Tết của những bà nội trợ “vụng về”

,
Chia sẻ

Thường ngày, họ vốn vẫn được khen là đảm đang, tháo vát. Ấy vậy mà tết nhất cập rập vẫn không thể đỡ được những phen “hú vía”.

Chén rượu ngày xuân báo hại
 
Cho đến giờ, đã năm năm nhưng chị Phượng không sao quên được cái tết năm ấy. Đó là tết đầu tiên chị về nhà chồng. Nhiều người lo lắng với tục này, lệ kia ở nhà chồng khi năm đầu tiên đi làm dâu. Chị Phượng lại không thế vì nhà đẻ và nhà chồng chỉ cách nhau có một cái hàng rào. Nhà chồng ra sao? Bố chồng thích món gì? Mẹ chồng thích ăn gì?… chị đều thuộc như lòng bàn tay.
 
Hơn nữa, chị Phượng là chị gái cả nên, từ khi mới vừa lớn dậy chị đã biết làm nỏ nom mọi việc. Nay tuy có đi công tác thật, cuộc sống cũng bận rộn nhưng chị luôn được khen là tề gia, nội trợ đảm đang.
 
Do đó, về nhà chồng tết đầu tiên chị rất tự tin. Nhưng ở đời ai mà học được chữ ngờ. Bữa cơm tất niên chiều 30 tết, vì nể thịnh tình của anh, em nhà chồng, chị cũng nhắm mắt, nhắm mũi uống vài li rượu, mặc dù từ bé tới lớn chị chưa từng động vào một giọt.

Lúc mới uống vào cay cay, đắng đắng, nhưng làm thêm tí “mồi”, mọi “cay, đắng” đều qua đi. Nhưng báo hại sau đó, chị buồn ngủ ríu cả mắt. “Lần đầu tiên trong đời uống rượu mà chị có cảm giác như uống thuốc ngủ. Vừa rửa bát, chị vừa ngủ gật. Vần xong mấy mâm bát đĩa chị không lê nổi mình lên giường nữa, nằm vật luôn ở cái phản nhỏ dưới nhà bếp mà ngủ”- Chị Phượng kể lại.

Chết nỗi, lại phải luộc gà, đồ xôi để cho bố chồng cúng lúc giao thừa. Trong giấc ngủ mơ màng chị Phượng vẫn nhớ được điều ấy. Chị cố vục dậy, đặt con gà đã làm sẵn lên luộc, rồi cố đồ nồi xôi với hi vọng sẽ nhanh chóng tỉnh ngủ.

Nồi gà, nồi xôi đã đặt trên bếp, nhưng cơn buồn ngủ của chị Phượng vẫn cứ kéo đến dồn dập, khiến chị không sao đỡ được. Gọi ông chồng nhờ canh nhưng chồng còn mải buôn chuyện với mấy ông anh.

Chị Phượng dặn lòng mình là chỉ nằm xuống ngủ chừng 5, 10 phút thôi, để còn canh nồi gà luộc và nồi xôi trên bếp. Miệng vẫn còn lẩm bẩm, 5 phút thôi mà, 5 phút thôi, chị đặt lưng xuống và ngủ chỉ “một lát” thôi.

Đến khi ngửi thấy mùi khét lẹt chị Phượng mới giật mình tỉnh dậy. Ôi thôi! 5 phút của chị đã thành 2 tiếng. Nồi nước bên dưới chõ xôi cạn sạch nước bốc mùi khét lẹt. Còn con gà luộc thì đã nhừ thành “bún”. Ngửi thấy mùi khét bố mẹ chồng cùng anh chồng quý hóa của chị Phượng cũng nhào xuống bếp. Nhìn hai sản phẩm cúng giao thừa của chị Phượng mà chồng chị không nén nổi, cười phá lên. Còn chị thì đỏ bừng mặt, vừa sợ, vừa xấu hổ. Cái danh đảm đang của chị là thế này đây!
 

