Tan vỡ vì vợ là một "tín đồ shopping"
Thói tiêu tiền "vung tay quá trán" của nhiều người không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế gia đình mà còn tác động tới cách sống của con cái và mối quan hệ vợ chồng.
Cách tiêu tiền phản ánh suy nghĩ của con người đối với cuộc sống hiện tại. Chính vì thế, nhiều người không hiểu tại sao mình tiêu tốn rất nhiều tiền mà vẫn không biết bản thân phí phạm ở khoản nào. Mức độ thoả mãn với cuộc sống của mỗi người khác nhau nên cũng có cách tiêu tiền không giống nhau. Tiêu xài vô tội vạ hoặc không kiểm soát trong chi tiêu chính là một chứng bệnh không sớm thì muộn cũng khiến nhiều gia đình "liêu xiêu".
Mức độ thoả mãn với cuộc sống của mỗi người khác nhau nên cũng có cách tiêu tiền không giống nhau.
Tiêu hoang để giết thời gian
Trước đây, Lê Thanh Vy là thư ký môt văn phòng đại diện ở quận 3, TP.HCM. Thu nhập không cao nhưng công việc khiến Vy có nhiều cơ hội đi đây đi đó. Điều này khiến cô rất thích. Từ ngày lấy chồng rồi sinh con, Vy phải nghỉ ở nhà. Ban đầu Vy cứ nghĩ, đợi con cứng cáp rồi đi làm lại, không ngờ đứa nhỏ, quá ốm yếu nên chuyện cô phải ở nhà là "vô thời hạn".
Từ một người năng động, thích đi đây đi đó, nay phải suốt ngày giam mình trong bốn bức tường khiến cô cảm thấy rất buồn.
Ở nhà rảnh rang, Vy quyết định tặng mình một cây đàn Piano có giá hàng chục triệu dù chỉ để vài lần ''đồ đồ rê rê". Chán đàn, Vy quay sang học cắm hoa, nấu ăn. Việc chẳng có gì để nói nếu mỗi tuần cô không chi hàng trăm nghìn để mua những loại hoa đắt tiền về cắm khắp nhà.
Biết chồng thích món canh chua, ngày nào Vy cũng nấu một nồi to tướng đủ cho cả chục người ăn dù chỉ có hai vợ chồng. Nhiều lần chồng nhắc nhở cô đừng phung phí, nấu nhiều rồi đổ bỏ, Vy tủi thân: "Sao giờ anh khác thế, em nấu món anh thích mà anh còn trách...", rồi rấm rứt khóc. Chồng cô ban ngày quá mệt mỏi vì những cuộc gặp gỡ đối tác, về nhà cô vợ trẻ khóc chỉ biết an ủi qua loa rồi đi ngủ.
Vy còn là tín đồ của các tạp chí thời trang. Mỗi lần báo ra số mới Vy đều mua tất cả về nhà để ngắm nghía những bộ cánh đắt tiền trong đó.
Tranh thủ đưa con trai về thăm ngoại, Vy kết hợp đishopping luôn thể. Cô bỏ hàng giờ để đến các shop thời trang, tìm mua những bộ đồ đã giới thiệu trên báo. Nhiều lúc bản thân Vy cũng không biết mình mua nhiều như thế để làm gì, bởi dù có là phu nhân của một trưởng phòng, cũng đâu có nhiều dịp để ''ra mắt" thiên hạ.
Vy hiểu hết, lắm lúc thấy mình hơi quá đà, nhưng rồi lại kệ: "Phải đến hai năm nữa con đi mẫu giáo, mình mới đi làm, lẽ nào làm nội trợ phải ăn mặc nhà quê, bạn bè nhìn thấy cười chết!".
Tiêu nhiều như thế nhưng ít khi Vy nghĩ đến chồng. Thu nhập mỗi tháng hơn nghìn đô, chồng cô vẫn phải loay hoay vì thấy bấy nhiêu đó cũng không đủ cho cả ba người đôi khi có việc xã giao đột xuất, hỏi tiền vợ, anh chỉ nhận được cái lắc đầu: "Nhà mình đâu còn dư bao nhiêu, tiền anh đưa em mỗi tháng chỉ đủ nuôi con thôi!".
Đến "trị liệu" bằng mua sắm
|
Ngày nay, rất nhiều người giải quyết nỗi buồn của mình bằng việc mua sắm, đi thẩm mỹ viện, du lịch... giận chồng, đi mua quần áo. Bị phụ tình, đi sửa sắc đẹp, du lịch dài ngày. Dạo phố, ghé vào các cửa hàng để ngắm nghía cũng là một cách hay để xả stress. Thế nhưng nếu quen chân, sẽ có lúc bạn chi tất cả số tiền của mình vào việc mua sắm với những thứ không cần thiết.
