Tết của mẹ chồng thời hiện đại

,
Chia sẻ

Suốt tháng chạp, bà Lâm một mình túc tắc chuẩn bị Tết. Hai cô con dâu khi được nghỉ làm chỉ còn việc chia nhau trang trí nhà, mua hoa...

Tết nhất là dịp các nàng dâu than thở rằng đã làm việc mệt nhọc đến ngày cuối, họ lại phải lo chuyện sắm sửa nấu nướng cho nhà chồng. Thế nhưng có một thực tế, địa vị của người con dâu thời hiện đại đã thay đổi, nên việc nội trợ nói chung và chuẩn bị Tết nói riêng không còn nghiễm nhiên là trách nhiệm của họ 100%. Vì vậy để có một cái Tết đầy đủ, sum vầy, ở nhiều gia đình, mẹ chồng cáng đáng mọi thứ, trong khi chưa chắc họ đã được ở gần con nhiều trong dịp này.

Mọi việc đã có mẹ lo

Tuy có đến hai cô con dâu nhưng Tết nào, bà Lâm (63 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) cũng là “lao động chính” trong chuyện bếp núc. Từ đầu tháng chạp, trong khi ngồi trông xe cho khách (vì nhà gần chợ), bà đã tranh thủ mua miến, mộc nhĩ, măng khô… và vô số thứ khác của những gánh hàng đi qua. Rồi bà túc tắc muối hành, phơi cà rốt, củ cải… làm dưa góp. Mấy ngày sát Tết thì tranh thủ đặt bánh chưng, gói giò ép, nấu thịt đông, giả cầy, bò kho, cá kho… Đến chiều 29 Tết, khi các con được nghỉ ở cơ quan cũng là lúc việc chuẩn bị của bà Lâm đã hòm hòm. Hai cô con dâu chỉ việc chia nhau dọn nhà, mua hoa, trang trí, và làm chân sai vặt cho mẹ.

“Ngày xưa khi làm dâu, Tết nhất một mình tôi cáng đáng hết, mẹ chồng chỉ có vài ý kiến chỉ đạo rồi lo mặc áo dài đi lễ. Nay được làm mẹ chồng nhưng vẫn làm mọi việc”, bà Lâm nói. “Bà chị tôi vẫn bảo tôi dở hơi, sinh ra con dâu để làm gì mà phải hầu chúng nó. Nhưng giờ đứa nào cũng bận, vả lại tôi nghĩ việc nhà, ai tiện thì làm chứ thời bây giờ đâu phải cái gì cũng đổ hết cho con dâu”.

Còn bà Thái, sống ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, cho biết, con dâu bà rất áy náy vì nỗi cứ để mẹ chồng sắm Tết và chuẩn bị một mình: “Nó nói, mẹ vất vả quá, mà con thì không có thời gian, thôi để con thuê người đến dọn dẹp, còn đồ ăn thức uống đặt người ta nấu cho khỏe, chỉ cần ít món thôi, có ai ăn đâu mà bày biện. Tôi nghĩ tuy không ăn mấy nhưng sơ sài quá thì không ra cỗ Tết, mà thuê nấu hết cũng đâu còn không khí Tết, lại không hợp ý mình. Thế nên tôi bảo cứ để mẹ làm”.
 

Đằng nào cũng mất công làm, bà chuẩn bị Tết luôn cho cả gia đình con gái vì “nó cũng như con dâu tôi, mải lo chuyện công ty có giúp mẹ chồng được gì đâu”.

Theo một khảo sát của báo Đất Việt với sự tham gia của hơn 2.500 độc giả, với câu hỏi: Bạn chuẩn bị các món ăn ngày Tết như thế nào, có đến 34% tiết lộ họ phó thác chuyện đó cho mẹ già. Điều này chứng tỏ, dù được coi là khắt khe với con dâu hơn mẹ chồng Tây, tính bảo bọc của các bà mẹ Việt Nam đối với con cái vẫn rất cao.  

Tết vẫn ít được gần con

Với các bà mẹ chồng ở quê trong khi con cái làm việc ở thành phố, việc dịp Tết chỉ được sum họp gia đình trong vài ngày ngắn ngủi là chuyện dễ hiểu, bởi các con được nghỉ muộn, đi làm sớm, hoặc phải đi thăm nhà thông gia vốn ở xa. Thế nhưng thời nay, với nhiều bà mẹ chồng ở ngay thành phố, thậm chí sống chung với các con, cảnh đoàn viên cũng chẳng kéo dài. Gia đình bà Phương (quận Thanh Xuân, Hà Nội là một ví dụ).

Năm ngoái, vợ chồng cậu con trai bảo: “Bọn con mời mẹ đi du lịch Thái Lan, thời bây giờ người ta vui Tết là chính chứ ai ăn Tết, một tuần nghỉ mà chỉ ở nhà rửa bát với gặm bánh chưng thì phí quá”. Bà Phương giãy nảy: “Đi cả thì ai thắp hương cho ông bà tổ tiên, ai cúng bố mày?”. Buồn, hơi tủi, nhưng bà cũng không muốn ngăn các con vì biết rằng đi du lịch ngày Tết đang là một cái mốt. Bà lại nghĩ con trai, con dâu quanh năm vất vả, muốn đi chơi cũng không thu xếp nghỉ được cùng một lúc, vả lại không có đợt nghỉ nào dài như Tết. Thế là bà đành ở nhà, lấy việc xem ti vi, đón tiếp họ hàng, khách khứa làm vui. Năm nay, đã thành lệ, vợ chồng con trai bà lại đón Tết trên đất bạn.

Trường hợp của bà Thu (Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội) lại khác, các con ở Hà Nội cả cái Tết, thế nhưng vẫn rất ít khi có mặt ở nhà. Ngày 30, cô con dâu tên Hải cùng mẹ dọn dẹp, nấu nướng, nhưng sau 22h thì giai đoạn “ở nhà một mình” của bà Thu bắt đầu. Đôi vợ chồng son rủ nhau ra đường chơi, sau giao thừa thì về xông đất. Mùng một, nàng dâu phụ mẹ làm cơm cúng, và khi cô đang rửa bát dở thì anh chồng đã xông vào giục rối rít: “Đi thôi em ơi, chúng nó tụ tập bên thằng Xuân hết rồi, đang giục mình ời ời đây này”. Rồi anh gọi với mẹ: “Mẹ cho  Hải đi với con nhé, bát để tí về bọn con rửa”. Thế rồi cả hai mất hút đến tối mịt.

Con trai bà Thu nhiều bạn, nể bạn, lại ham vui nên mấy ngày sau đó, tình hình vẫn tương tự. “Nó còn trẻ lại son rỗi, đi đâu cũng muốn mang vợ theo, chẳng lẽ lại ngăn”, bà chép miệng. Cô con gái lấy chồng cách đó 12 cây số, thỉnh thoảng đáo qua cho mẹ đỡ buồn, nhưng cũng chỉ được một lát rồi lại đi.

Thường khi “buôn” lại chuyện này với bạn bè, chị em, các mẹ chồng như bà Thu, bà Phương… thường bị phê bình là “ai bảo chiều con dâu quá, khổ là phải”. Với các bà, lời trách cứ này lại giống như một lời an ủi, sẻ chia, thế nên mọi bực bội tiêu tan hết, họ bênh con ngay: “Thời bây giờ nó khác, mình còn khỏe thì còn giúp chúng nó, ai đi chấp bọn trẻ. Làm mẹ thì bao giờ cũng thế thôi”. 
 
Theo Đất Việt
Chia sẻ