Tăng thuế GTGT với tất cả dịch vụ xe công nghệ hai bánh, giao hàng
Các ứng dụng gọi xe sẽ phải kê khai và nộp 10% thuế giá trị gia tăng. Quy định này áp dụng với cả các dịch vụ xe hai bánh như xe ôm, giao hàng, giao đồ ăn….
Doanh nghiệp lúng túng
Theo quy định của Nghị định 126, kể từ ngày 5/12, các nền tảng gọi xe sẽ phải thực hiện kê khai và thu hộ thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho các cá nhân. Mức thuế thu hộ là 10% tính trên tổng doanh thu phát sinh thay vì mức thu 3% trên phần doanh thu được nhận như hiện nay.
Ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Tổng cục Thuế) cho biết: Điểm mới của quy định này là khai thuế trên tổng doanh thu hoạt động hợp tác kinh doanh giữa tổ chức và cá nhân.
Theo đó, quy định nêu: “Tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân, thì cá nhân không trực tiếp khai thuế. Tổ chức có trách nhiệm khai thuế GTGT đối với toàn bộ doanh thu của hoạt động hợp tác kinh doanh theo quy định của pháp luật về thuế và quản lý thuế của tổ chức, mà không phân biệt hình thức phân chia kết quả hợp tác kinh doanh, đồng thời khai thay và nộp thay thuế thu nhập cá nhân, cho cá nhân hợp tác kinh doanh”.
Với quy định này, các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực vận tải như Grab, Gojek, be… phải thực hiện khai và nộp thuế GTGT ở mức 10%.
Theo lý giải của ông Lưu Đức Huy, thực tế, theo quy định của các chính sách thuế và quy định của hóa đơn, người cung cấp hàng hóa dịch vụ cho khách hàng, người đó phải đứng ra để xuất hóa đơn và khai thuế GTGT đối với cơ quan thuế. Trong trường hợp này, tổ chức đứng ra tổ chức các hoạt động đó, họ phải đứng ra khai thuế GTGT. Đây là khoản thu áp người tiêu dùng.
Dù vậy, một số doanh nghiệp còn lúng túng trước quy định này. Họ cho biết, chưa rõ các dịch vụ xe hai bánh (gồm cả dịch vụ chở khách, giao hàng hóa, đồ ăn…) có nằm trong đối tượng bị thu hay không.
Cụ thể, trong buổi tọa đàm về thuế và hải quan vừa qua, một doanh nghiệp gọi xe thắc mắc về việc có áp dụng quy định của Nghị định 126 cho loại hình xe hai bánh hay không?
Nêu ý kiến với cơ quan thuế, doanh nghiệp này cho biết: "Với dịch vụ 2 bánh, doanh nghiệp chỉ hợp tác kinh doanh và chia sẻ trên doanh thu. Nghị định 10 Quy định về điều kiện kinh doanh vận tải hiện nay chỉ nhắc đến loại hình kinh doanh ô tô. Trong khi dịch vụ hai bánh lại chưa có một quy định nào cụ thể".
"Tài xế công nghệ phải hiểu quyền lợi của mình"
Trả lời phóng viên ICTnews về vấn đề này, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thuế cho biết, quy định về thuế mới sẽ áp dụng thống nhất đối với tất cả các loại hình dịch vụ vận tải.
"Nghị định 126 quy định trách nhiệm kê khai thuế thuộc về doanh nghiệp, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp tham gia kinh doanh vận tải – là lĩnh vực Nhà nước phải quản lý", lãnh đạo Tổng cục thuế nói.
Ông Đặng Ngọc Minh cho biết: Trách nhiệm kê khai thuộc về doanh nghiệp. Theo quy định mức khai là 10% và doanh nghiệp sẽ được khấu trừ thuế đầu vào. Với quy định này, lái xe chỉ có trách nhiệm khai và nộp phần thuế thu nhập cá nhân 1,5%, nếu thu nhập vượt quá 100 triệu đồng/năm. Người nào ở dưới mức này sẽ được hoàn lại thuế.
“Vì thế, đây không chỉ là vấn đề lợi ích của khách hàng, mà cũng chính là lợi ích của các tài xế. Người lái xe cũng cần hiểu được quyền lợi và nghĩa vụ của mình”.
Một số ý kiến cho rằng, các nền tảng gọi xe trên thực tế cũng trực tiếp tham gia vào việc điều hành như các công ty vận tải. Do đó phải có nghĩa vụ kê khai và nộp thuế như các doanh nghiệp vận tải truyền thống.
Dẫu vậy, cũng có nhiều lo ngại, bởi việc thay đổi chính sách thuế có thể sẽ gây ra những thay đổi và ảnh hưởng đến giá thành của các dịch vụ và đối tượng ảnh hưởng chính là người dùng.
Các cuốc xe có thể sẽ tăng giá trong thời gian tới, nhưng các ứng dụng gọi xe sẽ phải thận trọng trong việc tính toán chiến lược giá, để có thể giữ chân cả tài xế, khách hàng trong việc cạnh tranh chiếm thị phần và cả việc cạnh tranh với các dịch vụ truyền thống.