Tâm Phan: "Lấy chồng Tây vẫn phải lao động như osin"

Thanh Ba,
Chia sẻ

Đó chỉ là lời tâm sự hài hước nhân chuyến về nước lần này của Tâm Phan. Cuộc trao đổi với nữ nhà văn về chuyện ngoại tình, lấy chồng Tây và tính cách đàn ông Việt đều được chia sẻ thẳng thắn.

Tâm Phan viết: "Tôi chưa bao giờ có một kế hoạch giữ chồng. Bí quyết duy nhất của tôi là không kỳ vọng. Tôi không kỳ vọng chồng tôi phải yêu và sống với tôi đến hết đời. Thay vào đó, tôi tận hưởng tình yêu mỗi ngày anh dành cho tôi và yêu anh bằng tất cả tấm lòng. Và 13 năm đã trôi qua..."


Tâm Phan
Nhà văn Tâm Phan

Trong khi xung quanh tôi thấy số người đang ca thán, buồn phiền luôn nhiều hơn, bí quyết hạnh phúc của Tâm Phan là gì, khi cuộc đời chị có vẻ lúc nào cũng nở hoa như thế?

Đúng là tôi đang hoàn toàn cảm thấy hài lòng với cuộc sống hiện tại, dù cuộc đời này không phải lúc nào cũng tươi rói. Sự thực là buồn không giải quyết được việc gì và bạn cần thoát ra khỏi hoàn cảnh hiện tại nếu thấy nó đang bi kịch quá. Việc đi ra ngoài gặp gỡ ai đó, đi chơi, đi du lịch, làm những việc mình thích rõ ràng hơn là cứ nằm trong bóng tối gặm nhấm nỗi buồn. 

Nếu bạn đang thất tình và trước đây anh người yêu vừa đá bạn đã  từng không muốn bạn nhuộm tóc, nhảy đầm hay mua sắm quá nhiều, hãy thỏa mãn bản thân bằng việc làm tất cả những điều này. Khi chân bạn chạm đáy, bạn sẽ biết sức mạnh của mình kinh khủng đến chừng nào. Tất cả chúng ta đều có thể mạnh mẽ, trong mỗi chúng ta đều có một người hùng mà.

Hạnh phúc với chị được định nghĩa như thế nào?

Hạnh phúc với tôi là những niềm vui, nó bình dị lắm, chẳng đao to búa lớn gì cả. Là nhìn bố con Jenna chơi đùa, là việc làm những bộ sofa đầy nặng nhọc, may những chiếc rèm đẹp đẽ… Bản thân Tâm Phan không phải là chuẩn mực của phụ nữ, tất cả cũng chỉ là ý kiến cá nhân. Có người bảo Tâm Phan cứ giả vờ hạnh phúc. Tôi sẽ không cố chứng minh hay phản bác. Bởi hạnh phúc là tại tâm, không phải do người khác tạo nên. Nếu có người cho rằng sự thỏa mãn hiếu thắng của bản thân mới là hạnh phúc thì tôi cũng không phản đối. 

Có phụ nữ chấp nhận ban ngày bị chồng đánh, nhưng tối cô ấy được hạnh phúc trên giường và cô ấy hài lòng thì cũng nên tôn trọng sở thích của cô ấy. Mỗi người hạnh phúc có hình dáng khác nhau và chẳng có ai có quyền đánh giá hạnh phúc của người khác. 

Có người bảo đàn ông Việt khi yêu thì chiều chuộng nhưng sau khi kết hôn lại chẳng lãng mạn, dễ lăng nhăng. Còn đàn ông Tây thì ngược lại họ có thể có quan hệ tình dục với phụ nữ mà không cần yêu, nhưng một khi đã lấy ai đó làm vợ họ sẽ rất trân trọng gia đình, đối xử tử tế với vợ và khá chung thủy. Chị có thấy điều này đúng?

Cũng thật khó nói vì đàn ông ở đâu cũng có người này người kia. Nhưng về cơ bản đó cũng là một ý kiến có phần đúng. Tôi và chồng tôi yêu nhau 7 năm, yêu rồi bỏ, bỏ rồi lại yêu không biết bao lần, đau khổ cũng nhiều, khi chưa xác định lâu dài thì thái độ cũng còn khá dè dặt và trách nhiệm không nhiều. Nhưng sau khi là kết hôn anh ấy lãng mạn hơn, quan tâm hơn và trách nhiệm hơn rất nhiều. Cũng có thể việc làm chồng, làm cha đã khiến anh ấy trưởng thành hơn. 

Tâm Phan

Tâm Phan
"Việc làm chồng, làm cha đã khiến anh ấy trưởng thành hơn".

