Tại sao trẻ con hay hỏi…Tại sao?

,
Chia sẻ

Tại sao bầu trời màu xanh, tại sao lại có mây trên trời, tại sao con không được ra ngoài chơi, tại sao lúc nào con cũng phải ngoan?…

Cô Palo Alto, có lẽ đã… chán lắm rồi nên cô mới gửi một lá thư dài cho trung tâm “Parenting Health Center”, trong đó có đoạn như sau: “Thằng nhóc 3 tuổi của em cứ liên tục hỏi em “tại sao?” về mọi chuyện trên đời như tại sao bầu trời màu xanh, tại sao lại có mây trên trời, tại sao con không được ra ngoài chơi, tại sao lúc nào con cũng phải ngoan?… Có khi em có cảm tưởng là câu trả lời không làm nó chú ý vì có bao giờ nó thỏa mãn đâu. Em bực quá rồi. Làm sao bây giờ?”

Có lẽ Alto không biết là loại câu hỏi mà cô cầu cứu là kiểu mà các nhà tâm lý… trên khắp thế giới nhận hầu như mỗi tuần. Lũ nhóc là chúa tò mò. Chúng ta rất yêu những cái miệng đỏ hồng đáng yêu phát ra những lời ngộ nghĩnh, nhưng có khi “mấy trự” chuyên môn hỏi bắt đầu bằng hai chữ “tại sao” đều đặn như cái vòi nước bị rò cứ “tỏn, tỏn” các âm thanh khiến bậc cha mẹ nào hiền như… Ma Soeur trên cõi đời này nhiều khi cũng phải phát cáu gắt lên: “Con có thôi hỏi đi không? tại sao cứ hỏi… tại sao hoài vậy hử?”

Chúng ta bực mình vì 2 lý do. Thứ nhất là vì chúng ta... bí lù (bạn nói thật đi, chính bạn có biết tại sao bầu trời màu xanh không?), nhưng ngay cả khi chúng ta biết, thì “tốc độ” hỏi tại sao của lũ nhóc vẫn không giảm. Đó là tại vì cha mẹ đã không hiểu được “ngôn ngữ con nít” và khi chúng hỏi “tại sao?”, chúng đâu có… thắc mắc chân thành như người lớn chúng ta đâu! Chúng ta không hiểu nên câu trả lời của chúng ta làm sao thỏa mãn được mấy “thằng quỷ con thân yêu” cho được.

Bác sĩ Alan Greene của “Parenting Health Center” có một …mưu mẹo thần sầu có thể giúp Alto và biết bao bực cha mẹ khác có thể thoát khỏi cạm bẫy “tại sao” hóc búa này.

Bạn nhớ lại xem, cách thông tin duy nhất mà con bạn thiết lập với bạn khi nó còn đỏ hỏn là… khóc và khóc. Nó sử dụng “phương pháp duy nhất” là ò e để… nhắn tin: con đói, mẹ ơi, con khát, con nực, con nhớ mẹ, cái tã này chật quá, ngón tay con đau quá, con mèo làm con sợ quá, cái gì ồn vậy mẹ và ngay cả con… chán mẹ quá vv… và hàng ngàn cảm giác khác nhau mà thằng bé cảm nhận.
Dần dần có một chuyện thiêng liêng xảy ra là bà mẹ bắt đầu biết tiếng khóc của con mình là nhắm vào cái gì, và cu cậu cũng biết phát ra các “tần số” khác nhau để yêu cầu và vòi vĩnh khác nhau. Lúc đầu có thể bạn rất lúng túng, nhưng sau đó mọi chuyện trở nên trơn tru và hai mẹ con có một “ngôn ngữ đặc biệt” để liên lạc với nhau mà có khi người ngoàì không hiểu gì hết!

