Tan vỡ vì... trắc nghiệm tình cảm
Những bài trắc nghiệm vui nếu được sử dụng đúng mục đích sẽ đem lại những phút giây thư giãn thú vị, còn nếu áp dụng một cách máy móc thì chưa biết chừng sẽ gây tác dụng… ngược.
Không thể phủ nhận tác dụng những bài trắc nghiệm khi có người đã ví nó như chiếc gương soi đem lại những khoảnh khắc giật mình, chiêm nghiệm bản thân bởi những câu hỏi tưởng chừng rất vu vơ nhưng lại đưa đến kết quả hết sức bất ngờ. Đã có thời gian tôi thực sự bị cuốn hút bởi những bài trắc nghiệm vui, đầy chất trí tuệ với những đáp án biến ảo khôn lường. Cái hay của trắc nghiệm ở chỗ câu hỏi tưởng chừng chẳng liên quan gì, đáp án mang tính mở; rõ ràng nhưng cũng rất mơ hồ, buộc người chơi phải suy ngẫm và có sự kiểm nghiệm bằng cả quá trình.
Kết thúc bài trắc nghiệm, chị ngồi chết lặng trên ghế, cảm giác có hàng ngàn con đom đóm vây quanh. Những kết luận mà bài trắc nghiệm đưa ra cho thấy đức lang quân đang ngoại tình. Ngay lập tức kế hoạch giữ chồng được chị triển khai vội vã. Từ chuyện gọi điện liên tục để kiểm tra ông xã, tới việc thắt chặt hầu bao rồi cả việc nhờ những người thân quen đóng vai thám tử bất đắc dĩ. Chiếc “vòng kim cô” chị chụp lên đầu chồng ngày càng siết chặt không khỏi khiến cho ông xã cảm thấy ngột ngạt. Từ một ông chồng mẫu mực, dần dần anh cảm thấy cuộc sống vợ chồng thật căng thẳng khi về đến nhà là bị vợ hoạnh hoẹ đủ điều, hết kiểm tra điện thoại lại chất vấn về vấn đề lương, thưởng…
Còn L, tuy tuổi đời đã “cứng”, công việc và thu nhập đã ổn định, nhưng vẫn phòng đơn gối chiếc nên không ít bạn bè đã hào hứng xắn tay vào giới thiệu một anh chàng cũng khá xứng đôi vừa lứa. Nhưng L vẫn cứ ngập ngừng bởi một số điểm của anh giống với kết luận của… một bài trắc nghiệm quá. Nào là không biết chải chuốt thì ứng với phương án B - một người luộm thuộm; nào là không chịu giữ sức khoẻ cho bản thân thì khớp với lựa chọn 2 - khó mà chăm lo cho người khác… Chị L đành gác lại quyết tâm chờ người khác; nhưng khổ nỗi, anh chàng nào cũng có ít nhất một vài biểu hiện mà… bài trắc nghiệm khuyên “tránh xa”. Cứ thế, dù đã bước vào độ tuổi “băm mấy nhát” mà chị vẫn chưa tìm được đối tượng nào đáp ứng đủ… 10 điều trắc nghiệm cả.
Để kết thúc, tôi xin dẫn câu chuyện của một người bạn thân (dù không phải là trắc nghiệm và mang tính chất xã hội) để bạn đọc tham khảo. Anh chuẩn bị lập gia đình và cùng với vị hôn thê đi xem ngày cưới. Gặp phải ông thầy bói nhiệt tình quá, xem xét ngày xong, ông còn “tái bút” thêm: anh chị mà lấy nhau thế nào cũng gặp hạn nặng. Anh nhanh nhẩu: “thầy” có giải được hạn không, xin giúp cho. Ông gật gù: “Chắc chắn là được, cứ soạn một cái lễ…”. Anh phì cười tự nhủ “có ông thày bói nào mà lại tự nhận là non tay nghề, không giải được hạn đâu chứ”. Nghĩ thế, nhưng vài ngày sau anh chị quay trở lại “dâng lễ giải hạn”. Nhìn vào “mâm lễ”, “thầy tỏ vẻ hài lòng lắm. Thắp hương, đốt nến, xì xụp quỳ lạy suốt một ngày, thầy phán rằng “anh chị phải cưới càng sớm càng tốt, không đến với nhau là cưỡng lại duyên trời se”.
Trong ngày cưới của anh, chú rể đến bên tôi tay bắt mặt mừng: khi nào lấy vợ thì cứ đến gặp “các thầy”, nếu thầy phán “không được” thì tìm thày khác, thày khác vẫn phán “không được” thì tìm thày khác nữa. Chỉ sợ không có thời gian còn không sợ thiếu thày, bao giờ tìm được ông thày nói đúng ý mình thì thôi! Anh vừa nói vừa cười và khuyến mại thêm cho tôi cái nháy mắt ranh mãnh.
Có lẽ anh nói đúng! Khi gặp một bài trắc nhiệm nói rằng tình cảm, cuộc sống (hay đối tượng) của bạn… có vấn đề, nếu không thể xem nó như khởi nguồn vốn có (giết thời gian); thì bạn hãy điềm nhiên gạt sang một bên để… tìm trắc nghiệm khác. Bao giờ bạn cảm thấy ưng ý với bài trắc nghiệm mới thì dừng lại. Bởi xét cho cùng, dù là trắc nghiệm vô thưởng vô phạt đi chăng nữa, áp dụng xong chúng ta phải có được cảm giác “vui một tí” và thấy có tác dụng vun đắp tình cảm, hạnh phúc gia đình.
Phạm Hoàng Mạnh Hà