Đàn ông Tây phần đông họ có lòng tự trọng cao nên rất rõ ràng, việc họ sợ nhất là phải lừa dối người khác và lừa dối chính bản thân mình. Bởi thế, nếu không yêu nữa họ sẽ chia tay và có quan hệ với người khác, chứ không muốn phải lén lút, giấu giếm để cặp bồ. Phụ nữ phương Tây cũng vậy, nên việc có 5-7 đời chồng cũng là bình thường. 

Thế nhưng ở Việt Nam việc đàn bà nhiều đời chồng xem ra cũng bị nhìn ái ngại, chẳng hạn “chắc cô ta phải thế nào mới bị chồng bỏ” hoặc những câu cảm thán “số cô này lận đận, long đong quá”… Trong khi đó họ đâu có cần ai thương và nhiều khi cũng chẳng phải lỗi của họ…

Tôi nghĩ quan trọng hơn cả là họ đang sống cuộc sống thế nào, có cảm thấy hạnh phúc không chứ không phải người phụ nữ này mấy chồng. Có lẽ cũng vì tâm lý này mà nhiều người đã dè dặt với việc giải phóng một cuộc hôn nhân không hạnh phúc để giữ một cái danh hão vì sợ bị dị nghị, vì nghĩ cho con cái, hoặc có thể lén lút ngoại tình.

Với tư tưởng rất thoáng, sống ở một đất nước hiện đại, chị có chấp nhận được việc ngoại tình không? Theo chị có cần xét đến lý do để có thể tha thứ?

Hiện đại là để du nhập những điều tốt, còn bản thân tôi lại khá truyền thống. Tôi là người khó chấp nhận ngoại tình. Tuy nhiên, tôi nghĩ cũng có thể xem xét đến một số lý do như việc xa cách địa lý, đó là vấn đề sinh lý; một phút yếu lòng, bản thân đối phương biết tự nhận lỗi… Tôi chỉ nói đến sự xem xét nhé, còn xem xét thế nào lại là việc của bạn. Nhưng tôi thấy vấn đề hệ trọng ở những kẻ mang tội lừa dối, một mặt tỏ ra hạnh phúc bên vợ, nhưng sau lưng anh ta lại lén lút ngoại tình. 

Có nhiều người khi biết sự thật vợ (chồng) ngoại tình họ vẫn tha thứ hoặc níu kéo vì những lý do như anh ấy (cô ấy) sẽ quay về, vì muốn con cái vẫn có cuộc sống đủ đầy bố mẹ. Theo chị những lý do này có chính đáng?

Không, tôi không cho rằng đó là sự chính đáng. Tình yêu đã mất thì bạn có níu kéo cũng không được. Bạn cần phải đặt câu hỏi thật rõ ràng: Bạn có hạnh phúc hay không? Nếu không hãy chấm dứt. Nếu bạn chấp nhận anh ta lăng nhăng và khi ở bên cạnh bạn vẫn thấy happy thì đó là sự lựa chọn của bạn. Nhưng nếu bạn duy trì một cuộc hôn nhân đầy nước mắt, con cái phải chịu đựng những cuộc cãi vã của bố mẹ, những bữa cơm “tóe lửa” thì hãy nghĩ xem giữ cuộc hôn nhân này có đáng hay không? 

Tâm Phan
"Bạn phải đặt câu hỏi thật rõ ràng: Bạn có hạnh phúc hay không?".

Ly hôn là chuyện của giữa người vợ, người chồng đâu có liên quan gì đến con cái. Sau khi ly hôn những đứa trẻ vẫn còn cả bố, cả mẹ cơ mà. Điều quan trọng là họ quan tâm đến nhau thế nào sau khi ly hôn thôi. Một đứa trẻ sống với mẹ, cuối tuần sống với bố hoặc ngược lại vẫn có thể hạnh phúc mà. Miễn là chúng có thể thấy vui và vẫn được quan tâm đầy đủ. 

Cuộc sống của một người phụ nữ không phải lo về kinh tế, chăm sóc con cái, làm bánh, làm vườn, đi nhiều, trải nghiệm lắm, có người đàn ông thương yêu, con cái thông minh… có phải là quá hoàn mỹ không? Tôi nghĩ rất nhiều người phụ nữ mơ ước có được cuộc sống như chị…

Cuộc sống của tôi cũng giản dị mà, toàn những niềm vui nho nhỏ. Buổi sáng chồng con tôi dậy trước, 2 bố con cho nhau ăn sáng. Khi đó mẹ mới dậy, thay quần áo cho con. Chồng tự phục vụ. Tôi làm “tài xế” đưa chồng ra ga tàu đi làm, đưa Jenna đến trường. Tôi khi đó mới về nhà ăn sáng, làm những project nho nhỏ như may rèm, làm ghế sofa, đi chợ… Sau đó thì lại đi đón con trước, đón chồng sau. Tối nấu cơm, ăn cơm rồi vợ chồng con cái chơi đùa cùng nhau. 

