"Tất cả là của con trai tôi, cô chỉ ăn nhờ ở đậu” và hành động đáp trả của nàng dâu khiến mẹ chồng im lặng
Mẹ chồng cô quan niệm như thế, không quan trọng bằng việc Khang có nghĩ giống mẹ mình hay không. Có lẽ cô nên thay đổi bản thân thôi.
Vợ chồng nhà Hiền chuẩn bị mua một miếng đất mới. Hiện tại nhà cô đã có nhà riêng, xe riêng, nên mảnh đất này coi như của để dành. Khang còn chần chừ chưa muốn quyết, nhưng Hiền rất ưng mảnh đất này, nên vài lần giục giã anh nhanh “chốt”, nếu không người khác mua mất.
Mẹ chồng Hiền thấy thế thì “phang” thẳng vào mặt Hiền một câu: “Tiền là tiền của thằng Khang, nó thích mua thì mua, không mua thì thôi, có phải tiền của cô đâu mà cô vun vào thế nhỉ?”. Hiền giận, xong vẫn nhẹ nhàng nói với bà: “Sao mẹ lại nói như thế ạ? Tiền của anh Khang thì cũng là tiền chung trong nhà mà mẹ. Con chỉ góp ý với anh ấy thôi, chứ không bắt ép anh ấy đâu ạ!”.
Ai ngờ mẹ chồng Hiền nổi khùng: “Cái gì mà tiền chung trong nhà? Cái nhà này, cái xe kia là của con trai tôi, nó mua từ trước khi lấy cô. Tiền mua mảnh đất này cũng do nó đi làm tích góp kiếm ra, cô bỏ vào xu nào mà cô nhận vơ? Cô làm gì có cái gì ở đây, cô chỉ là ăn nhờ ở đậu thôi, cô hiểu chưa? Nên cô không được quyền lên tiếng!”.
Hiền sững sờ không biết đáp lại thế nào. Từ khi cô về nhà Khang làm dâu, rất nhiều lần mẹ anh bóng gió ám chỉ chuyện Khang tài giỏi ra sao, kiếm tiền mua nhà, mua xe, còn nuôi vợ nuôi con đâu ra đấy, nói cô đi làm lương chẳng đủ cho cô mua son phấn, quần áo. Cô đều im lặng cho qua, bởi đúng là Khang giỏi giang thật, tuy rằng nhiều điều bà nói chưa đúng, song bà mẹ nào chẳng tự hào về con, cô cũng không để bụng mấy lời nói của bà.
Ảnh minh họa
Chẳng ngờ hôm nay bà có thể nói với cô phũ phàng như thế. Hóa ra trước nay cô cứ nghĩ nhiều khi bà khó tính, xét nét là bởi tính bà như thế. Nhưng bây giờ cô mới biết, là bà coi cô chẳng ra gì, coi như một kẻ vô dụng, ăn nhờ ở đậu nên bà chẳng cần để ý cảm xúc, suy nghĩ của cô.
Bà chỉ nghĩ đến Khang kiếm ra tiền, nhưng bà cố tình quên mất, tiền ăn, tiền sinh hoạt hàng tháng cả nhà 4 người với một đứa bé 3 tuổi đều từ lương của cô. Tháng nào phát sinh nhiều khoản, cô mới bảo Khang đưa thêm. Tiền Khang kiếm được chủ yếu dành tiết kiệm, anh mới có thể mua đất. Chưa nói, cô còn chấp nhận là người hi sinh sự nghiệp trong 2 người để có nhiều thời gian chăm sóc gia đình, chăm sóc mẹ chồng nay ốm mai đau, cho Khang yên tâm phấn đấu. Đổi lại chỉ là sự coi thường của bà, nghĩ rằng tiền đều là riêng con trai bà kiếm ra?
Hiền thức trắng đêm suy nghĩ. Mẹ chồng cô quan niệm như thế, không quan trọng bằng việc Khang có nghĩ giống mẹ mình hay không. Có lẽ cô nên thay đổi bản thân, kẻo có ngày tay trắng ra đường, bởi vì tất cả đều là do chồng làm ra, chứ cô có góp xu nào!
Nghĩ vậy, Hiền quyết định đi học khóa học nâng cao ở nước ngoài mà chị sếp ưu ái dành cho cô, vì tiếc năng lực của cô, và vì cô là nhân viên tốt lâu năm của công ty. Ban đầu Hiền vốn định từ chối, 3 tháng xa nhà, vứt chồng con và mẹ chồng cho ai? Nhưng sau sự việc hôm qua, Hiền quyết đoán đi học.
