Tâm sự của đệ nhất phu nhân
Buổi lễ chuyển giao quyền lực giữa cựu tổng thống Francois Hollande và tân tổng thống Emmanuel Macron tại Điện Élysée sáng 14/5 sẽ không có mặt bà Gabrielle Macron.
Đối với tân đệ nhất phu nhân Pháp, việc này không hề làm bà phiền lòng
Có nhiều lý do để bà Gabrielle Macron, 63 tuổi, cảm thấy không bị thua thiệt hay tổn thương. Ai đã quen với hình ảnh một phụ nữ tận tụy, có mặt cạnh chồng mọi lúc mọi nơi suốt mấy tháng ròng vận động tranh cử của ông Macron sẽ cảm thấy nuối tiếc và thắc mắc tại sao tân tổng thống (TT) không đi cùng người vợ từng hy sinh quá nhiều vì ông để cùng hưởng phút giây đăng quang tuyệt vời.
"Tội" dám sống khác
Ai nuối tiếc và chạnh lòng mặc kệ, với bà Gabrielle thì không. Bà từng chịu đựng và vượt qua nhiều cay đắng rồi. Trong bối cảnh chính trị mà sự khác biệt và chủ nghĩa cách tân được ca tụng, đáng lý cặp đôi Emmanuel Macron - Gabrielle Macron được đối xử công bằng và tương xứng vì họ có được cả hai thứ đó.
Vậy mà, điều ngược lại đã xảy ra chỉ vì họ dám sống khác. Bà Brigitte là một nhà trí thức, thông thái, am hiểu văn học, xuất thân từ một gia đình kinh doanh và sản xuất các mặt hàng sô-cô-la nổi tiếng vùng Bắc nước Pháp. Bà cũng là một người mẹ của gia đình đông con, một người bà có 7 cháu nội, ngoại.
Ông Macron và bà Gabrielle tại Điện Élysée Ảnh: PORTAIL FREE
Thế nhưng, truyền thông ít quan tâm đến những phẩm chất đó của bà Brigitte. Họ chú ý đến thông tin mà họ cho là quan trọng hơn, giật gân hơn: mối tình cô giáo - học sinh với sự cách biệt 24 tuổi. Họ cũng không quan tâm đến việc mối tình này vẫn trường tồn 10 năm sau đó và vợ chồng ông Macron sống rất hạnh phúc bên nhau.
Thử thách không tên
Hầu như không có bài báo nào không đề cập chênh lệch tuổi tác giữa bà Gabrielle và chồng. Dẫu có khen, người ta cũng khen theo kiểu "bà ấy tuy già nhưng mặn mà và sexy" với ngụ ý nếu không thế thì làm sao rù quến được ông Macron (tạp chí Gala)! Nhà báo Tanguy Pastureau mô tả bà Gabrielle "chín muồi và ngon lành như bánh tart nhân trái lê" trên đài RTL. Đó là cách nói tử tế.
Một số bài báo lá cải còn bình luận quan hệ tình cảm giữa bà Gabrielle và nam sinh Macron thuộc dạng "ấu dâm". Người viết cố tình bỏ qua chi tiết bà chỉ yêu thật sự Macron khi chàng trai đã vượt qua tuổi sinh lý mà theo luật định có quyền quan hệ tình dục nếu muốn.
Những nỗi khổ tâm kể trên, bà Gabrielle chưa một lần hé môi trên báo đài. Bà rất sợ "bị đưa lên trang nhất", rất sợ cụm từ "đệ nhất phu nhân tương lai" khi ông Macron bước vào vòng 2 với nhiều hy vọng trở thành TT trẻ tuổi nhất trong lịch sử nước Pháp. Huyền thoại Napoléon khi lên ngôi (nhà vua trẻ nhất nước Pháp) cũng lớn hơn ông Macron 1 tuổi.
Nhà văn Philippe Besson, bạn thân của vợ chồng bà Gabrielle, viết trên tờ Le Monde: "Đối với bà, vào Điện Élysée là một bước nhảy đến một thế giới hoàn toàn xa lạ, không biết sau đó sẽ ra sao. Bà biết rất rõ những người làm vợ TT thường sống không hạnh phúc. Những cặp vợ chồng ở đỉnh cao quyền lực cũng thường lục đục".
