Tâm sự của những người đàn ông... ở rể
Với đàn ông, việc sống chung với bố mẹ vợ là điều không mấy thoải mái.
Hôn nhân là một nút thắt quan trọng của cuộc đời. Nó có nghĩa là một người bắt đầu xây dựng gia đình và không còn phụ thuộc vào cha mẹ.
Tuy nhiên, trong văn hóa truyền thống phương Đông, cha mẹ có ảnh hưởng rất sâu sắc đến con cái, đặc biệt là quan niệm hiếu thảo. Điều này dẫn đến một câu hỏi khó mà nhiều cặp vợ chồng trẻ phải đối mặt sau khi kết hôn: Có nên sống cùng bố mẹ hay không?
Đặc biệt đối với đàn ông, việc sống chung với bố mẹ vợ là một điều không mấy thoải mái. Trên thực tế, có những yếu tố văn hóa và xã hội phức tạp đằng sau vấn đề này.
Mỗi người trẻ đều có quỹ đạo trưởng thành của riêng mình. Khi bắt đầu xây dựng gia đình riêng, họ mong muốn có nhiều tự do và không gian độc lập hơn. Nếu sống với cha mẹ, họ phải đối mặt với nhiều trách nhiệm và hạn chế hơn, đồng thời không thể tự tổ chức hoàn toàn cuộc sống của mình.
Nhưng không phải tất cả đàn ông đều không muốn ở rể. Một số đàn ông cũng rất sẵn lòng sống với bố mẹ vợ.
Dù đã kết hôn nhiều năm nhưng H. vẫn sống chung dưới một mái nhà với bố mẹ vợ. Lúc đầu ai cũng nghĩ họ sẽ xảy ra mâu thuẫn vì sống cùng nhau nhưng thực tế họ rất hợp nhau.
H. cho biết, sở dĩ anh sống với bố vợ, mẹ vợ là vì anh tôn trọng ý kiến và tin tưởng vào kinh nghiệm sống của họ. Đồng thời, anh và bố mẹ vợ cũng thiết lập được phương thức giao tiếp rất tốt, hai bên không can thiệp lẫn nhau, tôn trọng nhau và đạt được cách chung sống rất hòa hợp.
Dẫu vậy, không phải ai cũng may mắn như H. Như trường hợp của P. Trong suốt 9 năm ở rể, P. cảm thấy cuộc sống thật khốn khổ và luôn nung nấu ý nghĩ muốn ly hôn.
P. tâm sự: “Tôi 36 tuổi, tôi gặp vợ năm 25 tuổi. Sau 2 năm hẹn hò, chúng tôi kết hôn. Tôi và vợ không cùng quê. Tôi đến thành phố làm việc trước khi gặp cô ấy. Vì ở đây phát triển nên sau khi lấy vợ, tôi ở với bố mẹ vợ vì nhà họ cũng ở thành phố.
Vợ tôi cho rằng sống cùng bố mẹ sẽ thuận tiện hơn. Bằng cách này, bố mẹ cô ấy có thể giúp chúng tôi chăm sóc con cái và chúng tôi cũng được giảm bớt rất nhiều căng thẳng.
Lúc đó tôi cảm thấy không thích, nhưng không dám phản bác, vợ tôi nói gì thì tôi cũng nghe. Thực ra, bố mẹ vợ giúp đỡ tôi rất nhiều. Họ không chỉ chăm sóc các cháu mà còn đảm đương mọi việc nhà. Mẹ vợ tôi giỏi thu vén, nhà cửa luôn tươm tất, sạch sẽ.
Khi vợ tôi mang thai, mẹ đã chăm sóc cô ấy rất chu đáo nhưng điều tôi không thể chấp nhận là sau khi con tôi ra đời, mẹ vợ bắt tôi và vợ phải ngủ riêng phòng.
Bà cho rằng chúng tôi không thể chung sống như vợ chồng khi đang có con nhỏ, điều đó làm tổn thương con. Tôi không hề muốn ngủ riêng nhưng mẹ vợ ép quá nên tôi đành ngủ chỗ khác.
Khẩu vị của tôi cũng khác với họ. Từ khi lấy vợ, tôi chưa bao giờ được ăn đồ cay. Mẹ vợ cực ghét những món cay. Tôi không còn cách nào khác, đành mua chai tương ớt mang về chấm riêng.
Lúc lấy vợ, tôi không có tiền mua nhà nên chỉ có thể ở rể. Đó là lý do bố mẹ vợ bóng gió rằng tôi không có năng lực, không kiếm được nhiều tiền và không thể cho vợ một cuộc sống tốt đẹp.
Mỗi ngày khi tôi đi làm về, mẹ vợ đều gây rắc rối, cố tình làm tôi xấu hổ, nhắm vào tôi và nói đủ thứ để sỉ nhục tôi trước mặt người khác.
Sau này, khi con trai thứ hai của tôi chào đời, áp lực ngày càng lớn, tôi chỉ biết làm việc cật lực để kiếm tiền mỗi ngày cho các con có cuộc sống khá giả hơn. Tôi phải làm việc từ sáng đến tối, có khi phải về lúc nửa đêm.
Bởi vì tôi quá bận rộn và dành rất ít thời gian cho con cái, mẹ vợ bắt đầu nói rằng tôi là người vô trách nhiệm. Tôi và mẹ vợ tranh cãi rất lâu nhưng cuối cùng không thể thỏa hiệp, tôi đành phải ra tòa. Sau khi ly hôn, tôi thấy thoải mái hơn, không còn khổ sở như trước nữa...”.
Nhìn chung, trong thời đại này, ngày càng có nhiều người trẻ phải đứng trước sự lựa chọn sống chung hay sống độc lập. Cho dù bạn chọn cách nào, bạn cũng cần tôn trọng mong muốn của chính mình và của cha mẹ, đồng thời duy trì sự giao tiếp và hợp tác tốt. Đây chính là chìa khóa để xây dựng một gia đình hạnh phúc.