Tha thứ cho lỗi lầm quá khứ của bạn đời

,
Chia sẻ

Người bị phản bội có thể sẽ chọn cách tha thứ và bỏ qua nhưng cảm xúc tiêu cực vấn chưa được giải tỏa. Chỉ cần một kích thích nhỏ cũng khiến họ không còn làm chủ được cảm xúc.

Thời trẻ, anh Khanh là một người đào hoa, bay bướm và đã từng làm khổ rất nhiều cô gái, đến nỗi bạn bè đặt cho anh “hỗn danh” là Sở Khanh. Nhưng khi ngoài 30, anh “rửa tay gác kiếm” tu tỉnh làm ăn vì tìm được cô vợ xinh đẹp, con nhà gia giáo. Hồng không phải là không biết về quá khứ của chồng, nhưng chị tin ở sức mạnh của mình sẽ cải tạo được anh vì tìm được người vợ như chị đâu có dễ. Quả là chồng chị cũng nghĩ vậy nên họ sống với nhau khá hạnh phúc. Nhưng trong một lần chị nghe ai đó vô duyên kể rằng trông anh giờ nghiêm túc thế chứ ngày xưa anh đã sống như vợ chồng với một cô gái nhảy, từng có chồng có con. Hồng nghe xong giận tím người. Chị cảm thấy mình bị xúc phạm, bị “bêu rếu”. Đợi chồng đi làm về, Hồng lập tức “hỏi cung”. Anh Khanh gạt phắt: “Hồi đó còn tự do, anh có quyền “bậy bạ” nhưng không để lại hậu quả. Bây giờ anh sống nghiêm túc, hết lòng lo cho gia đình thì em còn muốn gì nữa”. Không bằng lòng với cách trả lời ấy, chị lao sang nhà bà nội mở cuộc “điều tra”. Bà mẹ chồng thật thà kể “Hồi đó nó mê con kia chứ cả nhà có ai đồng ý đâu”. Lời kể đó càng làm cho Hồng tức hơn và suy diễn lung tung. Từ đó, lúc nào bên chồng Hồng đem chuyện ấy ra đay nghiến. Quá ngán ngẩm, anh Khanh càng ngày càng không muốn về nhà, không muốn gần vợ, Hồng càng điên tiết… Một lần quá mệt mỏi, anh chồng bảo: “Anh đã tống khứ cô ấy ra khỏi đời anh rồi nhưng chính em là người mời cô ta trở lại, không thể có một cuộc sống tay ba như thế, chúng ta nên ly hôn.

Chuyện vợ chồng Khanh – Hồng chỉ là một trong số vô vàn tình huống của các cặp vợ chồng một khi phải đối mặt với lỗi lầm của bạn đời. Thông thường, người chứng kiến “vấn đề” của vợ/chồng mình thường không tránh khỏi cảm giác tức giận, thất vọng, chán ghét, buồn phiền về bạn đời, tùy theo mức độ và hình thức của vấn đề đó. Có thể họ sẽ lựa chọn cách bỏ qua và tha thứ cho bạn đời của mình nhưng những cảm giác tiêu cực vẫn chưa được giải tỏa. Chúng còn tiềm ẩn đâu đó trong tâm trí mà chỉ cần một kích thích nhỏ cũng khiến họ không còn làm chủ được cảm xúc. Do đó, để tránh nguy cơ một sai lầm đã qua của chồng hoặc vợ có thể biến một xích mích nhỏ thành “cuộc chiến “ lớn, cả hai người nên xác định rõ:

Không đánh đồng quá khứ với hiện tại

Không ít người sau khi biết được lỗi lầm của chồng/vợ thường liên tưởng đến những biểu hiện của đối phương trong hiện tại và cho rằng người ấy vẫn đang tiếp tục làm vậy. Sự liên tưởng ấy có khi dẫn tới phản kháng mạnh mẽ từ người bị kết tội, làm xóa tan nỗ lực muốn phục thiện của họ. Cho nên trong mọi trường hợp, bạn nên tỉnh táo để tìm hiểu trước khi đưa ra kết luận, tránh áp đặt chuyện quá khứ vào hiện tại và cả tương lai.

Thận trọng trong ứng xử

Với người chẳng may mắc lỗi, họ thường rất nhạy cảm với từng lời nói và thái độ của bạn đời. Một người đàn ông sẽ rất cảm kích khi vợ khi vợ họ thẳng thắn chia sẻ nỗi bất bình khi bị chồng bỏ quên trong bữa tiệc: “Anh à, hôm trước em rất buồn khi anh chỉ mải nói chuyện với các bạn mà quên không giới thiệu em với mọi người”. Ngược lại, anh chồng có thể nổi xung nếu cô vợ cứ lôi anh ta ra chì chiết: “Cứ cái kiểu chẳng để ý gì đến vợ của anh hôm trước thì lần sau đừng có hòng tôi đi cùng với anh”.

Từ bỏ cảm xúc tiêu cực và độ lượng, vị tha

Điều này giúp cho chính bản thân bớt đi cảm giác nặng nề. Và sự vị tha giúp cho con người tránh khỏi những nuối tiếc vì đã đánh mất hạnh phúc đích thực của mình chỉ bởi sự cố chấp, nhỏ nhen nhất thời.
 
Hà Lan
Chia sẻ