Tại sao vắc xin sởi được tiêm vào bắp đùi trẻ dưới 6 tuổi nhưng lại tiêm cánh tay người trưởng thành?

Ngọc Ái,
Chia sẻ

Không ít người thắc mắc tại sao lại có sự khác biệt về vị trí tiêm vắc xin sởi giữa trẻ em với người lớn và điều này có ảnh hưởng tới tác dụng của vắc xin hay không?

Không phải ai cũng biết: cùng là tiêm vắc xin sởi, nhưng vị trí tiêm lại khác nhau giữa trẻ nhỏ và người lớn. Đây không phải lựa chọn ngẫu nhiên, mà là quyết định y khoa nhằm tối ưu hóa hiệu quả miễn dịch và hạn chế rủi ro trong quá trình tiêm.

Tầm quan trọng của lựa chọn vị trí tiêm vắc xin sởi

Vị trí tiêm không chỉ ảnh hưởng đến mức độ đau mà còn liên quan đến hiệu quả của vắc xin sởi cũng như các loại vắc xin khác. Cụ thể, vị trí tiêm cần được chọn đúng để:

- Đảm bảo vắc xin hấp thụ hiệu quả: Tiêm đúng vị trí giúp vắc xin phân bố hợp lý, tạo phản ứng miễn dịch tối ưu. Tiêm sai có thể làm giảm hiệu quả hấp thụ hoặc khiến vắc xin hoạt động không như mong đợi.

- Giảm đau và tác dụng phụ: Một số vị trí ít dây thần kinh hơn sẽ giúp giảm cảm giác đau và sưng tấy. Ngược lại, tiêm sai vị trí có thể gây đau kéo dài, bầm tím hoặc viêm nhiễm.

- Tránh tổn thương mô và mạch máu: Tiêm đúng vùng cơ phù hợp giúp tránh tổn thương dây thần kinh hoặc mạch máu lớn. Nếu tiêm sai vào vùng có nhiều mạch máu, nguy cơ chảy máu hoặc tụ máu có thể tăng cao.

Vì vậy, với mỗi loại vắc xin, độ tuổi khác nhau sẽ có các khuyến cáo phù hợp về vị trí tiêm. Đó là kết quả của nhiều năm nghiên cứu và khuyến nghị từ các tổ chức y tế toàn cầu, bản thân nhà sản xuất vắc xin.

Vì sao trẻ dưới 6 tuổi được tiêm vắc xin sởi ở bắp đùi?

Tại sao vắc xin sởi được tiêm vào bắp đùi trẻ dưới 6 tuổi nhưng lại tiêm cánh tay người trưởng thành? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 6 tuổi, vắc xin sởi thường được tiêm dưới da ở mặt trước bên ngoài đùi. Đây là vị trí lý tưởng nhờ lớp mỡ dày, ít dây thần kinh và mạch máu lớn. Vùng đùi còn giúp cố định cơ thể trẻ dễ hơn, hạn chế việc cử động mạnh làm sai lệch kỹ thuật tiêm. Kim tiêm sử dụng cũng ngắn hơn, phù hợp với lớp mô dưới da mỏng ở trẻ nhỏ.

Việc tiêm ở đùi giúp giảm đáng kể cảm giác đau, giảm nguy cơ tổn thương mô hoặc gây phản ứng viêm tại chỗ tiêm. Đồng thời, vùng đùi có khả năng hấp thụ thuốc tốt, tạo điều kiện cho hệ miễn dịch của trẻ kích hoạt phản ứng bảo vệ hiệu quả. Đây cũng là vùng dễ cố định hơn khi tiêm vắc xin đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Tại sao người trưởng thành lại được tiêm vắc xin sởi ở cơ delta cánh tay?

Với người lớn và trẻ trên 6 tuổi, vị trí tiêm thường là cơ delta ở phần trên cánh tay không thuận. Vùng cơ này dày hơn, ít mỡ, dễ tiếp cận và thuận lợi cho việc tiêm bắp - là phương pháp phổ biến để giúp vắc xin hấp thu nhanh hơn vào máu.

Cơ delta cũng là vùng ít có nguy cơ gây tổn thương dây thần kinh hoặc mạch máu lớn. Đồng thời, đây là khu vực ít gây đau hơn khi tiêm so với các vùng khác như mông hoặc đùi. Khi người lớn được yêu cầu tự theo dõi phản ứng sau tiêm, việc quan sát vùng tiêm ở cánh tay cũng thuận tiện hơn rất nhiều.

Tại sao vắc xin sởi được tiêm vào bắp đùi trẻ dưới 6 tuổi nhưng lại tiêm cánh tay người trưởng thành? - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Trong khi đó, trẻ dưới 6 tuổi có cơ tay còn nhỏ và chưa phát triển đủ dày để tiêm bắp an toàn, dễ gây đau hoặc tổn thương mô. Ngoài ra, vùng tay ở trẻ cũng khó cố định khi tiêm, dễ khiến mũi tiêm lệch vị trí.

Nguồn tổng hợp: VNVC, CDC Hoa Kỳ, BVĐK Vinmec

Chia sẻ