Khi con trẻ bắt đầu sử dụng từ ngữ, ngữ vựng của nó không giống ngữ vựng của người lớn. Có khi chỉ một từ mà lại bao hàm cả một ý niệm rộng lớn và ngược lại. “Con chó” có nghĩa là… bất cứ con vật gì bự bự, trong lúc “meo meo” là con mèo, nhưng chỉ là con mèo… nhà mình thôi, còn con mèo nhà hàng xóm là con… quái vật! Những cái đó hiển nhiên và dễ thương biết bao nhiêu, bạn nên quay video lại để dành sau này cho nó coi (có khi nó coi chung…với vợ nó). Nhưng khi cu cậu bắt đầu nói thành câu cú, thì có nghĩa là óc tò mò và trí tưởng tượng sáng tạo của nó đã phát triển ghê gớm. Chúng bắt đầu hỏi: “Mẹ ơi, tại sao… Mẹ ơi, tạạạạiiiiiii ssssaaaoooo???” muốn điên cái đầu mẹ nó!

Bác sĩ Greene nhớ lại lúc đầu khi ông ta cố trả lời câu hỏi tại sao của con mình, nó... tỉnh bơ như không. Sau hàng ngàn thí nghiệm với nhiều đứa bé khác, ông bắt đầu hiểu mình phải làm sao. Đó là ông khuyên chúng ta bắt đầu trả lờì là: “Cha, cái này coi bộ hay quá, này mình nói chuyện chung với nhau đi. Làm ơn nói thêm cho bố biết chút xíu nữa đi”. Khi ông kết nối như thế câu hỏi tại sao với nhiều đứa bé khác, chúng có vẻ rất hào hứng. Không cần phải “tại vì…” cái gì hết. Trẻ con có cần biết tại sao đâu, tất cả điều chúng cần là một “chú ý ồn ào” và bất cứ cái nào người lớn trả lờì cũng… trúng hết! Thế mới… gian tà!
Bạn có biết ông nhà bác sĩ trả lời câu “tại sao bầu trơì xanh” ra sao không?

Ông nói: “ngày nắng thì trời màu xanh, có mây thì nó có màu xám, ban đêm nó lại màu đen. Có khi giữa ngày và đêm nó có màu hồng dễ thương lắm, hay màu cam nữa. Ở trên bầu trờì có nhiều cái hay lắm. Mặt trời cho ta ánh sáng và hơi ấm, nó giống như sao vậy mà, nhưng mà gần chúng ta hơn. Có nhiều hành tinh xung quanh một mặt trời và một trong các hành tinh đó có tên là Trái Đất.”

Bạn thấy không, ông có trả lời trực tiếp câu hỏi đâu. Vậy mà thằng bé và lũ bạn nó… phục lăn và khoái lắm. Chúng nó hò lên “hết xẩy!” và đâu có hỏi tiếp… tại sao cho ông bác sĩ ngã bệnh đâu!

Khi em bé khóc, nó đâu có đòi cái gì, nó đòi mẹ nó đấy. Cũng thế, khi lũ nhỏ hỏi “tại sao” là chúng muốn khám phá vẻ đẹp bí ẩn của vũ trụ xung quanh nó, cùng với người tạo cho nó cảm giác an toàn nhất là cha hay mẹ, cũng là những người mà nó yêu nhất nữa.

Dần dần khi con trẻ lớn lên, lá bùa “ này, coi bộ hay đấy, mình nói chuyện chung với nhau đi” sẽ hết… linh nghiệm. Ở một giai đoạn khác, cha mẹ phải có... kỹ thuật khác mới có thể làm mở miệng các cô các cậu, nhưng đó lại là một câu chuyện khác.

Quả là không dễ dàng cho bậc sinh thành khi phải đối phó với câu hỏi của Cu tí “tại sao vậy mẹ”, nhưng cũng không dễ chút nào khi Cu tí 19 tuổi thỏ thẻ vào tai mẹ nó một câu hỏi gian ác… loại khác “Mẹ ơi, con mượn cái... Mercedes SL500 của mẹ chở Jennifer đi ăn tối được không mẹ?”

Theo Hồng Quang / CaliToday.com
Chia sẻ