Tầng lớp du học sinh "phú nhị đại" Trung Quốc đang khuấy đảo nước Mỹ với cuộc sống xa hoa giàu có
Rất nhiều người giàu ở Trung Quốc ngày nay mong muốn đưa con em sang phương Tây sinh sống vì môi trường trong sạch, trường học tốt và luật pháp khiến họ an tâm hơn. Và hệ lụy là một xã hội thu nhỏ của giới siêu giàu Trung Quốc đã được hình thành tại trời Tây.
Phú nhị đại: Thế hệ siêu giàu thứ hai
Phú nhị đại hay còn gọi là Thế hệ siêu giàu thứ hai, cụm từ này thường được dùng tại Trung Quốc để chỉ tầng lớp các cậu ấm cô chiêu được sống cuộc sống xa hoa từ trong trứng nước. Hầu như họ đều là con của những chủ tập đoàn, công ty lớn tại Trung Quốc.
Những tiểu thư thuộc tầng lớp phú nhị đại
Trong xã hội Trung Quốc, đa phần thế hệ giàu có thứ nhất (tức phụ huynh của phú nhị đại) đi lên song song với 30 năm phát triển liên tục của kinh tế Trung Quốc. Họ không những giàu, mà còn là trụ cột, xương sống cho toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc, và dĩ nhiên cái bóng của họ quá lớn cho những công tử, tiểu thư.
Dựa vào tiền bạc của bố mẹ, các phú nhị đại khiến nhiều người choáng váng bởi lối sống từ xa hoa đến sa đọa, tiêu tiền như nước của họ. Thậm chí họ chẳng phải làm bất kỳ việc gì nhưng với danh con của giới siêu giàu Trung Quốc, họ vẫn có thể thoải mái ăn tiêu không chớp mắt.
Những vụ việc như cô gái đốt cả cọc tiền toàn đồng 100 nhân dân tệ (100 tệ tương đương 350.000 đồng), một ván bài trị giá 5 triệu tệ,… là những câu chuyện không hề hoang đường trong giới phú nhị đại. Còn những siêu xe hạng sang, túi xách hàng hiệu, đồng hồ bạc tỷ, rượu ngoại đắt tiền...đã trở thành những thứ quá bình thường trong mắt các cậu ấm cô chiêu siêu giàu có này.
Sở hữu những đồ vật đắt tiền đã trở thành lẽ thường tình đối với giới phú nhị đại
Mấy năm trước đây, báo giới nước ngoài còn xôn xao trước thông tin cậu ấm Vương Tư Thông, con trai của ông trùm bất động sản Trung Quốc Vương Kiện Lâm, chi hàng chục ngàn đô để mua 2 chiếc đồng hồ Apple làm bằng vàng cho cún cưng đeo chân.
Chú chó được đeo đồng hồ Apple bằng vàng của Vương Tư Thông
Cuộc đổ bộ của phú nhị đại tại nước ngoài
Kinh tế Trung Quốc phát triển nhanh, và nhiều người mau chóng trở thành tỷ phú. Rất nhiều người giàu ở Trung Quốc ngày càng mong muốn đưa con em sang phương Tây sinh sống vì môi trường trong sạch, trường học tốt và luật pháp khiến họ an tâm hơn. Địa điểm chủ yếu mà các đại gia Trung Quốc chọn để đưa con mình tới thường là Mỹ và Canada.
Theo thống kê, số sinh viên Trung Quốc du học ở Mỹ năm học 2014-2015 đã tăng 11% so với khóa trước, lên hơn 300.000 người. Con số này cũng gấp 5 lần thập kỷ trước, theo báo cáo của Viện Giáo dục Quốc tế (IIE). Riêng Đại học Illinois ở Urbana-Champaign đã có gần 5.000 sinh viên Trung Quốc, trên tổng số 44.000 người. Đây là một trong những nơi tập trung sinh viên Trung Quốc đông nhất Mỹ. Con số chắc chắn còn tăng lên khủng khiếp hơn nữa trong năm ngoái và năm nay.