Những thói quen này lâu ngày sẽ khiến bạn mắc phải chứng tiêu xài hoang phí hay còn gọi là "hội chứng nghiện mua sắm".
Yêu nhau 2 năm, bất ngờ Hải chia tay. Hằng rơi vào trạng thái hụt hẫng không gì có thể xoay chuyển được. Biết người yêu bỏ mình đi lấy con gái của một sếp lớn, cô đâm hận.
Hằng lao vào tiêu xài. "Người ta chạy theo đồng tiền bỏ mình. Đời còn có nghĩa gì đâu!". Cô đi hết shop thời trang nọ đến shop thời trang khác, lôi về nhà hàng đống quần áo. Ba tháng mua sắm vô tư, hai tủ quần áo của Hằng đã chật và số tiền tiết kiệm cũng ra đi.
Nỗi thất vọng về tình yêu chẳng vơi đi bao nhiêu, trong khi khoản tiền cô để dành đóng học phí anh ngữ cả năm trời đã không còn. Nghĩ lại Hằng cũng thấy tiếc nhưng giờ đây, thói quen tiêu hoang đó khiến cô không cưỡng lại được mỗi khi cô thấy quần áo đẹp. Dường như mỗi tuần nếu không sắm đồ mới, Hằng thấy rất bứt rứt, khó chịu.
Tiêu hoang như trường hợp của Dung, một nhân viên văn phòng ở quận 5, TP.HCM, hậu quả bi đát hơn nhiều.
Ngoại hình không đẹp, chân vòng kièng, dáng đi "hùng dũng" như con trai, mặt đầy mụn lớn mụn bé, cả nhà khuyến cáo Dung: "Mày xấu như Thị Nở, có ma mới lấy!". Giận cả nhà thì ít mà tủi thân thì nhiều vì đã gần 30 tuổi mà Dung chưa có bạn trai.
Hạ quyết tâm phải thay da đổi thịt, ít nhất là cái mặt để còn vớt vát, Dung tìm đến thẩm mỹ viện để "tân trang" nhan sắc.
Tuần nào Dung cũng mất cả buổi để đến spa đó soi da, cà mụn, đắp mặt nạ, massage... Chưa thỏa mãn, cô quyết định sửa sắc đẹp.
Vốn dĩ mũi cô hơi thấp nhưng rất hài hòa với khuôn mặt. Sau khi tiêu tốn một số tiền kha khá để "sửa sang" lại, Dung rất tự tin với chiếc mũi mới. Tuy nhiên, mũi dọc dừa đó có vẻ như là của ai chứ không phải của Dung.
Sửa mũi xong, Dung vẫn chưa hài lòng, nghe bạn bè mách bảo, cô quyết định đi tắm trắng. Đúng là da cô rất trắng sau khi bước ra từ thẩm mỹ viện, nhưng chỉ sau vài ngày thì bị ửng đỏ, nóng rát.
Sợ hư da, Dung trốn biệt trong nhà và đành xin nghỉ việc. Không có việc làm và đồng nghĩa với việc không còn lĩnh lương hàng tháng, số tiền cô "mượn đỡ" của công ty giờ không có cơ hội bù lại.
Theo đuổi những sở thích
Không đổ tiền vào sở thích shopping cũng chẳng phải vì buồn mà chị Lê Ngọc Mai, nhà ở quận 4, phải tiêu tốn rất nhiều tiền. Vốn mê tín và "yêu phong thủy" nên hàng tháng chị đều đi coi "thầy".
Cứ mỗi lần nghe "thầy" phán gì là chị lại răm rắp làm theo ngay. Hồi mới dọn nhà về quận 4, theo lời "thầy", chị quyết định trổ lại cửa theo hướng Đông để đón vượng khí vào nhà.
Một thời gian sau, thấy con bị bệnh, chị bèn tìm đến một "thầy" khác. Lần này, "thầy" phán: "Hướng Nam mới là hướng lành nhất cho gia chủ, giờ sửa đổi vẫn còn kịp". Nghe thầy bảo hướng Nam tượng trưng cho dương lực và phương Nam đầy nắng ấm, mạng của hướng này là Hỏa, tức là hướng của chồng chị.