Bà Gabrielle đã trải qua những thử thách ác liệt nhất như định kiến xã hội, lòng đố kỵ và sự ghen ăn tức ở. Thế nhưng, bà vẫn hơi hoang mang với những thử thách không tên khi sống trong Điện Élysée vì chúng có thể ghê gớm hơn.
"Hot" hơn cả chồng
Lý do tân TT Emanuel Macron không dẫn vợ theo dự lễ chuyển giao quyền lực thật ra thuộc về nghi thức lễ tân. Ban tổ chức rõ ràng muốn tránh một sự mâu thuẫn không đáng có.
Cách đây 5 năm, TT đắc cử Francois Hollande đã đàng hoàng dẫn vợ, bà Valérie Trierweiler, đến dự lễ chuyển giao quyền lực giữa ông và cựu TT Nicolas Sarkozy. Dĩ nhiên, lúc đó có cả vợ ông Sarkozy, cựu đệ nhất phu nhân Carla Bruni. Hai cặp TT và đệ nhất phu nhân mới cũ đã chụp hình kỷ niệm rất đẹp.
Do ông Hollande đã ly dị vợ mà không chính thức đi bước nữa nên chủ nhật tới, ông sẽ rời khỏi Điện Élysée một mình. Sẽ rất khó chịu cho người ra đi nếu người kế nhiệm lại dẫn vợ theo chứng kiến lễ đăng quang. Vì vậy, theo đài Europe 1, ban tổ chức buổi lễ quyết định tân TT Macron sẽ đi một mình. Nghi lễ được rút gọn nhưng hợp tình hợp lý, người đi không tủi thân mà người đến cũng vui vẻ và cảm thông.
Tất nhiên, bà Brigitte cũng có mặt nhưng đứng trong hậu trường cùng các quan khách đến chúc mừng vợ chồng bà. Theo kịch bản, bà vào Điện Élysée trước; còn ông Macron đến sau, đi thẳng tới sảnh chuyển giao quyền lực.
Tâm trạng tân đệ nhất phu nhân Pháp, theo những gì nhà văn Besson tiết lộ trên tạp chí Gala, có rất nhiều cung bậc. Bốn ngày trước khi bước vào Điện Élysée, bà Gabrielle hoàn toàn khác với nụ cười luôn nở trên môi, phong thái chững chạc, rất tự tin. Song, càng gần đến ngày trọng đại, bà càng tỏ ra thận trọng trong lời ăn tiếng nói.
Chỉ cách đây vài năm, tâm sự với nhà văn Besson, bà Gabrielle chưa bao giờ nghĩ đến chuyện chuyển chỗ ở vào Điện Élysée. "Tôi nghĩ có điều gì đó làm cho bà hãi sợ và lo lắng" - nhà văn Besson nhận xét. Đó là phạm sai lầm và không hoàn thành vai trò đệ nhất phu nhân, nhất là trong bối cảnh bà đang trở thành người "hot" hơn cả chồng.
Vai trò không rõ ràng
Đệ nhất phu nhân không phải là chức vụ nhà nước, không có lương. Không chỉ ở Pháp mà cả Anh, Tây Ban Nha hay Ý, vai trò đệ nhất phu nhân không rõ ràng. Đây chỉ là một vai trò danh dự. Tại Pháp, năm 2016, cơ quan thăm dò dư luận quần chúng IFOP từng thực hiện một cuộc thăm dò cả nước. Kết quả, chỉ 31% người được hỏi tán đồng việc lập chức danh đệ nhất phu nhân chính thức. Tuy vẫn thích gọi vợ TT là đệ nhất phu nhân nhưng đa số không muốn hợp thức hóa vai trò này.
Vì không chính danh, mọi chi phí hoạt động của đệ nhất phu nhân đều tính trên bảng lương của người đứng đầu chính phủ. Điều này dễ có những chỉ trích lạm dụng ngân quỹ nhà nước. Cũng vì thế mà trước khi đắc cử, TT Macron tuyên bố sẽ chấm dứt tình trạng tranh tối tranh sáng này.