Tài xế vi phạm nồng độ cồn gọi điện "cầu cứu" vẫn bị phạt nặng
Với quan điểm “không có ngoại lệ”, các tổ công tác 141 Công an TP Hà Nội kiên quyết lập biên bản đối với các trường hợp người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn, kể cả có sự can thiệp xin bỏ qua.
Tối 9/1, nhiều tổ công tác liên ngành 141 làm nhiệm vụ trên các tuyến phố Thủ đô xử lý vi phạm nồng độ cồn , đảm bảo an ninh trật tự sau trận đá bóng giữa đội tuyển Việt Nam - Indonesia trên sân vận động Mỹ Đình diễn ra vào tối cùng ngày.
Chỉ trong thời gian ngắn, lực lượng chức năng xử lý nhiều trường hợp vi phạm nồng độ cồn.
Điển hình, khoảng 21h30, tổ công tác Y13/141 làm nhiệm vụ tại khu vực nút giao Lý Thái Tổ- Trần Nguyên Hãn, hướng đi Ngô Quyền đã dừng xe máy BKS 29F9- 582.XX để kiểm tra nồng độ cồn.
Người điều khiển xe máy tên N.T.T. (SN 1969, trú tại Tứ Liên, Tây Hồ) có biểu hiện say xỉn, thừa nhận: “Tôi có uống một chút bia, rượu. Bây giờ mà thổi thì lên nồng độ. Tôi xin các bạn… bỏ qua lần này”. Sau đó, người đàn ông này liên tục cầm điện thoại để gọi điện cho người quen nhờ vả.
Sau khoảng 20-30 phút 'câu giờ', ông T. mới chịu thổi vào máy đo nồng độ cồn và cho kết quả 0,316 mg/L khí thở. Với vi phạm của mình, ông T. bị xử phạt từ 4-5 triệu đồng, tước Giấy phép lái xe 16-18 tháng và tạm giữ phương tiện 7 ngày.
Một trường hợp khác là ông V.X.Q (SN 1972, trú tại Đống Đa, Hà Nội) điều khiển xe máy vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,355 mg/L khí thở. Nam tài xế cho biết đã uống bia trong lúc cổ vũ đội tuyển bóng đá Việt Nam. Kết thúc trận bóng đá, ông Q. cùng người quen đi về nhà thì bị tổ công tác dừng kiểm tra.
“Tôi uống có một cốc bia và vẫn tỉnh táo có thể đi về nhà được. Tuy nhiên, sau khi bị xử phạt sẽ rút kinh nghiệm” - ông Q. nói.
Tương tự, tại nút giao Tràng Thi – Quán Sứ, trong khoảng thời gian ngắn, tổ công tác Y12/141 làm nhiệm vụ phát hiện 2 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Trong đó, tài xế ô tô BKS 89C vi phạm ở mức 0,039 mg/L khí thở; tài xế xe máy vi phạm ở mức 0,182 mg/L khí thở.
Vừa qua, UBND TP Hà Nội có chỉ đạo các lực lượng liên quan nhằm tăng cường kiểm soát việc sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông, đặc biệt, nghiêm cấm can thiệp, tác động vào quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm của lực lượng thực thi công vụ.
Bên cạnh đó, đối với người vi phạm nồng độ cồn là cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, đảng viên, người lao động trong các cơ quan Nhà nước thì phải thông báo đầy đủ hành vi vi phạm về cơ quan, đơn vị, tổ chức Đảng của người vi phạm để xử lý theo quy định; đồng thời gửi Sở Nội vụ để phục vụ công tác quản lý cán bộ, kiểm điểm, xem xét trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
Tuy nhiên, ghi nhận của phóng viên tại một số chốt đo nồng độ cồn thời gian vừa qua, nhiều tài xế vi phạm không cung cấp nơi làm việc vì sợ bị ảnh hưởng đến công việc. Khi được cán bộ làm nhiệm vụ hỏi thì đa phần họ trả lời là lao động tự do hoặc kinh doanh tự do...
Theo một cán bộ CSGT, việc xác định cơ quan, nơi làm việc của người vi phạm nồng độ cồn cũng gặp khó khăn bởi khi làm việc với tổ công tác người vi phạm chỉ xuất trình chứng minh thư, CCCD, giấy phép lái xe... để lập biên bản.