.