Tết về nhà bạn trai có phải rửa bát không và đây là câu trả lời “khét lẹt” của cô nàng thẳng tính
Thái độ ban đầu sẽ quyết định cả cuộc đời sau này.
Câu hỏi muôn thuở dịp Tết đến xuân về: Ra mắt nhà bạn trai thì có phải rửa bát? – Đây không phải chủ đề mới mẻ gì nhưng vẫn thu hút sự bình luận sôi nổi của nhiều người.
Trên 1 diễn đàn mạng, cô gái đăng tải đoạn tin nhắn của bạn trai. Câu chuyện có vẻ khá căng thẳng khi chàng trai tuyên bố: “Lần sau đừng đến nhà anh dịp lễ cỗ nữa, có 4 mâm bát mà không chịu rửa. Rửa 4 mâm bát mà được sự hài lòng từ bạn trai, các cô dì thì đáng làm. Ai đời ăn xong em lại chỉ ngồi không đó, chẳng biết đi mà dọn dẹp, rửa bát cho các cô. Nhà anh đang bảo em lười, kêu chia tay em đó”.
Cô gái giải thích: “Ok rửa thì rửa nhưng không phải là sẽ rửa một mình, vì mình là khách chứ không phải là osin của nhà. Phụ rửa bát đó là phép sự lịch sự tối thiểu của một đứa con gái sang nhà người yêu nhưng không có nghĩa là lúc nào sang cũng bắt 1 mình lúi húi rửa hết để nhận được dăm ba lời khen. ‘Nhà anh đang bảo em lười, kêu chia tay em đó’, thế thì em lại mừng quá”.
Rất nhiều người đồng tình với quan điểm của cô gái. Họ còn “tư vấn” thêm các câu trả lời bá đạo:
“Thế lại may cho em quá, không biết nói lời chia tay anh kiểu gì. Cảm ơn cô dì chú bác nhà anh nhé”.
“Em đội ơn cả họ nhà anh”.
Đây không phải câu chuyện mới nhưng có rất nhiều cô gái nhờ những dịp thế này mà có cơ hội hiểu thêm về người đàn ông mình có thể lấy làm chồng.
Thái độ ban đầu sẽ quyết định cả cuộc đời sau này. Nếu mới đến nhà bạn trai lần đầu mà bạn quá nhiệt tình, lao vào làm việc này việc kia hoặc họ sai gì làm nấy thì bạn sẽ chẳng có tí nào giá trị trong mắt họ.
Một cô gái khác chia sẻ câu chuyện của chính mình đã trải qua vào cái Tết năm ngoái. Cách làm của cô hơi “phũ” nhưng cũng là 1 góc nhìn mới.
Cô gái kể: “Mình đọc nhiều bài trên mạng cứ nghĩ họ bịa ra để câu view cho đến khi nó xảy ra với mình. Năm vừa rồi mình có về nhà người yêu ra mắt. Bọn mình yêu nhau được gần 1 năm và có nghĩ đến chuyện đám cưới. Bình thường tính cách anh ấy cũng ổn, hơi gia trưởng 1 chút nhưng theo kiểu chỉ cần mình ‘ngoan’ 1 chút anh ấy sẽ bù đắp cho mình.
Về quê mới thấy anh ấy trở thành 1 người hoàn toàn khác. Bọn mình về hôm 28 Tết. Lúc về thấy mọi người đang nấu ăn nên mình chủ động vào bếp giúp nhặt rau. Mình nghĩ đây là việc hợp lý nhất nhưng có vẻ mọi người thích thử thách mình. Các chị sai mình đi làm món xào với lý do ‘để dâu tương lai trổ tài’. Thật sự mình không có ý định thể hiện bất cứ cái gì trong lần đầu này”.
Cô gái kể, suốt quá trình từ lúc đến cho tới lúc về cô không được ngơi nghỉ lúc nào. Cô có cầu cứu bạn trai nhưng anh mặc kệ. Ăn xong có vài người về luôn vì nhà xa, bố mẹ anh ra cổng tiễn. Còn lại người thì ngồi uống trà, người thì gọt hoa quả, mình cô ngồi giữa 5 mâm bát. Thậm chí 1 chị còn dặn cô “Rửa nhanh lên ăn hoa quả em nhé”.
Không thể chịu được thêm nữa cô gái bỏ lại đống bát xách túi lên chào cả nhà đi về. Bạn trai chạy theo gọi nhưng cô 1 mực đi thẳng. Đến khi bắt được xe cô còn không quên “dằn mặt” gã người yêu nhu nhược.
Cô chuyển khoản cho bạn trai 500 nghìn kèm lời nhắn: “Coi như hôm nay tôi đi ăn cỗ, mừng anh và đứa nào lấy được anh. Hẹn không bao giờ gặp lại”.
Đúng như quan điểm của cô gái trên, mọi thứ sẽ không chỉ đơn giản rửa bát là xong, là ghi điểm, là được lòng phụ huynh. Hãy nghĩ đây là dịp để bạn hiểu hơn về anh ấy và gia đình anh ấy, để bạn có thể đưa ra quyết định chính xác trước khi trở thành thành viên của nhà họ.