Tâm sự "một đứa con hư đốn" đỗ đại học khiến nhiều cha mẹ giật mình: Chúng ta đang làm gì con cái thế này?
Nữ sinh đau khổ dù đậu đại học. Chia sẻ của em thu hút nhiều sự chú ý.
Đỗ đại học với hầu hết gia đình là tin vui. Nhưng với K.M, một sĩ tử 2k6 vừa trải qua giai đoạn thi cử cam go thì lại là một bầu trời cảm xúc khác. Không lời chúc mừng, không những cái ôm hôn... Em nhận về sự thờ ơ, bạo lực cả tinh thần và thể xác chỉ vì "dám" đăng ký nguyện vọng vào một ngôi trường ở nơi gia đình không mong muốn. Tâm sự "Tớ... một đứa con hư đốn" của em nhận về hàng trăm bình luận đồng cảm.
"Mình... một đứa con 2006 đã đậu vào đại học với nguyện vọng 3, mọi người nghĩ đây là tin vui phải không? Đúng thật, mình vui được khoảng 2 ngày và hôm qua với hôm nay đang đối mặt với gia đình.
Gia đình mình, một gia đình gia giáo từ đời nội xuống đời bác, ba và các chú. Rất nghiêm với quy tắc dạy con cái phải nên người. Ngay từ nhỏ, mình được quản lí rất chặt chẽ, không biết chơi dây, chơi bi như mọi đứa trẻ xung quanh. Đến tận cấp 1, cấp 2 mình cũng bị quản chặt trong vòng tay ba mẹ, không cần phải làm gì trong gia đình nhưng thay vào đó cũng không được tụ tập bạn bè hay đi chơi với người bạn nào nên rất ít bạn. Năm mình bắt đầu ra khỏi nhà để đi chơi với bạn bè là lớp 9 với lí do học nhóm", nữ sinh này tâm sự.
Theo em, ngay từ cấp 2, ba mẹ đã muốn em vào trường tốt nên tạo áp lực học hành căng thẳng, dù trung bình môn em luôn được 9.6 nhưng cuối cùng vẫn rớt chuyên Anh, chỉ vào được trường top 2 ở tỉnh.
Năm đó ngay dịch bệnh nên em ở nhà và bắt đầu chơi game. Em nghiện game và nạp tiền cho trò chơi, bị ba mẹ phát hiện. Sau đó, gia đình xin cho em chuyển trường với lí do tụ tập ăn chơi với bạn bè mặc cho em van xin.
Em kể tiếp: "Năm lớp 11 mình chuyển về trường gần nhà, ba mẹ cũng là người đưa và đón kể cả lúc học thêm, họ vẫn quản thời gian mình đi chơi gắt gao. Mình ghét cuộc sống vậy, có ý định học ở TP.HCM. Và chuỗi ngày đau khổ bắt đầu. Họ đánh, la mình, họ ép mình học Kinh tế ở tỉnh. Lúc nào cũng là chửi và đánh, diễn ra hàng tháng đến hết năm lớp 12. Trong gia đình, bản thân mình nói câu nào cũng là sai, bị mắng đầu óc thiếu bình thường.
Mình đã cương quyết đăng kí và đậu 3 trường đại học ở TP.HCM, nhưng đến hôm nay vẫn bị la, ba cầm ghế và doạ mình. Ông nói: "Tôi có vào tù cũng phải đánh chết nó". Mình biết mình nóng tính, những trận la hay chửi nào mình cũng cãi lại, bị gia đình gắn mác mất dạy, không biết thương cha thương mẹ. Nhưng mà thật sự thì mình mệt lắm, 18 năm rồi lúc nào cũng bị chửi bị đánh. Ba nói: "Học ở xa, gia đình không lo được kinh tế trong 4-5 năm, tận 600-700 triệu". Mình nói có thể đi làm thêm trang trải nhưng lại bị khinh thường".
Nữ sinh cho biết em muốn được quyền quyết định chứ không muốn bị so sánh với con của gia đình khác. Em hiểu được ba mẹ lo lắng con cái đi ra ngoài xã hội nhiều cạm bẫy nhưng cũng muốn được khám phá chứ không phải là món đồ vật bị cất trong tủ kính. "Mindset giữa 2 thế hệ thật khác nhau. 18 năm thật vô nghĩa...", nữ sinh kết luận.
Cha mẹ có những nỗi khổ tâm cần được thấu hiểu...
Tất cả cha mẹ đều có nhiều kỳ vọng về đứa con mình đẻ ra và nuôi nấng hết tâm sức. Tuy nhiên, khi con trưởng thành không đáp ứng được những kỳ vọng đó, nhiều cha mẹ trở nên mâu thuẫn, xung đột, thậm chí mất kết nối với con.
Trong khi đó, con cái ở độ tuổi trưởng thành khát khao quyền tự chủ và đi tìm hạnh phúc của riêng mình. Sự thúc đẩy liên tục giữa mong muốn của cha mẹ và mong muốn của con cái dẫn đến sự khó hòa hợp giữa hai thế hệ.
Ở câu chuyện nói trên, nhiều người thấy một chút đồng cảm cho hành động của cha mẹ em nữ sinh này. Chuyện muốn con vào trường tốt là mong muốn chính đáng của phụ huynh. Xét cho cùng, hạt giống tốt được gieo trên nền đất màu mỡ càng có khả năng phát triển vượt bậc. Quả thật, dưới sự giám sát của cha mẹ, em học sinh này đã đạt điểm trung bình môn cao, còn vào được trường top 2 của tỉnh.
