Tết và muôn vàn áp lực không tên
Những năm trở lại đây, nhiều người lại chọn ăn Tết qua loa vì những lo nghĩ về vật chất, tài chính khiến Tết không còn là mùa những niềm vui sum vầy. Đâu là những áp lực khiến Tết Việt dần trở nên mất ý nghĩa?
Tết không còn như xưa
Năm nay gia đình chị Nguyễn Thị Thìn (nhân viên văn phòng, Q.7, TP.HCM) quyết định ăn Tết đơn giản hơn tại TP. HCM và không về quê đoàn tụ cùng bố mẹ. Lí do chị đưa ra với bố mẹ ở quê là không mua được vé về nhưng nỗi lo vợ chồng chị giấu nhẹm là tài chính eo hẹp khiến chị không còn cảm giác hào hứng đón chào Tết như mọi năm nữa. “Tết đến với quá nhiều điều dồn dập. Mua vé xe về cũng đắt, rồi quà cáp cho mọi người ở quê, tiền bạc để biếu ông bà ăn Tết… Cả năm quần quật rồi, giờ Tết chỉ muốn ở nhà nghỉ ngơi, chẳng muốn đi đâu hay gặp ai”- chị Thìn tâm sự. Mọi năm chị còn nhiệt tình trang hoàng nhà cửa, gặp gỡ bạn bè họ hàng cũng làm ăn trên thành phố nhưng năm nay chị thấy sự nhiệt tình thiếu đi ít nhiều.
Nhiều áp lực đặt nặng lên người lao động mỗi khi Tết về - ảnh chụp từ phim "Quà Tết"
Không riêng chị Thìn, nhiều người đang làm ở đủ các ngành nghề như buôn bán, xây dựng và cả… nhà giáo ở khắp Việt Nam cũng cảm thấy áp lực từ Tết sao cứ bủa vây. Người buôn thì lo trả nợ bạn hàng, xây dựng thì lo thiếu lương, thưởng từ chủ thì lấy gì ăn Tết, nhà giáo thì thưởng Tết chẳng bao nhiêu sao lì xi cho học sinh vào thăm… Những nỗi lo cơm áo gạo tiền đã át đi cái không khí nô nức, vui vẻ, trang hoàng đường phố rực rỡ bên ngoài.
Theo nhà báo Thiên Chương, không chỉ là giới lao động mà nhiều người cứ nhắc đến ăn Tết thì ý nghĩ đầu tiên là… tiền đâu. “Chưa nói đến tiền quà cáp, chỉ tiền xe cộ hai chuyến ra vào thì nhiều bạn quê ở miền Trung hay miền Bắc đã cảm thấy quá đắt so với ngày thường. Đủ mọi nỗi lo lắng như thường trực, dù người đó bất kể là ai và đang học hay đang làm, ở thành phố hay thôn quê…” - anh Thiên Chương chia sẻ.
Những người có thu nhập kha khá cũng không thể thảnh thơi nổi mỗi khi năm hết Tết đến. Nỗi lo về kinh tế dường như nặng gánh hơn vào ngày Tết làm cho Tết kém vui, không còn là Tết sum vầy, ý nghĩa như xưa nữa.
Vì đâu nên nỗi?
Theo nhà báo Thiên Chương, áp lực tâm lý là nguyên nhân chính khiến nhiều người chỉ mong Tết chóng qua và ăn Tết ngày càng qua loa. Áp lực này có tên là vật chất, tài chính, quà cáp, tiền bạc, giá trị, kinh tế… Nhịp sống những ngày cận Tết dường như còn hối hả hơn ngày thường khiến nảy sinh tâm lý chán nản, mỏi mệt và người ta chẳng còn mong chờ Tết đến nữa. Trong khi đó, ý nghĩa thực sự của ngày Tết là sum họp với gia đình, sẻ chia niềm vui với người thân yêu dường như bị những áp lực này làm cho méo mó, sai lệch. Và ngày Tết chúng ta cứ mãi mắc kẹt trong mớ bòng bong đó, muốn thoát ra khỏi cũng không dễ dàng gì khi cả xã hội đang bị vòng xoáy gồm tập hợp của những nỗi lo cuốn đi.
Trong một phim ngắn mới đây của nhãn hàng nước giải khát Coca-Cola có một đoạn khiến Thiên Chương tâm đắc. Đó là nội dung lá thư của người cha dành cho con khi cô con gái quyết định không về quê ăn Tết. “Tết chưa bao giờ là chuyện qùa cáp và tiền bạc”. Để Tết thực sự là nụ cười hạnh phúc thì mỗi người chúng ta nên có cái nhìn khác đi về quà Tết, đồng thời cần lạc quan hơn và tạm gác những nỗi lo qua một bên thì Tết mới thảnh thơi, hạnh phúc được. Đúng như nhãn hàng này có nói trong đoạn clip, món quà Tết ý nghĩa nhất chính là giây phút sum vầy cùng gia đình và những người thân yêu.