Thấy quá chí lý, chị Mai về tranh thủ chồng đi công tác, gọi thợ thầy đến thi công ngay. Sau vụ này, chồng chị đi công tác về đã nổi đoá bởi "chả biết vào nhà bằng lối nào"
Có thầy lại bảo chồng chị mạng Hoả, hợp với quần áo màu xanh lá cây, chị mạng Mộc hợp quần áo màu trắng còn con trai mạng Thổ chỉ nên mặc trang phục màu nâu.
Thế là chồng chị "được" mặc toàn áo xanh, con trai lúc nào cũng một màu nâu như đất, còn chị chỉ diện một màu áo trắng. Vụ này làm hao tốn của chị cũng kha khá tiền nhưng không bằng hai lần đổi hướng trổ cửa nhà.
Đến khi anh chồng phát hiện, chị bẽn lẽn hứa hẹn: "Nốt lần này anh ạ. Đầu tư một tí, gia đình hạnh phúc, con cái khỏe mạnh".
Chồng chị chỉ biết lắc đầu: "Bà làm sao thì làm, tiêu tiền hoang phí như vậy lấy gì mà để dành nuôi con. Đừng để thằng cu Bi học theo cái kiểu nghèo mà xài sang của bà đó nha!".
Kiểm soát chi tiêu giữ hạnh phúc gia đình
Nhiều người ngạc nhiên không hiểu sao họ có thu nhập khá cao mà vẫn chẳng có đồng nào để dành? Ngẫm đi ngẫm lại, họ thấy mình không tiêu gì quá đáng, đó chẳng qua là những thứ cần thiết cho cuộc sống hiện tại. Vậy sao gọi là chi tiêu mất kiểm soát?
Chi tiêu mất kiểm soát là kết quả của sự đòi hỏi quá cao trong cuộc sống và phong cách chi tiêu của bản thân người đó.
Thực tế, rất ít người tiêu hoang tự nhận biết được tình trạng của mình. Thế nhưng, tai hại ở chỗ việc tiêu xài lại có vai trò quyết định đối với tình hình tài chính trong tương lai của mỗi cá nhân.
Bạn hoàn toàn không có ý định đi mua sắm, nhưng khi nhìn thấy bộ đầm đẹp mê hồn trên tờ tạp chí như đang khiêu khích, bạn lại không thể kiềm lòng.
Đã vậy, sức mạnh của quảng cáo hiện nay lại giăng ra nhiều cạm bẫy rất ngọt ngào. Nào là thông tin về các loại giày đang giảm giá, nào mua bộ nồi được tặng chảo, nào khuyến mãi đi ba lần spa được tặng một lần...
Thế là bạn xem thử và trong lúc đi tìm bộ đầm lộng lẫy kia, đôi giày đang giảm giá nọ, bạn lại vớ thêm chiếc áo thun rộng cổ, cái khăn choàng lụa... cho hợp mùa.
Cơn lốc mua sắm cứ thế cuốn bạn đi hồi nào không hay biết.
Làm thế nào để kiểm soát chi tiêu? Chi tiêu trong gia đình như thế nào để cả hai bên đều cảm thấy hài lòng? Đây là một bài toán khó nhưng có lời giải đáp, bởi nó là bí quyết đầu tiên để giữ gìn hạnh phúc gia đình.
Lối chi tiêu cũng là một thói quen được hình thành từ nhỏ do điều kiện kinh tế từng người nên rất khó thay đổi.
Hãy cùng thoả thuận khi mua sắm. Ý kiến của cả hai người không chỉ đưa đến quyết định đúng đắn mà còn làm cho không khí gia đình hoà thuận và đầm ấm.
Tốt nhất, vợ chồng nên thống nhất với nhau về quản lý ngân sách gia đình. Bản thân những "tay hòm chìa khoá" cũng đừng biến mình thành "con nghiện" của thói quen quăng tiền qua cửa sổ khi nào chẳng hay.
Thói tiêu tiền "vung tay quá trán" của nhiều người không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế gia đình mà còn tác động tới cách sống của con cái và mối quan hệ vợ chồng.
Ai cũng mong mình lấy được người bạn đời biết làm lụng và chi tiêu hợp lý để đảm bảo tương lai cho con cái và bảo vệ hạnh phúc gia đình.
Nếu lấy phải người có tính tiêu hoang, người còn lại sẽ cảm thấy bị áp lực về gánh nặng kinh tế, thiếu tin tưởng đối phương và dễ xảy ra xung đột, dẫn tới hạnh phúc gia đình rất dễ lung lay
Theo Tiếp thị gia đình