Không chỉ gây ấn tượng về sự đông đảo mà những sinh viên Trung Quốc này còn khiến người Mỹ choáng ngợp trước độ chịu chơi và khả năng tiêu tiền như nước của mình. Những buổi tiệc thâu đêm suốt sáng, những lần đi chơi bằng du thuyền và phi cơ cá nhân, đồ đạc hàng hiệu cũng như căn nhà gác mái của các du học sinh phú nhị đại đều là những điều đa số dân Mỹ có mơ cũng không dám nghĩ tới.
Những cuộc shopping không cần nhìn giá...
...và các chuyến đi chơi bằng trực thăng của du học sinh phú nhị đại là niềm mơ ước đối với đa số học sinh Mỹ
Khi nhắc đến du học sinh Trung Quốc, chẳng thể nào không nhắc đến siêu xe. Các cậu ấm cô chiêu không ngại ngần khi chi ra hàng trăm nghìn USD để mua xe siêu sang. Những chiếc xe như Audi, BMW, Mercedes-Benz thường xuyên xuất hiện trong khuôn viên các trường đại học, chúng trở thành phương tiện đi lại yêu thích của sinh viên Trung Quốc.
Trương Ngọc Thần – nhân viên bán xe Mercedes-Benz cho hãng Mike Raisor ở Lafayette cho biết, khách hàng của anh chủ yếu là sinh viên Trung Quốc , họ là những người có thừa khả năng chi ra 30.000 USD đến hơn 100.000 USD để mua xe hơi. Nếu người Mỹ còn phải đắn đo trước mức giá này thì đối với người Trung Quốc mức giá tại đây thấp hơn khoảng 2 đến 3 lần so với thị trường Trung Quốc.
Sinh viên bản xứ đã quá quen thuộc với cảnh tượng siêu xe của sinh viên Trung Quốc phủ kín bãi đỗ xe trong trường
Một trong những khách hàng của Trương là Michael Kwan, anh từ Hong Kong đến Mỹ vào năm 2012 để du học. Ngoài số tiền bố mẹ chu cấp cho sinh hoạt phí tại khu xá Midwestern vùng ngoại ô đại học IIIinois, anh còn có một khoản tiền 80.000 USD để mua siêu xe Cadillac Escalade. Kết thúc năm học thứ nhất, chàng sinh viên này đã đổi chiếc Escalade để lấy chiếc Maserati Quattroporte với giá 100.000 USD, khiến những người Mỹ đồng trang lứa phải ghen tỵ.
Nhằm phục vụ cho nhu cầu sở hữu xe sang của những sinh viên Trung Quốc như Kwan, Nick Lam đã mở công ty New York Auto Depot, mỗi tháng công ty anh bán ra khoảng 60 xe với mức giá trung bình là 30.000 USD, chiếc xe đắt nhất từng bán là gần 800.000 USD.
Du học sinh Trung Quốc không ngại ngần chi tiền cho siêu xe bạc tỷ
Được biết, trong khoảng thời gian từ tháng 1/2012 đến tháng 10/2013, sinh viên Trung Quốc theo học tại Mỹ đã chi khoảng 15,5 tỷ USD cho việc mua xe hơi, theo số liệu từ Bloomberg. Từ vùng nông thôn, đến các thành phố lớn, hay ven biển, sinh viên Trung Quốc không chỉ thay đổi văn hóa tại các trường đại học Mỹ, mà còn làm bùng nổ kinh tế tại đây. IIE cho biết năm ngoái, sinh viên Trung Quốc đã bơm tới 9,8 tỷ USD vào Mỹ, thông qua học phí và các khoản sinh hoạt.
Rất nhiều phóng sự đã được thực hiện để thể hiện độ chơi ngông của sinh viên Trung Quốc
Cuộc sống của giới phú nhị đại tại Vancouver, Canada cũng không hề kém cạnh.
Năm ngoái, tiếp sau phóng sự của Bloomberg, tờ The New Yorker đã có một chương trình truyền hình thực tế về phú nhị đại mang tên "Ultra Rich Asian Girls of Vancouver" (Những cô gái châu Á siêu giàu ở Vancouver), chủ yếu gốc Trung Quốc.
