Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Văn Đức,
Chia sẻ

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Nghị quyết giữ rừng của người Mông Nà Hẩu

Nằm trong vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu, xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái có 5.640 ha, trong đó rừng tự nhiên đặc dụng trên 4.500 ha. Rừng Nà Hẩu như mái nhà chung của 502 hộ đồng bào người Mông với hơn 2.500 nhân khẩu.

Cuộc sống của người dân nơi đây sống chủ yếu nhờ rừng, nương tựa vào rừng, rừng vừa là nguồn sống, vừa là không gian linh thiêng cần được bảo vệ. Dù cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn nhưng mái nhà chung ấy bao đời nay đã được đồng bào Mông đồng lòng gìn giữ bằng những luật tục truyền từ đời này sang đời khác.

Có mặt tại Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu trong những ngày giá rét giữa mùa đông, xung quanh là không khí mát lạnh với những lớp sương mù dày đặc, bao bọc bốn xung quanh những ngôi nhà sàn cổ kính là những tán rừng nguyên sinh sâu thẳm, nằm ẩn hiện dưới lớp sương dày. Cuộc sống của người dân nơi đây bình dị, giản đơn nguyên sơ và mộc mạc.

Dọc tuyến từ trung tâm huyện Văn Yên đến với xã Nà Hẩu, những cây gỗ to 2 -3 người ôm vẫn ẩn hiện ngay sát đường đi, như chứng minh cho sự tồn tại trường tồn của khu bảo tồn này.

Vừa di chuyển trên xe của đoàn Hạt kiểm lâm huyện Văn Yên đi tuần tra, bảo vệ rừng , chị Nguyễn Thị Tuyết - Phó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Văn Yên vừa trao đổi về lịch sử của Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu. Chị Tuyết tâm sự, đây là khu rừng nguyên sinh có lịch sử lâu đời, cấu trúc rừng chưa bị phá vỡ, hệ thực vật rừng của có 396 loài, trong đó có 27 loài thực vật quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam.

Về động vật rừng, tại đây có khoảng 72 loài thú, 240 loài chim, 48 loài bò sát…, trong đó có nhiều loài có giá trị có tên trong Sách đỏ Việt Nam và Danh lục đỏ thế giới như sơn dương, gấu, vượn đen tuyền, voọc xám, rùa đầu to, kỳ đà hoa. Ngoài ra, khu vực rừng trong vùng lõi của khu bảo tồn còn là nơi sinh sống của một số loài chim có vùng phân bố hẹp, trong đó có một số loài chim bị đe dọa toàn cầu như hồng hoàng, gà lôi…

Tết rừng, mĩ tục của người Mông - Ảnh 1.

Những cánh rừng nguyên sinh tại khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu được bà con bảo vệ nghiêm ngặt

Chị Tuyết lý giải, năm 2006, khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu được thành lập, nhưng bà con đã sinh sống từ lâu ở đây, điều lạ là dù không có ai quản lý trước đây nhưng những tán rừng nguyên sinh nơi đây được bảo tồn rất tốt, bà con lập ra hương ước, quy ước trong việc bảo vệ, cũng như thưởng phạt rõ ràng đối với ai vi phạm. Hàng năm, bà con nơi đây đều tổ chức Lễ cúng rừng (hay còn gọi Lễ Tết rừng ) để báo cáo và cảm ơn thần rừng đã chở che.

Ngồi bên bếp lửa trong ngôi nhà được làm những cây thông, thưởng thức chén trà từ cây chè cổ trong khu bảo tồn, ông Sùng Nhà Páo (SN 1954, thôn Bản Tát, xã Nà Hẩu) tâm sự, năm 1986, khi gia đình đến vùng đất này vẫn còn rất hoang sơ, muông thú rất nhiều, bốn xung quanh đều là rừng già với những gốc cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Khi đó cả chòm, bản chỉ lưa thưa vài nóc nhà. Dần dần, mọi người thấy nơi đây đất đai phì nhiêu đã di dân đến. Thời gian đầu, nhiều người cũng vào rừng chặt cây, làm nhà, làm nương rẫy, săn bắt thú để làm thức ăn…

Theo ông Páo, đối với người Mông Nà Hẩu rừng như nguồn sống, là mái nhà che chở, là chỗ dựa tinh thần của cả cộng đồng, đồng bào nơi đây đã trải qua hàng trăm năm chung sống hoà thuận với rừng, hiểu được luật rừng, đặt ra những quy định, hương ước được cộng đồng tôn trọng như luật tục, Nghị quyết, và được truyền từ đời này sang đời khác trong việc giữ rừng, bảo vệ rừng.