Về việc học ở gần nhà hay lên thành phố lớn, có thể do điều kiện gia đình không quá dư dả, đi học xa nhà 4 năm quá nhiều chi phí. Trong khi đó, trong mắt cha mẹ, con cái dù lớn cũng là đứa trẻ, họ có thể không yên tâm khi con bơ vơ tìm việc làm nơi đất khách quê người.
Việc em học sinh này từng nghiện game cũng là thật. Cha mẹ em chuyển trường không phải không có lý do. Họ chỉ muốn tách con ra khỏi môi trường mà họ cho rằng "độc hại".
Trong mắt nhiều phụ huynh, không nghiêm khắc khó rèn con trưởng thành. Nhiều người cho biết, lúc nhỏ, họ luôn đặt câu hỏi tại sao mình phải tập học đủ thứ, phải tập đàn piano trong khi bạn bè được vui chơi? Tuy nhiên khi lớn lên, họ lại phải cảm ơn cha mẹ bởi sự nghiêm khắc đó. Nếu muốn thành tài cần phải khổ luyện, thành công chưa bao giờ đến một cách dễ dàng.
Trong bộ phim tài liệu kể về 20 năm cuộc đời của tay vợt số 1 Nhật Bản Fukuhara Ai do đài truyền hình Fuji phát sóng, mẹ của vận động viên này chia sẻ: "Con đường đến với sự xuất sắc luôn đòi hỏi rất nhiều khó khăn. Điều này luôn đúng không chỉ với người lớn mà ngay cả trẻ em. Buộc đứa trẻ phải học là tàn nhẫn, nhưng không bắt buộc trẻ phải học nó sẽ tàn nhẫn hơn với chúng trong nửa cuộc đời sau".
Một phụ huynh cũng bình luận dưới bài viết: Buộc đứa trẻ phải học là tàn nhẫn, nhưng không bắt buộc trẻ phải học nó sẽ tàn nhẫn hơn với chúng trong nửa cuộc đời sau!
Nhưng... nghiêm khắc khác với cực đoan
Thế nhưng, động viên con cố gắng hết sức không có nghĩa là tạo sức ép. Trong trường hợp của em học sinh này, nhiều người cho rằng cha mẹ đã quá cực đoan, đã khiến con bị ám ảnh tâm lý, không chỉ khó đạt mục tiêu mà còn ảnh hưởng tinh thần nặng nề.
Họ sử dụng đòn roi, những lời thóa mạ. Họ quản lý một cách cực đoan, không cho con không gian riêng tư, kết bạn. Quản lý con cái là điều cần thiết để giúp con sống có khuôn phép và tuân thủ các quy tắc. Tuy nhiên, kiểm soát thái quá sẽ khiến trẻ ngột ngạt và không thể phát huy hoàn toàn năng lực của bản thân. Đôi khi sự yêu thương sai cách ấy lại vô tình "giết chết" chính những đứa con thân yêu của họ.
Với trường hợp em học sinh nói trên, nhiều người cho rằng, dù ngột ngạt, cần rời xa gia đình nhưng muốn tự lập và làm theo ý mình thì phải tự lo cho bản thân được, đặc biệt là về kinh tế. Liệu em có học bổng toàn phần hay có thể vay nợ với lãi suất thấp và ra trường đi làm trả lại không? Có thể vừa học vừa làm để trang trải mọi chi phí không? Đau ốm không có người thân ở bên có tự lo cho bản thân được không? Kinh nghiệm sống và va chạm trong cuộc sống hằng ngày có nhiều không?
Nếu đáp án là có cho tất cả các câu hỏi trên thì hãy nói chuyện nghiêm túc với cha mẹ về việc tự lập ở thành phố lớn. Còn không, hãy nghe theo sự sắp xếp của cha mẹ. Trên thực tế, nhiều người trẻ trưởng thành đang phải đối mặt với thực tế rằng chúng không dễ dàng độc lập như chúng nghĩ. Vẫy vùng ra khỏi sự kiểm soát của gia đình không hẳn là ở xa hay gần mà hãy chứng minh bằng bản lĩnh cuộc sống của mình.
Những tổn thương tâm lý của em cũng cần được nhìn nhận thẳng thắn và được chữa lành. Khi bị stress vì cha mẹ la mắng, em có thể nói rõ cảm xúc, suy nghĩ của mình một cách đàng hoàng, bình tĩnh. Cha mẹ độc hại thường không lắng nghe, tôn trọng con và có xu hướng gạt phắt hết những đề nghị, yêu cầu từ con. Chính vì vậy, cuộc trò chuyện đôi khi không mang lại hiệu quả. Dù vậy, bạn vẫn biết rằng bản thân đã cố gắng thay đổi.
Ngoài ra, chúng ta cũng có thể chia sẻ với bạn bè và thầy cô để giải tỏa căng thẳng và tránh dồn nén những cảm xúc tiêu cực.
Chăm sóc bản thân là kỹ năng rất quan trọng trong cuộc sống – đặc biệt là khi sống một mình hoặc không hòa thuận với gia đình. Dù cha mẹ có la mắng hay đối xử không tốt với bản thân, bạn vẫn cần yêu thương và học cách vỗ về tâm hồn mình.
Cách để cải thiện và phòng ngừa stress hiệu quả nhất là phớt lờ những điều tiêu cực trong cuộc sống. Khi bị la mắng, bạn nên tiếp thu những điều thực sự hữu ích và bỏ ngoài tai những lời trách móc, chì chiết vô cớ. Học cách phớt lờ còn giúp bạn giữ suy nghĩ tích cực và hạn chế mắc phải các vấn đề tâm lý.