BÀI GỐC Nỗi lòng khó nói khi có chồng ở rể

Nỗi lòng khó nói khi có chồng ở rể

Ai cũng nghĩ đến những bức bí của người chồng “chui gầm chạn”, nào mấy người hiểu thấu tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan” của người phụ nữ giữa một bên là nhà đẻ, một bên là chồng.

3 Chia sẻ

Chồng ở rể nên cả nhà cứ đối đãi khách sáo

,
Chia sẻ

Ngại ăn bám nhà vợ, lại đang thất nghiệp, chồng tôi không dám nhờ vả bất cứ việc nhỏ nào. Anh cố tình tiết kiệm điện cho nhà vợ một cách tối đa, lại còn mang áo quần mọi người ra giặt khiến bố mẹ tôi khó xử.

Chào chị Dung với “Nỗi lòng khó nói khi có chồng ở rể”

Hôm nay, đọc được bài của chị, tôi không khỏi chạnh lòng. Bởi chính tôi cũng đang lâm vào hoàn cảnh hệt như chị vậy. Tuy nhiên, nỗi khổ tâm mà tôi đang mang lại có phần khác. 

Ban đầu, sau khi kết hôn, chúng tôi sống với bố mẹ chồng. Chẳng may họ kinh doanh thua lỗ nên vội vàng bán nhà trả nợ và trốn lên Tây Nguyên. Chồng tôi cũng vạ lây vì bỗng dưng mất cả việc làm và nhà cửa. 

Hai vợ chồng đang khốn đốn không nơi nương tựa thì bố mẹ tôi vì thương xót con gái nên ngỏ lời về sống cùng. Vậy là chồng tôi không dưng mà thành ở rể.
 

Để tránh vướng vào những bất hòa muôn thuở không đáng có trong hoàn cảnh nhạy cảm này, tất cả chúng tôi đã nói chuyện rất nghiêm túc và quyết tâm nhún nhường lẫn nhau nhằm giữ hòa khí trong gia đình.

Nhưng chính sự khách sáo giữ kẽ đó lại vô tình phản tác dụng khiến quan hệ giữa chúng tôi trở nên sáo rỗng và ngột ngạt.

Đầu tiên là bố mẹ tôi. Bố tôi là cựu chiến binh lại chưa quá lớn tuổi đủ để cho phép bản thân mình lôi thôi trong sinh hoạt hằng ngày trước mặt con cái. Nhất là với chàng rể quý nên luôn cố gắng tỏ ra chỉn chu mọi nơi mọi lúc.

Ông có thói quen mặc độc mỗi quần đùi khi ở nhà nhưng từ ngày chúng tôi về thì trang phục của ông lúc nào cũng phải tinh tươm. Tôi khuyên bố mình không cần thiết phải làm thế thì ông gạt đi với lý do ăn mặc cũng là cách thể hiện sự tôn trọng với con rể. 

Những hôm trời nắng gắt, ông không nỡ cởi trần ngồi dùng cơm với cả nhà. Nhìn bố tôi mồ hôi nhễ nhại mồ hôi mà thương vô cùng.

Đàn ông là vậy, phụ nữ còn khổ hơn. Mẹ tôi được trời phú cho bộ ngực rất lớn mà không hề chảy xệ theo tuổi tác nên cũng như bố tôi, bà chẳng bao giờ mặc áo lót khi ở nhà. 

Nhưng thói quen đó cũng bị thay đổi chỉ vì không muốn con rể thấy những hình ảnh phản cảm. Cả ngày bó mình trong bộ đồ công sở, về đến nhà vẫn phải gò mình trong chiếc “gông” đó, bà dù thấy phiền hà nhưng cũng gắng chịu đựng. Và bà cũng viện cớ “sang năm mẹ về hưu rồi” để an ủi tôi.

Tiếp đó là chồng tôi. Anh vừa mặc cảm cảnh chui gầm chạn lại vừa xấu hổ với bố mẹ vợ khi nhà anh đang tan gia bại sản nên vô cùng khép nép trong cư xử hàng ngày. Thấy bố mẹ tôi lúc nào cũng niềm nở một cách lịch sự lại trân trọng anh như thể khách quý nên không một phút nào anh dám thoải mái cởi mở cười nói bởi luôn trong trạng thái “tương kính như tân” với bố mẹ vợ.