Từ luật tục thành di sản

Rời nhà ông Páo, đoàn chúng tôi di chuyển đến khu vực rừng thiêng của thôn Bản Tát. Vừa chỉ vào khu rừng với bạt ngàn những gốc cây to, cổ thụ xanh mướt, thầy cúng Giàng A Sềnh, ở xã Nà Hẩu giảng giải, ở mỗi thôn, bản của xã Nà Hẩu đều có một khu rừng cấm - rừng thiêng, đây là nơi hội tụ đầy đủ linh khí của trời đất để thờ cúng Thần Rừng với những quy định “bất khả xâm phạm”. Theo quan niệm của người Mông, đó là nơi chở che dân bản tránh cái gió, tránh lũ ống, lũ quét, cho dân bản sản vật để ăn, nguồn nước để uống và tưới tiêu cho đồng ruộng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông - Ảnh 2.

Sau lễ cúng rừng, người dân cùng thề giữ rừng và ăn bữa cơm đoàn kết

Vừa di chuyển đến địa điểm hàng năm tổ chức lễ cúng rừng, thầy cúng Sềnh vừa giảng giải, Lễ cúng được mở đầu bằng phần rước lễ vật từ trung tâm xã lên khu cửa rừng. Nghi thức diễn ra dưới gốc cây Táu Mật cổ thụ. Lễ vật để dâng cúng rừng gồm một cặp gà trống mái, một con lợn được 2 nam, 2 nữ khiêng. Đến giờ lành, thầy cúng kính cẩn dâng hương, lần lượt quay về 4 phía gõ mõ và khấn mời thần linh về chứng giám, hưởng lễ vật, phù hộ, ban lộc rừng cho người dân, cầu cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu… Sau đó, thầy cúng cùng một số thanh niên trong xã thực hiện việc cắt tiết gà, tiết lợn, lông của gà được phết máu và dán lên gốc cây cổ thụ.

Khi kết thúc phần nghi lễ cúng chính, thầy cúng và người dân trải lá ngồi xuống cùng nhau họp, đánh giá tình hình bảo vệ rừng năm qua và cùng thề giữ rừng. Trưởng thôn sẽ là người đánh giá kết quả công tác bảo vệ rừng, tuyên dương các hộ làm tốt. Đồng thời, nêu tên và phê bình các hộ làm chưa tốt để nhân dân trong thôn được biết.

Mới đây Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Lễ cúng rừng của người Mông Nà Hẩu ở loại hình tập quán xã hội và tín ngưỡng. Việc được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sẽ tiếp tục khơi dậy ý thức giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa đồng bào Mông Nà Hẩu.

Sau khi thực hiện nghi thức thề giữ rừng, trưởng thôn và nhân dân bầu ra tổ tự quản bảo vệ rừng năm mới (trước đây người Mông gọi là chủ rừng). Tổ tự quản rừng sẽ có người đàn ông là những người mạnh mẽ, am hiểu về cây rừng và hiểu tập quán của bà con trong thôn. Sau cùng, bà con tổ chức ăn Tết trên rừng. Mỗi người tham gia lễ cúng sẽ mang theo một cái bát, một đôi đũa, đàn ông mang theo chai rượu, phụ nữ mang theo hộp cơm, muối ớt. Cùng với thực phẩm mang theo, lợn, gà cúng xong sẽ được chia thành các phần để người dân cùng nhau trải lá dong, lá cọ để ăn bữa cơm đoàn kết.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông - Ảnh 3.

Thầy cúng Giàng A Sềnh tiến hành nghi lễ cúng thần rừng

Trao đổi với Tiền Phong, ông Lê Thành Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết: Lễ Tết rừng của đồng bào Mông Nà Hẩu không chỉ là nghi lễ độc đáo có ý nghĩa tâm linh cầu phúc, góp phần bảo tồn các giá trị vật chất, tinh thần trong cộng đồng các dân tộc mà còn thiết thực góp phần vào công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng cũng như bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn sự đa dạng sinh học Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu nói riêng và trên địa bàn huyện Văn Yên nói chung.

Chia sẻ