Tàn tạ vì chồng có tính ghen

,
Chia sẻ

Một đêm chị nhắn tin cho tôi: “Chị đi uống rượu. Xỉn rồi. Buồn kinh khủng”. Chưa hết bỡ ngỡ, tôi nhận được tin nhắn tiếp “Chị xỉn lắm rồi. Thấy cô độc. Cứ yên tâm. Mai lại bình thường”.

Tôi điện thoại lại thì đầu dây bên kia vang lên câu nói quen thuộc: “Thuê bao quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được...” Tôi vẫn nói với nhiều người rằng: “Nỗi đau của thiếu nữ chủ yếu xuất phát từ tình yêu. Nỗi đau của đàn bà chủ yếu xuất phát từ hôn nhân”. Câu nói của tôi ít nhất đúng với trường hợp của chị!
 
Chị kể: “Khi đã yêu là nghĩ đến chuyện lấy. Khi đã lấy không nghĩ đến chuyện bỏ. Nhưng sau một thời gian suy nghĩ, tôi nhận ra thay đổi chưa chắc đã là xấu. Đôi khi, sự đổ vỡ là nền móng xây dựng cái mới. Ly hôn chưa chắc đã làm con cái bất hạnh, mà ở với nhau bất hoà, con cái còn bất hạnh hơn nhiều. Cư xử với nhau một cách văn minh, có khi ly hôn còn yêu quý nhau hơn là sống với nhau và chì chiết nhau cay đắng. Trước đây, khi chưa quyết định ly hôn, tôi luôn rơi vào tình trạng chán nản, cau có, bực bội, nặng nề, trống rỗng. Bây giờ, tôi bình tâm lại, thấy mọi chuyện thanh thản hơn”.

Thực ra, cuộc hôn nhân hơn 10 năm của chị đã được dự cảm về một kết cục không bình yên. Giai đoạn gần cưới, chị đã mơ hồ thấy sống với nhau chưa chắc đã hạnh phúc, vì hai người có quá nhiều khác biệt. Nhưng như những thiếu nữ khác, chị luôn tìm thấy lý do để động viên mình. Chị đinh ninh những người tử tế sẽ ở được với nhau. Mọi thứ có thể bỏ qua, vì nền tảng hôn nhân là tình yêu và tử tế.

Bước vào đời sống hôn nhân với người chồng gia trưởng, chị xác định sẽ bỏ tất cả những gì thuộc về sự gai góc của cá tính và sở thích, để trở thành người vợ đảm đang, hiền hậu. Trước khi lấy chồng, chị là phóng viên của một tờ báo ở thành phố, từng đoạt giải, được đánh giá là gương mặt rất có triển vọng. Chồng chị lại muốn chị bỏ nghề. Bởi theo anh, nghề báo tiếp xúc nhiều, biết được có nhiều người hơn chồng, mất công so sánh rồi coi thường chồng. Chị lặng lẽ rời ra khỏi làng báo, chọn gia đình thay vì sự nghiệp. Sinh con, chị say mê với thiên thần bé nhỏ của mình và lúc ấy chị đã nghĩ có thể quên tất cả.

Mải với việc kinh doanh, một ngày chị chải tóc con gái, thấy tóc con có chí, nước mắt chị tuôn ra giàn giụa: “Sao mình lại bỏ bê con để kiếm tiền?”. Khi công việc kết thúc, thay vì nhẹ nhõm, đi shopping, chị ra quán cà phê ngồi khóc

Lần đầu tiên chị cảm thấy không ổn khi tình cờ phát hiện chồng gửi tặng người phụ nữ khác một bó hoa hồng. Dần dà, chị nhận ra sự vô tâm của chồng dành cho mình không phải là bản tính, mà anh chỉ quan tâm đến chị khi nào thấy cần. Chị bắt đầu nhận ra cái gì cũng răm rắp nghe lời chồng là không bình thường, tiếp tục cứ ru rú ở nhà ôm con lại càng không bình thường.

Chọn một công việc mới, chị vẫn tiếp tục nghe theo chồng rằng dạy con và nuôi con tốt nhất chỉ có làm nghề giáo, cho dù đó không phải là ước muốn của chị. Vì nội thành không có nhu cầu giáo viên ngoại ngữ, nên chị phải đi làm cách thành phố cả chục cây số với mức lương tượng trưng.

Làm cô giáo được một năm, gia đình chị gặp nạn, bị mất một số tài sản quá lớn. Chị cũng bắt đầu cảm thấy chán công việc đang làm vì thấy không phù hợp. Chồng chị đồng ý cho chuyển nghề, miễn là không làm báo. Chị làm cho một công ty quảng cáo. Nhưng công việc choán hết thời gian chăm sóc con cái, nên chị quyết định làm biên tập cho một tờ tạp chí. Công việc ổn thoả thì chị lại phải đối mặt với trở ngại từ chồng mình, những cơn ghen vô cớ.

Đi ngang cơ quan, nhìn không thấy xe vợ (mà xe chị để bên trong) chồng chị tra khảo đi đâu, biên tập ngồi một chỗ, tại sao lại ra ngoài. Thấy máy điện thoại có năm, sáu cuộc gọi cho một số, chồng chị cũng tra vấn sao lại gọi cho thằng cha đó nhiều như thế… Cứ 2h sáng, chồng chị lại hút thuốc và dựng vợ dậy để tra vấn đủ điều. Hai tháng ròng rã bị tra tấn tinh thần, chị đi đến giải pháp nhường nhịn, bỏ việc, quay sang bán đồ ăn nhanh!

