Tập thể dục lúc nào thì tốt?
GS Nguyễn Xuân Hướng, Chủ tịch Hội Đông y VN, khuyên không nên tập thể dục hay chơi thể thao trước 5 giờ và thời điểm không còn ánh mặt trời.
Nghiên cứu của các chuyên gia thần kinh học ở Mỹ cho biết từ 16 giờ đến 18 giờ là khoảng thời gian sức mạnh cơ bắp đạt đỉnh cao nhất nên sẽ ít có nguy cơ tổn thương, đây cũng là thời gian con người tỉnh táo và linh lợi nhất. Nhiều chuyên gia nghiên cứu về nhịp sinh học của cơ thể cũng đồng tình với công bố trên. Họ cho rằng vào buổi chiều, nhiệt độ cơ thể tăng hơn so với buổi sáng một hoặc hai độ, làm cho các cơ đàn hồi mềm dẻo hơn nên giảm nguy cơ chấn thương.
Luyện tập thân thể là rất tốt nhưng chỉ nên thực hiện trong khoảng thời gian hợp lý
Một nghiên cứu khác tại Nhật Bản cũng cho thấy dậy sớm tập thể dục có liên quan đến một số bệnh tim mạch như huyết áp cao và đột quỵ, bởi nhiệt độ không khí buổi sáng thường thấp nhất trong ngày. Chính khối không khí lạnh chưa kịp được sưởi nóng ấy ngăn cản sự phát tán của khí thải từ mặt đất, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.
GS Nguyễn Xuân Hướng, Chủ tịch Hội Đông y VN, giải thích theo thuyết đông y, trời là dương, đất là âm, khi tập thể dục cần dưỡng khí, tức dương khí. Ngày có dương khí nên tốt cho sức khỏe, con người cảm thấy minh mẫn, sảng khoái, làm việc hiệu quả nhất. Thời điểm có dương khí là từ 6 giờ đến 17 giờ mỗi ngày, trong đó từ 6 giờ đến 12 giờ là lúc dương khí ở đỉnh điểm (khoảng 80%), khoảng thời gian còn lại thì nhiều âm khí, vì thế không nên tập thể dục hay chơi thể thao trước 5 giờ và thời điểm không còn ánh mặt trời.
Bác sĩ Nguyễn Văn Phú, Bệnh viện Thể thao VN, cho biết thêm, sau một ngày lao động, việc tập luyện hay chơi thể thao vào buổi tối (khoảng từ 20 giờ đến 21giờ) là thách thức cơ thể. Nếu kéo dài sẽ khiến cơ thể rơi vào tình trạng mệt mỏi mãn tính dẫn đến các bệnh lý như rối loạn kinh nguyệt, suy thượng thận; thay đổi về mặt tâm lý, cảm xúc, rối loạn về giấc ngủ, ngăn trở quá trình tiêu hóa của dạ dày, lâu dần gây viêm loét dạ dày...