Ngại mang tiếng là ăn bám nhà vợ lại đang thất nghiệp ở nhà, chồng tôi không dám nhờ vả bất cứ một việc nhỏ nào. Anh cố tình tiết kiệm điện cho nhà vợ một cách tối đa, lại còn mang áo quần mọi người ra giặt khiến mẹ tôi vô cùng khó xử. 

Bởi ngay cả dịp giỗ, mẹ tôi cũng không để anh làm việc gì vì ngại anh phải chịu tiếng ở rể.

Bố tôi khuyên con rể hãy xem đây như nhà của mình và ông thể hiện bằng cách ru rú trong phòng cả ngày ngoại trừ những lúc sinh hoạt chung để chồng tôi có được chút tự do. Mỗi lần dùng bữa xong là ông bà vội vã lên phòng ngay nhường lại toàn bộ không gian ngôi nhà cho hai vợ chồng để rồi mỗi lúc chạm mặt nhau, ai nấy đều phải gật đầu chào “bố ạ”, “con à” như thể khách phương xa mới về. 

Quá mệt mỏi và ngột ngạt khi phải cư xử giữ kẽ với nhau trong cùng một gia đình, tôi đã nhiều lần khuyên mọi người hòa đồng hơn nhưng rốt cục đâu lại vào đấy.

Song nhiều khi ngẫm lại, đôi khi đây cũng là lối cư xử thông minh tránh được những va chạm trong mối quan hệ bố mẹ vợ - con rể nên tôi không có ý định giải quyết triệt để vấn đề này. Phần nữa do quá mải mê kiếm tiền trả nợ cho nhà chồng, tôi không có nhiều thời gian để tâm chuyện đó nữa.

Không ngờ rằng, mới 8 tháng ở chung với nhau, mọi người trở nên mệt mỏi và thay đổi tâm tính.

Bố mẹ than thở riêng với tôi rằng cũng là nhà mình vậy mà cuối đời phải lận đận như khách ở trọ nhà người. Họ khen anh lễ phép hiền lành nhưng không thể gần gũi được rồi chặc lưỡi “muôn đời dâu con, rể khách”.

Chồng tôi cũng stress không kém. Dạo gần đây dù không có việc gì anh cũng không muốn về nhà để tránh mặt bố mẹ vợ. Anh căng thẳng đến nghẹt thở khi cả ngày phải khúm núm vâng dạ với sự khách sáo của người lớn. Cộng với đó là nỗi buồn phá sản và nỗi lo mưu sinh trước mắt, anh trở nên trầm cảm ít nói.
 

Mọi người cũng chẳng buồn lễ độ với nhau như dạo trước. Ai nấy đều cố tình lờ đi sự hiện diện của nhau để khỏi mất công chào hỏi. Không khí gia đình trước đây vốn đã gượng gạo giờ còn nặng nề hơn gấp bội. Bốn con người cứ lặng lẽ sống mà như không sống.

Tôi chỉ ước rằng có một xung đột nào đó xảy ra để mọi người còn nhận thức được sự tồn tại của nhau. Nhưng thói kín kẽ trong lối ứng xử dường như đã ăn sâu trong cách nghĩ của mỗi người nhà tôi rồi.

Vợ chồng tôi rất muốn ra ở riêng để chấm dứt sự ngột ngạt này nhưng thậm chí chúng tôi không còn đủ tiền để thuê một phòng trọ. Chồng tôi muốn đi theo bố mẹ mình lên Tây Nguyên nhưng nếu phải để anh ra đi chỉ vì những khó xử bởi nguyên nhân ở rể thì quả là đau khổ cho tôi và oan ức cho bố mẹ tôi vì thật sự họ đã rất cố gắng chào đón anh. 

Tôi nên làm gì để không phải xa chồng và làm vơi bớt không khí ảm đạm trong gia đình lúc này?

Chia sẻ