Tài xế xe khách không có bằng lái gây ra vụ tai nạn 3 người chết ở Phú Yên: Trách nhiệm các bên liên quan thế nào?

MINH NGỌC,
Chia sẻ

Vụ tai nạn nghiêm trọng ở Phú Yên làm 3 người chết, tài xế không có bằng, chiếc xe ô tô khách được công ty vận tải thuê lại của một đơn vị khác.

Liên quan đến vụ tai nạn kinh hoàng ở Phú Yên, lãnh đạo Phòng CSGT Công an tỉnh Phú Yên cho biết, thời điểm xảy ra tai nạn, xe khách do Phạm Quốc Huy (SN 1985, trú thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) điều khiển. Tuy nhiên, tài xế Phạm Quốc Huy chỉ có giấy phép lái xe (GPLX) hạng C, không đủ điều lái xe khách từ 10 - 30 chỗ.

Theo quy định của pháp luật, tài xế điều khiển xe khách từ 10 - 30 chỗ ngồi phải có GPLX hạng D. Điều khiển xe khách trên 30 chỗ ngồi phải có GPLX hạng E.

Về chiếc xe khách 50H -355.47 trong vụ tai nạn, phương tiện này thuộc chủ sở hữu là Công ty TNHH MTV CTTC NHSG Thương Tín (quận 3, TP HCM) cho Công ty TNHH Tân Kim Chi (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) thuê với thời hạn từ tháng 1-2025 đến tháng 7/2025; có thời hạn kiểm định đến ngày 25/12/2025.

Tài xế xe khách không có bằng lái gây ra vụ tai nạn 3 người chết ở Phú Yên: Trách nhiệm các bên liên quan thế nào? - Ảnh 1.

Phạm Quốc Huy (SN 1985, trú thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã bị tạm giữ

Trao đổi với PV dưới góc độ pháp lý, Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng VP Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP HCM) đã có phân tích trách nhiệm của các bên sẽ được xử lý như thế nào khi để xảy ra những tai nạn chết người.

Trách nhiệm của người lái xe gây tai nạn

Trách nhiệm hình sự: Theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Theo đó, người tham gia giao thông mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác mà không có giấy phép lái xe theo quy định có thể bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.

Trường hợp làm chết 03 người trở lên thì có thể bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

Trách nhiệm hành chính: Bên cạnh đó ngay cả khi người tham gia giao thông không có giấy phép lái xe không gây thiệt hại gì thì vẫn có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 18 Nghị định 168/2024/NĐ-CP. Theo đó phạt tiền từ 18.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ nếu không có giấy phép lái xe.

Trách nhiệm của công ty thuê xe gây tai nạn

Nếu công ty thuê xe giao xe cho tài xế mà không có giấy phép lái xe mà gây thiệt hại cho người khác theo quy định tại Điều 264 Bộ luật Hình sự thì có thể bị xử lý hình sự như sau:

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm nếu thuộc trường hợp: Làm chết người; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%, gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm nếu làm chết 02 người, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%, gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

Phạt tù từ 02 năm đến 07 năm nếu làm chết 03 người trở lên, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên, gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

Ngoài ra thì người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

Tài xế xe khách không có bằng lái gây ra vụ tai nạn 3 người chết ở Phú Yên: Trách nhiệm các bên liên quan thế nào? - Ảnh 2.

Chiếc xe khách được doanh nghiệp vận tải thuê lại của một đơn vị khác

Trách nhiệm của chủ xe

Chủ xe khi cho thuê xe có trách nhiệm đảm bảo rằng người điều khiển xe có đủ giấy phép lái xe hợp lệ và có khả năng lái xe an toàn theo quy định tại Điều 58, Điều 59 của Luật giao thông đường bộ 2008.

Nếu bên cho thuê xe không có biện pháp kiểm tra hoặc yêu cầu bên thuê xe chứng minh rằng người điều khiển xe có đủ bằng lái, thì có thể bị xem là có phần trách nhiệm trong việc không đảm bảo các điều kiện an toàn. Bên cho thuê sẽ phải chịu trách nhiệm khi có tai nạn xảy ra.

Tuy nhiên, nếu trong hợp đồng có quy định rõ ràng về việc bên thuê xe phải tự chịu trách nhiệm về việc người điều khiển có đủ điều kiện, bên cho thuê là chủ xe có thể không phải chịu trách nhiệm trực tiếp.

Trách nhiệm bồi thường cho nạn nhân khi gây tai nạn

Trách nhiệm bồi thường sẽ phụ thuộc vào việc khi giao kết hợp đồng giữa bên chủ xe và công ty thuê xe thì các bên đã thoả thuận giải quyết khi xảy ra tai nạn giao thông như nào.

Nếu như không thoả thuận thì căn cứ theo quy định tại Luật đường bộ 2024, Điều 57 quy định đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô chịu trách nhiệm hoặc liên đới chịu trách nhiệm về hậu quả mà người  lao động, người đại diện của đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô gây ra do thực hiện yêu cầu của đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô trái quy định của pháp luật.

Điều 58 quy định nghĩa vụ của đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô là Bồi thường thiệt hại do người lao động, người đại diện của đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô gây ra trong quá trình vận tải theo quy định của pháp luật. Như vậy nếu trong hợp đồng không có thoả thuận thì công ty kinh doanh dịch vụ vận tải có thể phải bồi thường trong trường hợp người lao động lái xe gây ra tai nạn.

Tài xế xe khách không có bằng lái gây ra vụ tai nạn 3 người chết ở Phú Yên: Trách nhiệm các bên liên quan thế nào? - Ảnh 3.

Hiện trường vụ tai nạn

Trước đó, khoảng 1h ngày 8/2, xe khách tên Tân Kim Chi BKS 50H-35547 đang chạy theo tuyến Đà Nẵng - Đà Lạt, khi đến đoạn quốc lộ 1 đoạn qua xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu thì tông vào giải phân cách, lật nghiêng. Vụ tai nạn khiến 3 người tử vong tại chỗ, 27 người bị thương.

Danh tính nạn nhân tử vong trong vụ tai nạn lật xe khách trên địa bàn gồm: Trần Thị Song Thương (SN 2003, trú tại huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam); Trần Công Anh (SN 2001, trú tại quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng); Đỗ Thị Kim Chi (SN 1991, trú tại huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng).

Chia sẻ