Lúc cô thông báo tin ấy cho cả nhà, chồng cô chưa nói gì, song mẹ chồng đã lớn tiếng: “Cô đi hẳn 3 tháng thì nhà cửa cô vứt cho ai?”. Cô cười nhẹ: “Chúng con sẽ thuê người mẹ ạ. Mẹ từng chê trách con chẳng kiếm ra tiền, con cũng thấy xấu hổ với bản thân, nên quyết tâm thay đổi. Mẹ hẳn không cản con kiếm tiền chứ ạ?”.
Ảnh minh họa
Mẹ chồng Hiền im lặng không nói được gì. Khang không vui lắm, song vẫn đồng ý để vợ đi. Con gái Hiền trước khi đi có nhờ mẹ đẻ chạy qua chạy lại ngó ngàng hộ.
3 tháng Hiền vắng nhà, ở nhà Hiền chẳng khác gì có bão táp quét qua. Người giúp việc nhà cô thuê 6 triệu/tháng, bao gồm cơm nước, dọn dẹp nhà cửa và đưa đón con gái cô đi học. Mẹ chồng Hiền nghe thế thì giãy nảy lên, song nếu không thuê thì chẳng lẽ tự tay bà làm, với lại ở đâu rẻ hơn? Cuối cùng đành phải thuê, chưa nói tiền ăn uống, điện, nước, gas, internet, tiền học cho con, ma chay cưới hỏi…, một tháng cũng trên chục triệu nữa là ít.
Hiền vắng nhà, Khang đưa tiền cho mẹ chi tiêu, tháng đầu tiên mất đứt 20 triệu khiến bà toát mồ hôi hột. Tháng thứ 2 bà đi viện nằm mấy ngày, còn thuê y tá chăm sóc, tiêu hết tộng cộng 25 triệu cả tháng khiến bà líu lưỡi. Tháng thứ 3 nhiều đám cưới, cũng ngót nghét hết 25 triệu. Nếu có Hiền ở nhà, nhiều việc tự tay cô làm sẽ tiết kiệm được nửa chi phí. Vị chi chỉ ở nhà nhưng Hiền 1 tháng đã làm lợi cho nhà khoản kha khá. Thậm chí cô vẫn đi làm có lương. Chưa nói, cô ở nhà còn có người cho bà sai bảo, chứ bà đâu dám thái độ quá đà với người giúp việc, họ khó chịu bỏ việc thì bà không cáng đáng nổi đâu!
Hiền về sau 3 tháng vắng nhà, mẹ chồng cô thở phào nhẹ nhõm, lần đầu tiên cho cô thái độ hòa ái, vui vẻ. Bà định cho người giúp việc nghỉ, nhưng Hiền ngăn lại. “Thời gian tới con sẽ bận mẹ ạ, nên nhà mình vẫn cần bác ấy. Con hứa cố gắng làm việc chăm chỉ, kiếm thật nhiều tiền, chứ cứ ở nhà thì chẳng làm ra được xu nào hết đâu mẹ ạ”, cô cười tươi tắn. Mẹ chồng nghẹn, không nói được gì. Vừa hôm trước mắng con dâu “ăn nhờ ở đậu”, giờ con dâu đi kiếm tiền lại cấm cản, thế chẳng phải bà nói hai lời ư?
Từ đó, Hiền chịu trách nhiệm tiền thuê người giúp việc, còn lại mọi khoản đều do Khang chi trả. Bởi cô nói với chồng: “Mấy năm nay toàn em chi tiêu rồi, giờ mình đổi lại nhé, lương em để tiết kiệm”. Khang đâu có lí do từ chối, gật đầu đồng ý.
Hết một năm, tổng kết lại Khang tiết kiệm được một khoản chỉ bằng 1/3 năm ngoái. Hiền đi học về 2 tháng thì được sếp trọng dụng, ngày đêm làm dự án, nên tiền cô để dành được ngang ngửa với Khang. Cứ cái đà này, sang năm có khi cô còn vượt Khang, vì cô sắp được thăng chức rồi. Tất nhiên mẹ chồng Hiền chẳng bao giờ còn nhắc tới chuyện con dâu “ăn nhờ ở đậu” nữa cả, thái độ với cô cũng tốt hơn nhiều lắm.