Tâm Phan
Ông xã và con gái Jenna đang cùng nhau chơi ngoài vườn.

Tôi thấy mọi thứ bình thường mà. Nhưng tôi làm tất cả các công việc với niềm vui. Nếu việc gì không vui không làm. Chồng tôi cũng không bao giờ hỏi sao nhà cửa bề bộn thế, sao cái này chưa xong, anh ấy chỉ hỏi: “Hôm nay em ở nhà có vui không?”. Cuối tuần, tôi lại thường đi chơi với bạn bè vì cả tuần ở nhà rồi. Khi đó chồng tôi đi làm cả tuần, giờ lại muốn ở nhà để chơi với con. Chúng tôi làm tất cả những gì mình thích và cảm thấy thoải mái, hạnh phúc.

Người ta thường nói “đàn bà xây tổ ấm”, ở Việt Nam người ta vẫn quan niệm phụ nữ cần phải khéo léo trong gia đình. Còn chị thì sao, theo chị có cần nghệ thuật giữ chồng hay gìn giữ tổ ấm?

Dù là người Việt Nam nhưng tôi cũng ngạc nhiên với quan điểm này, tại sao phải giữ chồng, đôi bên cùng bình đẳng như nhau mà. Ai cũng cần được tôn trọng cả. Với nữa, sao phải nghệ thuật khi 7 năm yêu đương chúng tôi sống và bộc lộ mình hoàn toàn, thẳng thắn, chẳng có gì phải che đậy, giấu giếm. 

Tâm Phan
"Mọi mối quan hệ đều cần sự tôn trọng".

Chúng tôi đến với nhau vì những cá tính của nhau vậy tại sao lại phải đánh đổi bằng việc che giấu điều đó. Thêm nữa, mọi việc nếu được xác định khá rõ ràng trước hôn nhân, thì sau hôn nhân mọi thứ vẫn thế, chẳng có gì thay đổi. Hôn nhân không ai phải giữ ai, mấu chốt chỉ là còn yêu hay không. Cuộc sống của tôi khá đơn giản, hạnh phúc cũng giản đơn. Một vấn đề khác cũng khá quan trọng là đôi bên cần sự tôn trọng nhau. Đó không phải chỉ là câu chuyện của hôn nhân, vợ chồng, mẹ con, bạn bè… tất cả đều cần sự tôn trọng. 

Nghe chị nói thì cuộc sống vợ chồng chị đều khá hòa hợp và viên mãn, nhưng không ít phụ nữ lấy chồng Tây nói rằng có một vấn đề là sự khác nhau về văn hóa sẽ có lúc họ không bao giờ hiểu được trong một số câu chuyện cụ thể và họ phải sống chung với điều đó?

Thực sự tôi không thấy có sự trở ngại nào vì tôi nói tiếng Anh như tiếng Việt. Suy nghĩ của chúng tôi tương đồng, cá tính đã bộc lộ từ trước hôn nhân rất rõ ràng. Chúng tôi đã không bao giờ còn có suy nghĩ ai là người nước nào, châu lục nào, hình thức, màu da khác nhau ra sao… Và mọi chuyện rất bình thường. Chỉ có đôi lúc anh ấy bảo: “Sao em nói chuyện với mẹ mà nói to thế”, chỉ vì đôi lúc bà cứ đứng cạnh tivi mà gọi điện rồi chúng tôi cứ phải gào lên với nhau qua điện thoại. Nếu phụ nữ Việt nào lấy chồng Tây có thất vọng nữa vì cũng có khi họ mơ mộng lấy chồng Tây sẽ thành một bà hoàng, có một cuộc sống giàu sang, nhàn nhã và thực tế chẳng như vậy. Tôi vẫn phải lao động như một osin, chỉ có điều tôi thấy vui vì điều đó. 

Còn một ông bố Tây thì sao?

Chồng tôi rất yêu con. Những hôm nào ở nhà anh ấy đều tranh phần đi đón con. 2 bố con có thể làm cùng nhau, chơi cùng nhau nhiều trò không biết chán như đi bộ, cắm trại, vào rừng khám phá thiên nhiên, đi hái nấm, leo núi… 

Tâm Phan
Tâm Phan
Ông bố Tây này rất thích việc chăm sóc và chơi đùa cùng con cái.

Nhiều khi cuối tuần anh ấy lại bảo: “Mẹ đi chơi đi, 2 bố con ở nhà chơi với nhau”. Đôi lúc họ còn rủ nhau đi chơi riêng chỉ có 2 bố con, nghe hơi ấm ức nhưng rất ngọt ngào.
Chia sẻ