Tâm sự của trạm trưởng kiểm lâm sống "3 không" giữa đại ngàn Cúc Phương
Sinh sống và làm việc giữa rừng Cúc Phương trong điều kiện không điện lưới, không sóng điện thoại, không internet… nhưng các cán bộ kiểm lâm ở đây đã bám trụ để bảo vệ rừng đến nay vẫn còn nguyên sinh.
Hơn 20 năm lấy rừng làm nhà
Từ cổng rừng Cúc Phương đi theo con đường mòn hơn chục km, Trạm kiểm lâm số 1 (người dân bản địa gọi là Trạm Đăn) lạc lõng ngay bên vệ đường.
Theo chia sẻ của Trạm trưởng Đỗ Tiến Dũng, sinh năm 1969, đây được coi là ngôi "nhà" thứ hai của các cán bộ kiểm lâm đang ngày đêm canh giữ, bảo vệ rừng xanh.
Trạm trưởng kiểm lâm "3 không" giữa rừng Cúc Phương
Nghe anh Dũng tâm sự, biên chế 6 thành viên, quản lý gần 6.000ha rừng trong điều "Không điện lưới, không sóng điện thoại, không Internet", đó là điều không tưởng nhưng ít ai biết đến cuộc sống hiện tại của lực lượng kiểm lâm ở đây, các anh vẫn giữ cánh rừng nguyên sinh sau nhiều cuộc đối đầu với lâm tặc.
Vườn quốc gia Cúc Phương thành lập được 60 năm, anh Dũng công tác trong ngành kiểm lâm 32 năm thì đã 25 năm gắn bó với Trạm Đăn này. Trạm trưởng kể, trong rừng không có sóng, không điện, đương nhiên điện thoại, radio và tivi cũng không có tác dụng, nhưng các anh vẫn sinh hoạt và làm việc hiệu quả.
Đối với anh Dũng, tất cả mọi ưu tiên đều dành cho các đồng nghiệp trước và lắng nghe mọi nhu cầu của anh em trong trạm, có lẽ chính vì vậy hơn 20 năm qua anh Dũng luôn xứng đánh là một trạm trưởng ở nơi cánh rừng.
"Đối với tôi, trước hết là vì anh em, ví dụ Tết này mình hỏi xem ai về ngày nào, thì bố trí lịch cho phù hợp. Khi anh em về ăn Tết với gia đình thì đổi lịch cho anh em. Ngoài ra, chúng tôi ở đây coi như ăn Tết hai lần, lo chu đáo ở trạm xong lại về gia đình", anh Dũng chia sẻ, cứ như thế cái Tết nào các anh cũng trải qua cảm giác như vậy.
Anh Dũng kể, ở đây, nếu ai đó được về nghỉ sẽ kiêm luôn nhiệm vụ đi chợ. Thực phẩm mua dùng trong vài ngày, có khi đến cả tuần. Gian khổ thành quen, anh em trong trạm sáng tạo ra cách bọc thịt vào túi nilon, bánh chưng cũng đem ra ngâm dưới con suối chảy. Suối chính là tủ lạnh, là điều hòa nhiệt độ, là vòi hoa sen, là lavabo rửa mặt và kiêm luôn chiếc máy phát nhạc cho cán bộ, chiến sĩ trực trạm.
Thuộc bản đồ như lòng bàn tay
Rừng là vàng, lâm tặc luôn rình mò và chúng sẵn sàng đáp trả bất cứ khi nào để thoát thân, đã có biết bao nhiêu lần anh Dũng và đồng nghiệp đã phải đổ máu. Theo anh Dũng, trong những năm công tác, anh đã "vẽ" kín bản đồ hơn 6.000 ha rừng và thuộc như lòng bàn tay, đối với anh đi vào rừng là nhiệm vụ, mỗi sáng thức dậy được đi vào rừng là thỏa mãn đam mê.
Kỉ niệm khó quên đối với trạm trưởng và đồng nghiệp đó là những chuyến đi tuần tra đêm, không được bật đèn, không được gây tiếng động mà chỉ dùng các ám hiệu. Anh Dũng cũng như đồng nghiệp nhiều lần từng đối mặt, bị đáp trả đến bị gãy xương sườn, chảy máu.
Vụ căng thẳng nhất cách đây 4 năm, anh Dũng cùng đồng nghiệp đi tuần tra, phát hiện 3 đối tượng đang săn bắt động vật hoang dã nên truy đuổi thì bị chúng dùng súng săn bắt bắn lại khiến một cán bộ bị thương nặng, hiện nay đã được hưởng chế độ thương binh.
"Quá trình đi tuần tra chỉ sơ sẩy chút là bị ngã, anh em sau một buổi tuần tra về, cả người đầy vết xây xước. Ở đây ai cũng từng đối mặt với lâm tặc, chúng rất manh động, có cán bộ đã bị thương rất nặng. Còn mình cũng đã 2 lần suýt bỏ mạng khi bị lâm tặc chống trả" – anh Dũng kể.
Để bảo vệ rừng xanh, bảo vệ động vật hoang dã, các cán bộ kiểm lâm từng chấp nhận đổ máu
Trạm trưởng Đỗ Tiến Dũng tâm sự thêm, do nhu cầu nên gần chục năm trở lại đây, người dân dùng tài nguyên gỗ tăng nhanh, săn bắt động vật hoang dã cũng rất phức tạp. Tuy nhiên, được sự hỗ trợ của các cấp ngành và chủ trương quyết liệt ngăn chặn nạn đánh bắt động vật hoang dã và khai thác rừng, tổ công tác kiểm lâm nơi anh làm trạm trưởng đang làm việc rất hiệu quả.