Tang thương lũ dữ Tây Nguyên, Nam Bộ: 10 người chết, ước tính thiệt hại trên 1.000 tỷ đồng
Theo lãnh đạo Ban chỉ đạo TƯ về phòng chống thiên tai, đến sáng 11/8, mực nước hồ chứa thủy điện Đắk Kar (Đắk Nông) tiếp tục giảm, dần về ngưỡng an toàn, thoát nguy cơ vỡ.
Theo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, đến chiều tối 10/8, mưa lũ tại các tỉnh Tây Nguyên, Nam Bộ trong những ngày qua đã làm 10 người chết.
Cụ thể, Gia Lai 1 người, Đắk Lắk: 1 người; Đắk Nông: 5 người; Kom Tum: 2 người; Lâm Đồng: 1 người. Người bị mất tích: 1 người ở Đồng Nai và bị thương: 5 người, trong đó, Đắk Lắk: 1 người và Lâm Đồng: 4 người.
Về nhà ở: 3.883 nhà bị ngập nước (Đắk Lắk: 1079 nhà, Đắk Nông: 60 nhà, Bình Thuận: 252 nhà, Lâm Đồng: 2.430 nhà...); 1.437 nhà phải di dời (Đồng Nai: 869 nhà; Lâm Đồng: 548 nhà; Đắk Lắc: 20 nhà).
Về nông nghiệp: 20.976ha lúa, hoa màu bị ngập; 1.069ha cây trồng lâu năm, 2.582ha cây trồng hàng năm, 1.083ha cây ăn quả bị thiệt hại; 299 con gia súc, 120.741 con gia cầm bị chết, cuốn trôi,
Bên cạnh đó, đã có 53,13km kênh bị sạt; 4 đập bị hư hỏng; 23,9km đường giao thông bị sạt lở; 5 cống và 21 cầu bị hư hỏng. Ngoài ra, đã có 142ha nuôi cá truyền thống, 4.300m3 lồng bè bị thiệt hại.
Ước tính sơ bộ đợt mưa lũ này đã gây tổng thiệt hại trên 1.002 tỷ đồng.
Liên quan đến sự cố hồ chứa thủy điện Đắk Kar (Đắk Nông), theo Ban chỉ đạo, sáng nay, mực nước hồ đang giảm. Cụ thể, đến 6h30 11/08 mực nước hồ ở +473,73m, giảm 4,27m so với thời điểm mực nước cao nhất và 2,22m so với sáng 10/8.
Cửa tràn bên trái đã nâng được 0,8m/8,5m, cửa tràn bên phải đã nâng được 0,6m/8,5m. Trước đó, tối ngày 10/8, van xả của hồ thủy điện Đắk Kar đã được mở. Việc này đã giúp cho mực nước của lòng hồ tiếp tục giảm mạnh, dần về ngưỡng an toàn, thoát nguy cơ vỡ.
Một phần ống áp lực bị vỡ giúp hồ thủy điện không bị vỡ thời điểm nước dâng cao đột ngột.
Hiện tại, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT tiếp tục phối hợp cùng các tỉnh Đắk Nông, Bình Phước để triển khai các biện pháp ứng phó, xử lý sự cố thủy điện Đắk Kar.
Đồng thời, tiếp tục theo dõi tình hình mưa, sẵn sàng duy trì lực lượng nếu tiếp tục có mưa lớn và mực nước hồ vượt +479,0m để đảm bảo an toàn cho đập và vùng hạ du.
Ban chỉ đạo cũng thông tin, hiện nay, sau khi nước rút, số lượng 5.000 người dân được di dời tại Bình Phước đang trở về nhà.
Đối với tình hình ngập lụt tại Phú Quốc, theo Ban chỉ đạo, hiện nay không còn mưa, nước đã rút chỉ còn ngập lụt ở một vài điểm thấp trũng nên các hộ dân đã trở về nhà.
Cũng theo thông tin từ Ban chỉ đạo, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam nên trong ngày 11/8, ở Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và rải rác có dông (lượng mưa phổ biến 10-30mm/24h, có nơi trên 50mm/24h).
Riêng các tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước, Đồng Nai có mưa to (lượng mưa 30-60mm/24h). Từ ngày 12/8, mưa trên khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có xu hướng giảm dần.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam có cường độ mạnh nên trong ngày 11/8, trên các vùng biển từ Bình Thuận đến Kiên Giang, Vịnh Thái Lan và khu vực Giữa Biển Đông và phần phía Tây khu vực Nam Biển Đông có mưa rào và dông rải rác.
Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh. Vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, có gió Tây Nam mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam mạnh cấp 6, giật cấp 7-8. Biển động, sóng biển cao 2.0-4.0m.
Theo thông tin từ Ban chỉ đạo, đối với thiệt hại do mưa lũ sau bão số 3 tại Thanh Hóa hiện đã có 10 người chết, tăng 1 người do đã tìm thấy thi thể và 6 người mất tích.
Tại tỉnh Hà Giang, theo Báo cáo nhanh ngày 10/8 của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Hà Giang, chiều ngày 9/8 trên địa bàn thôn Quán Xí, xã Lũng Pù, huyện Mèo vạc đã xảy ra mưa to cục bộ kèm sấm sét làm 3 người chết.
Cụ thể là, cháu Giàng Minh V, sinh năm 2016; cháu Lý Thị H., sinh năm 2005; Chị Lý Thị Q., sinh năm 1995 và 2 người bị thương.