Con mèo không biết điều

Chị Vân cũng gặp phải câu chuyện bi hài không kém gì chị Phượng. Chồng chị Vân là út, trước con có tới 3 ông anh trai, cả ba đều đã lập gia đình. Cả năm bận rộn, đến ba ngày tết cả nhà quây quần về ăn tết cùng ông bà cho đầm ấm. Chị Vân là dâu mới, nên được ưu tiên, chỉ làm chân “sai vặt” cho mấy bà chị dâu đi trước.

Trong lúc các bà chị bận rộn với các món xào xào, nấu nấu, việc vặt của chị Vân cũng đã hết, đứng chỗ nọ, ngồi chỗ kia cũng chán. Chị Vân bống nghe thấy tiếng mèo kêu ở sau nhà. Chị vốn “cưng” mèo hơn cả chồng, bèn đi tìm. Thấy chú mèo đang bị buộc ở cái cối đá vỡ, chú cứ đi vòng quanh cái cối, đến nỗi cái vòng dây xoắn lại, không thể nào gỡ ra. Cổ của mèo ta bị cái dây thít lại, tưởng như sắp ngạt thở đến nơi, nó càng kêu dữ dội.

“Ôi mèo cưng, mày bị bà trói ở đây hả? Chết chưa, ai bảo hay ăn vụng vào. Tội nghiệp mày, có đau lắm không cưng? Để tao cởi cái dây cho mày thở một tí nhé! Ôi! Thương, thương, đừng kêu nữa nào” – Chị Vân vừa nựng vừa cởi dây trói con mèo.

Được sổ lồng, con mèo tỏ vẻ biết ơn. Nó cứ đi vòng quanh chân chị Vân, như thể cảm ơn lắm lắm. Chị Vân ta khoái trá vì con mèo biết điều, biết nhớ ơn mà quên mất việc vì sao nó bị trói. Và…

“Ối, Vân, Chi, Hường, Cúc đâu, con cá chép để tiễn ông Công ông Táo đâu rồi? Bốn chị em chúng mày làm gì mà có mỗi con cá chép cũng để nó nhảy ra ngoài hả?”. Đang ngồi xem ti vi, chị Vân giật bắn cả người. Ba chị dâu, cũng nhoáng nhoàng chạy vào bếp, chỗ để mâm cúng ông Công, ông Táo. Cái chậu chỉ còn mỗi nước, còn con cá chép vàng không cánh mà bay.

Bà chị dâu nào cũng lắc đầu không biết tại sao, còn chị Vân thì tái mặt. Và thủ phạm vẫn còn ngồi kia, đằng sau chậu cây vạn tuế. Cái bụng thì tròn xoe, cái miệng thì đang liếm láp đôi bàn chân còn dính lại chút mùi vị của cá. Thế là cá ông Công, ông Táo đã vào bụng mèo.

“Ai thả con mèo ra thế này? Thôi thế là nó xơi mất cá chép của các ông rồi. Thế này, lấy gì cho các ông lên trời mà bẩm báo tình hình gia đình mình. Sang năm có mà làm mấy chả ăn. Tức thế không biết”. Bà mẹ chồng chị Vân giãy nảy lên khi thấy cái dây buộc con mèo bị cởi ra.

“Mẹ! Con xin lỗi, là con thả con mèo”. Chị Vân lí nhí trong mồm, sợ sệt nhìn mẹ chồng. Các bà chị dâu thì nhìn nhau cười tủm. Chồng chị Vân thì vội phóng xe ra chợ, hi vọng còn ai đó bán cá để mua con khác thay thế. Từ đấy chị Vân đâm ra ghét mấy con mèo “không biết điều”.

Ngày tết thường rất bận rộn và đông khách khứa. Vì thế, các chị em hãy lưu ý cẩn thận một chút để tránh gặp phải những tình huống cười không được mà khóc cũng không xong như trên nhé! Nhất là các chị em đã về nhà chồng lại càng phải “cẩn tắc vô áy náy” để không phải ăn “bún gà” như chị Phượng, hay đâm ra thù oán con mèo như chị Vân.
Chia sẻ