Thà độc thân còn hơn phải "dựng vợ, gả chồng"
Cho dù cuộc sống lứa đôi chẳng phải bao giờ cũng hạnh phúc nhưng các công trình nghiên cứu vẫn chỉ ra rằng :"Xét trên nhiều phương diện, đối với loài người, không có phương thức sống nào tốt đẹp hơn cuộc sống lứa đôi" .
Song tất cả những điều đó vẫn không ngăn được làn sóng độc thân không ngừng gia tăng trong ba thập kỷ gần đây. Nó khởi đầu trong những nước phát triển ở châu Âu, lan sang Bắc Mỹ và bây giờ đến lượt châu Á. Lấy nước Nhật làm ví dụ. Mới chỉ cách đây không lâu, trong những bộ phim của điện ảnh Nhật Bản được trình chiếu trên màn ảnh nhỏ nước ta, khán giả Việt Nam còn gặp những Ô-sin vừa đẹp vừa nết na hiền thục, suốt đời tận tuỵ với chồng con, hầu như chẳng mấy quan tâm đến bản thân mình, thì giờ đây tìm được những cô gái như thế trên đất nước hoa anh đào hơi hiếm. Cũng như mới chỉ cách đây độ chục năm, những cô gái Hàn quốc hay Singapo đến 25 tuổi mà chưa lấy chồng đã khiến cha mẹ phải lo đứng lo ngồi thì bước sang thế kỷ 21 này, hàng triệu phụ nữ có học ở 3 nước "con rồng châu Á" còn mải lao vào công danh sự nghiệp ở tuổi 25, cười tươi như hoa ở tuổi 30 thậm chí 35 vẩn đủng đỉnh : “Đi đâu mà vội”.
Ngày nay, có hai ngả đường mở ra trước mắt người con gái đến tuổi trưởng thành : sống tự lập để được tự do hay lấy chồng để làm vợ, làm mẹ và phụ thuộc vào chồng ? Ngả đường thứ nhất là hình ảnh những phụ nữ lúc còn trẻ được cha mẹ nuôi cho ăn học thành tài. Lớn lên, họ bắt đầu lập nghiệp không bị ai ngăn trở mà có khi còn thuận lợi hơn cả nam giới. Còn ngả đường thứ hai là gì? Đó là đóng vai một người vợ, người mẹ, như hình ảnh của bà và mẹ họ, suốt đời chỉ cúc cung tận tuỵ hầu hạ chồng con, trông vào đồng tiền mà chồng đưa cho bao nhiêu biết ngần ấy. Đã thế, đàn ông ngày nay nào có được như các thế hệ cha ông ngày trước? Toàn những đàn ông bị vắt kiệt sức vào công việc đến nỗi nhiều khi tan sở họ không biết nên về nhà vào vai người chồng, người cha thích hơn hay vào quán bù khú với mấy ông bạn đồng sự thích hơn? Không ít ông chỉ cố lái xe về được đến nhà là vội vã lên giường đánh một giấc ngon lành đến tận sáng hôm sau. Đã đến lúc người phụ nữ hiện đại không thể chấp nhận "nâng khăn sửa túi" cho những “đức lang quân” chẳng bao giờ quan tâm ngó ngàng gì đến mình.
Giáo sư Meiko Funabashi, một nhà xã hội học ở Tokyo cho rằng, tình trạng gia tăng số người sống độc thân bắt đầu từ lý do kinh tế. Khi cả hai phái nam và nữ chẳng cần dựa vào nhau mà vẫn sống ung dung thì các đám cưới ngày càng thưa dần. Số đàn ông chạy theo kiểu sống thực dụng, ích kỷ, thiếu lý tưởng không phải là ít. Số này bị những phụ nữ trẻ có học thức đánh giá thấp. Những con số điều tra xã hội học rất chi li mà nhà nghiên cứu Yoho Haruka đưa ra vẫn cho thấy đàn ông Nhật hiện nay mỗi ngày chỉ bỏ ra có 23 phút làm việc nhà, trong khi phụ nữ trung bình mỗi ngày mất đứt 4 giờ 30 phút, tức là gấp đến 12 lần. Tờ Mainichi kết luận: "Nếu những so đo tính toán của hai giới nam và nữ trẻ ở Nhật cứ tiếp tục diễn ra như hiện nay thì khó mà dự đoán được con số người độc thân ở quốc gia này trong vài thập kỷ tới sẽ tăng đến mức nào?". Mới biết các nhà tương lai học dự đoán vào năm 2020, một nửa nhân loại sẽ sống độc thân không phải là thiếu căn cứ! Nhà xã hội học người Mỹ, Gilles Lipovetsky lại cho rằng, giữa hoang mạc xã hội đang nổi lên con người chúa tể, hiểu biết, tự do, thận trọng, không muốn giao cuộc sống bản thân cho ai quản lý.
Tuy nhiên ai cũng biết rằng sống độc thân không có lợi về nhiều mặt. Một công trình nghiên cứu tại bệnh viện St. Luke’s Roosevelt ở New York cho thấy người độc thân có nguy cơ gia tăng những cơn suy tim hoặc loạn nhịp vì sự cô đơn làm tích tụ các stress trong người không chia sẻ được với ai. Nhà sinh học Francis Vincent Defeudis nhận thấy người cô đơn dễ bị trầm uất do cơ thể suy giảm khả năng huy động chất D-gluco gây rối loạn cơ chế điều khiển các chức năng khác. Thế nhưng vẫn có những người tự nguyện sống độc thân vì quan niệm riêng của họ về cuộc sống, về hôn nhân. Với họ, nếu có người thích chăm sóc gia đình, thì cũng có người thích sống tự do, không muốn gửi gấm đời mình cho người khác. Paris, thủ đô nước Pháp, nơi có tỷ lệ người độc thân lên đến gần 50%, nhiều người tự xây dựng cho mình kiểu “gia đình tự chọn”. Trong kiểu gia đình này, quan hệ thân quyến không dựa trên cơ sở huyết thống và không tồn tại thường xuyên. Nhân những ngày nghỉ cuối tuần người ta nhắm những người hợp “gu”, mời tới nhà hoặc đi pich-nich, cùng chia sẻ những giờ phút thân tình hoặc những cuộc vui nổ trời. Thành viên của những “gia đình tuỳ hứng” này có thể thay đổi về số lượng, về thành phần, khi tàn cuộc ai về nhà nấy.
Ở Việt Nam, số liệu công bố từ năm 1995 đã cho thấy, số phụ nữ trên 50 tuổi sống độc thân là 11,3%, trong số đó ở Hà Nội 19,6%, thành phố Hồ Chí Minh 22,8%. Đặc biệt trong giới văn nghệ sĩ, nhà báo, giáo viên các cấp tỷ lệ lên đến 57,2%. Từ đó đến nay, tỷ lệ người sống độc thân vẫn tăng đều. Phải chăng loài người đang bị một hội chứng mới, “hôị chứng Robinson Crusoe”, anh chàng sống một mình trên hòn đảo nhỏ chơ vơ giữa đại dương suốt 28 năm mà vẫn cảm thấy … hạnh phúc?
T.Dũng