BÀI GỐC Nỗi lòng khó nói khi có chồng ở rể

Nỗi lòng khó nói khi có chồng ở rể

Ai cũng nghĩ đến những bức bí của người chồng “chui gầm chạn”, nào mấy người hiểu thấu tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan” của người phụ nữ giữa một bên là nhà đẻ, một bên là chồng.

3 Chia sẻ

"Ăn nhờ ở đậu" nhà vợ mà còn lên mặt dạy đời

,
Chia sẻ

Nói thật, chẳng ở với chồng này thì cưới chồng khác. Anh ta đang “ăn cậy ở nhờ” trong nhà vợ mà còn “lên mặt dạy đời” được. Phận ở rể thì phải biết nhịn!

Chào bạn Dung! Người đồng cảnh có chồng ở rể như tôi!

Đọc bài của bạn mà tôi cứ tức anh ách. Bạn đã quá dung túng nên chồng mới dám chui từ “gầm chạn” ngồi trên “đỉnh chạn”. Cứ đà này, lão chồng bạn sẽ “đè đầu cưỡi cổ” lên cả nhà vợ cho mà coi. 

Phải thừa nhận chồng bạn hơi láo khi đôi co lại với bố mẹ vợ. Anh ta đang “ăn cậy ở nhờ” trong nhà vợ mà còn đòi “lên mặt dạy đời”. Phận ở rể thì phải biết nhịn chứ. 

Người già vốn sống nghiêm khắc và chỉn chu. Nhà ai mà chả thế. Nếu bạn về làm dâu thì bố mẹ chồng còn ghê gớm hơn gấp bội. 

Hơn nữa, là phụ nữ thật nhưng chẳng ở với chồng này thì cưới chồng khác. Đàn ông trên đời đã chết hết đâu mà lo. Nhưng đi khắp thế gian này chỉ có cha mẹ là người tốt vô điều kiện với mình thôi. Không nên vì chồng giận dỗi mà tỏ ra bất kính với bố mẹ đẻ bạn ạ.

Cứ như tôi đây, chồng tôi mới về ở rể, tôi đã quán triệt ngay quan điểm: “Bố mẹ vợ là thứ nhất, vợ là nhì, còn phần cuối thuộc về chồng”. Cuộc sống không được đảo lộn kẻo mất hết gia uy.

Mọi việc trong gia đình, tôi yêu cầu chồng phải hỏi ý kiến của bố mẹ vợ trước. Nếu bố mẹ đồng tình thì làm, không thì phải xem xét lại. Bố mẹ tôi tỏ ra rất hài lòng vì được con rể tôn trọng. 

Khi bố mẹ tôi răn dạy con cái điều gì, con rể “luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu”. Dẫu không hiểu cũng phải vui lòng làm theo để lấy lòng bố mẹ vợ.

Trong suốt hơn một năm sống chung nhà, câu đáp thường niên của con rể dành bố mẹ vợ luôn là: “Dạ vâng ạ”. Bố mẹ vợ đã gọi thì phải “dạ”, đã bảo thì phải “vâng”.

Gia đình tôi còn phức tạp hơn nhà bạn nhiều vì tôi còn bà chị gái không chịu “chống lầy”. Chị gái tôi rất kỹ tính. Chị xoi mói em rể từng “chân tơ kẽ tóc”. Đố có việc gì chểnh mảng mà qua được mắt bà chị vợ. Chỉ cần em rể hỗn hào với bố mẹ một câu là chị tôi “chỉnh” ngay.

Tôi luôn có sự phân công rõ ràng: Vợ đi chợ thì chồng nấu cơm, vợ quét nhà, chồng giặt giũ, vợ phơi quần áo, chồng gấp đồ…

Mọi người đừng nghĩ chồng tôi đã chịu “vào nếp” ngay đâu nhé. Lúc đầu, anh cũng phản ứng: “Cô mà lên mặt thì tôi đi lấy vợ khác”. Tôi mở cửa tiễn chồng đi ngay. Chồng tôi xanh mặt trước sự cứng rắn của vợ.

Tôi cũng thi hành chính sách “mềm nắn rắn buông”. Khi chồng gân cổ, tôi sẽ lắng nghe. Để chồng nguôi giận, tôi mới nổi dậy phản pháo. Tôi là vợ, tôi có cái uy của tôi. Chẳng thế mà chồng tôi răm rắp nghe lời vợ.

Phải nói tôi là người biết điều. Tôi rất năng mua quà gửi biếu bố mẹ và chị em nhà chồng. Nói thật, nhà chồng tôi vốn sống ở quê nên khá nghèo. Thế nên, khi vợ chồng tôi “cơm chẳng lành”, cả nhà chồng đứng chung chiến hào với tôi hết. 

Rắn với chồng là tôi và yêu chồng hết mình cũng là tôi. Thu nhập của tôi cao gấp 3 lần chồng. Tôi có điều kiện thường xuyên tân trang bề ngoài cho ông xã. Chưa bao giờ chồng tôi phải mặc đồ đến mức cũ. Các phụ kiện như thắt lưng, ví da, tôi cũng chọn hàng hiệu để chồng xài.
 

Tôi còn rỉ tai với chồng: “Bố mẹ vợ bảo chỉ cần con rể ngoan ngoãn thì sẽ thừa kế nhà cho con của chúng ta đấy”. Chồng tôi nghe vậy vui lắm. Bởi anh muốn cải tạo được gốc rễ cho đất quê mùa của mình. Con anh sẽ trở thành dân Hà Nội thật chất.

Nói chung, cuộc sống khi ở rể cũng không có gì là quá phức tạp. Có ngọt có nhạt, có vuông có tròn và có cả méo xệch. Nhưng bạn luôn phải biết cách dung hoà những mảnh ghép để gia đình hạnh phúc. 

Cái bếp đun lửa ấm gia đình thuộc về người vợ. Các cụ ta chẳng vẫn nói: “gái ngoan gái biết dạy chồng” đấy thôi. Bạn đừng để chồng “đè đầu cưỡi cổ” bố mẹ đẻ ngay chính trong ngôi nhà của mình nhé. Phải biết dạy chồng từ thuở bơ vơ mới về vợ, tại sao không nhỉ?

Chia sẻ