Weymi là nhân vật chính trong chương trình. Gia đình đưa Weymi tới Vancouver năm 14 tuổi để học. Họ sở hữu một doanh nghiệp sản xuất linh kiện bán dẫn ở Đài Loan, nơi Weymi lớn lên, nhưng cha và mẹ cô lại tới từ đại lục.
Weymi Cho và những người bạn tại thành phố Vancouver, Canada
Không chỉ tiêu xài xả láng cho hàng hiệu, Weymi còn sở hữu một chiếc xe hơi Maserati GranTurismo riêng, một căn hộ nhìn ra bến cảng giá 4 triệu USD ở Vancouver. Mỗi cuối tuần, người đẹp đều tới Holt Renfrew – "thiên đường mua sắm sang chảnh" ở Vancouver để sắm đồ và xả stress.
Dàn tiểu thư Trung Quốc xuất hiện trong show "Ultra Rich Asian Girls of Vancouver"
Tại Canada, hàng trăm thanh niên Trung Quốc nhập cư cùng với các thanh niên Canada gốc Hoa, đã mở các câu lạc bộ siêu xe để lái xe, "độ" xe, và chụp ảnh ghi lại cuộc sống xa hoa. Câu lạc bộ ôtô "Vancouver Dynamic" có tới 440 thành viên, 90% là đến từ Trung Quốc. Để tham gia, các thành viên phải có xe trị giá trên 100.000USD.
Bên cạnh đó, nhiều người dân Canada nói rằng dòng vốn từ Trung Quốc chảy vào đã gây nên đợt khủng hoảng giá nhà. Theo thăm dò năm 2016, Vancouver là thành phố có giá nhà đắt đỏ nhất. Mức giá trung bình một ngôi nhà riêng tại Vancouver đã tăng hơn gấp đôi trong giai đoạn 2005-2015, tới 1,6 triệu đôla Canada (1,2 triệu USD).
Cư dân bản địa đã bày tỏ sự tức giận đối với những khách mua nhà giàu sụ, mua nhà rồi không ở, mà chủ yếu là người Trung Quốc. Nhiều người đã làm chiến dịch chống lại hành động này trên mạng xã hội, khiến chính quyền phải dò tìm lại chủ sở hữu người nước ngoài.
Thực tế, cơn giận này chẳng hề hấn gì tới đời sống nhung lụa của giới nhà giàu Trung Quốc tại Vancouver. Với các cậu ấm cô chiêu phú nhị đại, tiền chẳng phải là vấn đề. Họ vẫn ngày ngày mua những căn biệt thự rồi bỏ không để tới nơi khác chơi bời.
Từ "Giấc mơ Mỹ" thành "Giấc mơ Trung Hoa"
Tạp chí Chính sách đối ngoại (Foreign Policy) của Mỹ từng đưa ra báo cáo cho thấy hiện nay rất khó để tìm thấy những du học sinh Trung Quốc giản dị, chăm chỉ như thời xưa.
Trước đây, những du học sinh 8X của Trung Quốc thường học hành và làm việc hết sức chăm chỉ nhằm nắm trong tay một chiếc thẻ xanh để ở lại Mỹ. Mỗi người đều ít nhiều ôm ấp ý nguyện về "giấc mơ Mỹ" khi rời bỏ đất nước để đến một nơi xa lạ sinh sống, học tập.
"Giấc mơ Mỹ" VS "Giấc mơ Trung Hoa"
Thế nhưng, du học sinh Trung Quốc hiện nay rất đông đều thuộc thế hệ Phú nhị đại. Họ có thể chịu được mức học phí gấp hơn 2,3 lần so với học sinh bản xứ. Họ đến Mỹ đúng là bởi môi trường và điều kiện sống ở đây tốt hơn, thế nhưng kiếm tiền tại Mỹ chưa bao giờ là vấn đề đối với những người này. Thay vì ôm mộng "Giấc mơ Mỹ", giờ đây họ chuyển sang một điều gần gũi hơn, đó là "Giấc mơ Trung Hoa". Họ học tài chính hoặc chuyên ngành quản lý, đầu tư vào ngân hàng để tích lũy kinh nghiệm sau đó về nước thực hiện "giấc mơ Trung Quốc" bằng cách quản lý các doanh nghiệp từ gia đình.