Tặng học trò nghèo 1 đôi giày bông, 30 năm sau, cô giáo được nam sinh đến tận nhà đưa lại 1 quyển sổ mà thấy ấm lòng
Sau khi đã ra trường được 30 năm, lúc quay trở về, người học trò này đã đến nhà cô giáo của mình để gửi 1 cuốn sổ đặc biệt.
Cậu bé nhà nghèo hiếu học
Trương Tú Dung tốt nghiệp đại học sư phạm năm 1978. Sau khi hoàn thành chương trình học, cô được phân công giảng dạy tại một trường trung học cơ sở thuộc thị xã Ngô Xuyên, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.
Sau khi công tác tại đây được 5 năm, cô giáo Trương được bổ nhiệm lên làm hiệu trưởng nhà trường. Trong mắt học sinh, cô luôn nhận được sự yêu mến và kính trọng của các thế hệ học trò. Để nâng cao kết quả học tập của các em, cô sẵn sàng dùng thời gian rảnh của mình để mở các lớp dạy học miễn phí tại nhà.
Thời gian trôi qua, một người học trò nghèo đã thu hút sự chú ý của Trương Tú Dung. Lúc nào đến lớp, cậu bé này cũng luôn trong bộ quần áo với đầy vết vá chằng chịt. Không ai khác, cậu học sinh lớp 8 nhưng gầy và thấp chỉ như một học sinh tuổi học, chính là Trần Chí Đức.
Dẫu là học sinh thuộc hộ nghèo, tuy nhiên, khi nhắc đến cậu bé này giáo viên nào cũng nhớ đến thành tích học tập vô cùng xuất sắc. Ngày hôm đó, đột nhiên, cô Trương không thấy người học trò này đến lớp. Cả 1 tuần sau đó, giáo viên chủ nhiệm lớp cũng thông báo về việc vắng mặt của học sinh này nhưng không rõ lý do.
Thấy có điều bất thường, cuối tuần đó, Trương Tú Dung quyết định đến nhà Trần Đức để tìm hiểu nguyên nhân. Theo địa chỉ được cho, đến nơi, cô đẩy cửa bước vào trong. Căn nhà trống trơn, chỉ có 1 chiếc bàn và vài ba chiếc ghế nhựa. Dường như không có món đồ nào giá trị trong căn nhà này. “Sau khi hỏi chuyện hàng xóm xung quanh, tôi mới biết được gia đình của Trần Chí Đức vô cùng nghèo khó. Bố mẹ em không đủ tiền để cho cậu bé tiếp tục học tập. Vì vậy cha quyết định cho Đức nghỉ học để ở nhà phụ giúp công việc đồng áng”, cô Trương kể lại.
Sau khi hiểu ra vấn đề, người giáo viên này quyết định quay trở lại nhà Trần Đức 1 lần nữa để gặp trực tiếp bố mẹ của em. Trong cuộc trò chuyện với phụ huynh, cô đã phải ra sức thuyết phục để học trò nhỏ được tiếp tục tới trường.
Khi nghe cô giáo nói rằng chỉ có học mới là con đường đổi đời nhanh nhất, bố mẹ của Đức mới đồng ý để em được học tập như các bạn cùng trang lứa. Không phụ lòng mong mỏi của gia đình và thầy cô, sau khi quay trở lại trường, cậu bé tiếp tục đạt được thành tích học tập xuất sắc. Sau khi hoàn thành xong chương trình cấp 2, Đức có điểm thi cao nhất huyện và đỗ vào 1 trường THPT trọng điểm.
Trả ơn người thầy năm xưa
Dẫu không còn trực tiếp giảng dạy, song trên chặng đường học tập sau này của mình Trần Đức vẫn luôn nhớ về cô Trương. 2 cô trò vẫn giữ liên lạc. Thỉnh thoảng, Đức vẫn gọi điện hỏi thăm sức khỏe của cô, đặc biệt là khoe thành tích học tập đạt được. Trong mọi cuộc trò chuyện, một điều mà cô giáo này luôn nhắc nhở cậu học trò nhỏ của mình là dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải duy trì việc học.
Sau khi bố mất, hoàn cảnh gia đình lại càng khó khăn. Song nhớ đến lời của cô, Đức vẫn xoay xở để đi học. Sau này khi lên đại học, trong 1 cuộc điện thoại, cậu vô tình tiết lộ rằng không có giày để đi trong ngày lạnh giá.
Ngay lập tức, cô Trương đã bỏ 20 NDT để mua cho Trần Đức đôi giày bông. Trong khi đó, lương hàng tháng của cô chỉ vỏn vẹn 37 NDT/tháng.
Khi nhận được món quà này, Trần Đức vô cùng bất ngờ. Cậu tự hứa với lòng mình chắc chắn sẽ trả ơn người thầy của mình trong thời gian tới.
Sau này, khi đã ra trường đi làm, biết cô thường bị cao huyết áp, hàng tháng, anh vẫn mua thuốc biếu cô. Thỉnh thoảng, anh vẫn gọi điện để hỏi thăm tình hình sức khỏe và cuộc sống của cô giáo mình.
Khi biết cô Trương 60 tuổi nhưng vẫn sống trong căn nhà gỗ nhỏ phía sau trường trung học cơ sở năm xưa. Sau nhiều năm làm việc được thăng tiến lên vị trí cấp cao cùng mức lương hậu hĩnh, Trần Đức quyết định mua tặng cô giáo mình 1 căn nhà ngay gần đó. Tuy nhiên, anh không nói trước chuyện này. Cho đến khi có mặt tại nhà, cậu học trò nhỏ năm xưa mới lặng lẽ trao tặng cho cô cuốn sổ hồng.
Khi nhận cuốn sổ này và nghe lý do từ Trần Đức, cô Trương đã òa khóc. Cô chưa bao giờ nghĩ rằng mình làm những việc trước đây cho người học trò này để nhận được bất kỳ sự đền đáp nào. Song mọi thứ đã diễn ra ngoài sức tưởng tượng của cô.