Vậy mà vẫn chưa dứt những cơn ghen, vì công việc của chị vẫn phải giao tiếp, quan hệ xã hội. Lại những đòn tra tấn tinh thần khác. “Tại sao mình nhắn tin mà nó cũng trả lời, trong khi bọn người đó số lạ gọi không thèm nhấc máy? Nhắn tin qua lại, lại còn viết tắt. Chứng tỏ phải thân mật đến mức nào rồi!”. Nhịn thêm một lần nữa, chị quyết định sang lại quán.

Sinh bé thứ hai, nhan sắc chị đã có phần phai nhạt. Nhưng vì sinh được con trai, nên chồng cho phép chị quay lại làm báo với điều kiện, chỉ làm tạp chí, chỉ biên tập và không tiếp xúc với người lạ. Nhà thêm miệng ăn, thêm chi tiêu, nên làm được một thời gian chị cùng bạn mở công ty xuất khẩu đồ may mặc, chấp nhận lam lũ vất vả.

Nghịch lý (nhưng dễ hiểu) là vợ mệt mỏi, tàn tạ bao nhiêu thì chồng... yên tâm bấy nhiêu! “Công việc của tôi chỉ giao dịch qua mail và ngân hàng. Còn giao dịch trực tiếp thì chỉ với chủ sạp vải và công nhân dưới xưởng. Chồng tôi rất yên tâm. Đó là giai đoạn anh ấy hài lòng nhất. Tôi không biết shopping, giải trí. Gần hai năm như vậy. Sức khoẻ suy sụp, đau đầu triền miên, bị suyễn, khan tiếng vì thường xuyên thức khuya. Những lần phải xuống xưởng lúc 2h sáng, 12h đêm một mình chạy ra cảng, đợi thùng hàng cuối lên container, với những người làm kinh doanh là chuyện bình thường, nhưng tôi thì quá mệt mỏi vì cảm thấy cô độc.

Một trục trặc lớn trong kinh doanh xảy ra, nhờ đó, chị đọc được chiều sâu lòng dạ chồng. Đối tác mua hàng không chịu thanh toán nợ cũ, nhưng đòi lấy hàng mới, nên thuê dân anh chị tới áp đảo để lấy hàng. Chị phải nhờ công quyền can thiệp. Chồng chở chị đến, thấy có công an và mọi việc có vẻ ổn rồi, thì nói “xong rồi nhé” và lái xe đi, bỏ chị ở lại!

Mải với việc kinh doanh, một ngày chị chải tóc con gái, thấy tóc con có chí, nước mắt chị tuôn ra giàn giụa: “Sao mình lại bỏ bê con để kiếm tiền?”. Khi công việc kết thúc, thay vì nhẹ nhõm, đi shopping, chị ra quán cà phê ngồi khóc.

Chị nói rằng, đây là giai đoạn hôn nhân của chị bất ổn nhất. Sau tất cả những đòi hỏi, chịu đựng thì bản chất người phụ nữ cần được yêu thương, chăm sóc và chia sẻ, dựa vào vai ai đó, đã bắt đầu lộ diện. “Sau 10 năm chung sống, tình cảm nhiều cặp vợ chồng ít nhiều phai nhạt, nhưng người ta vẫn tiếp tục sống được với nhau, vì còn nền tảng là sự tôn trọng và tình thương. Chồng thì phải thương vợ, còn vợ phải tôn trọng chồng. Còn nếu không có hai thứ đó là vứt!”.

Tôi hỏi chị cuộc hôn nhân của chị hàm chứa đầy bất trắc và bất ổn, nhưng hơn 10 năm qua nó vẫn tồn tại theo cách của riêng nó, bởi ngay từ đầu, chị đã thoả hiệp với những lý lẽ của chồng bằng cách chịu đựng, giờ đây, mọi thứ đã trở thành đống đổ nát dưới chân, giọt nước nào làm tràn “cái ly chịu đựng” đó? Không do dự, chị nói giọng đanh thép của một người phụ nữ bị kìm nén: “Hôm rồi, anh ấy cự tôi: Cô có những quyết định không hỏi ý kiến tôi, tôi nói tôi không đồng ý nhưng cô vẫn làm. Tôi phản kháng: Anh có là chỗ dựa cho tôi đâu mà tôi phải nghe lời anh? Đó chính là giọt nước làm tràn ly. Anh ta đã biết một cách rõ ràng, vợ không tôn trọng mình nữa. Một cái tát xảy ra là lẽ đương nhiên. Và đó là dấu chấm hết!”.

Chị đã ly thân và có lẽ 90% là sẽ ly hôn. Chị tâm sự: “Cả chục năm nay chưa bao giờ tôi đọc được tin nhắn hay lời nói nào nhẹ nhàng, dịu dàng từ phía chồng. Giờ anh ấy làm điều đó. Tôi thực sự vô cảm! Mọi thứ đã hết, chỉ còn những tình cảm cần phải có với một người là cha của con mình”.

Một kết cục buồn được đoán trước. Chị nói với tôi rằng, chị thanh thản và nhẹ nhõm khi quyết định ly hôn. Nhưng hai tin nhắn tôi nhận được từ chị, vẫn còn ẩn chứa điều gì đó không ổn… 10 năm hôn nhân, chị như con thuyền lênh đênh, mà lại lênh đênh ngay dưới mái nhà mình.

Theo Thương Duy
SGTT

Chia sẻ