Tại sao Singapore ít xảy ra tình trạng bỏ rơi trẻ sơ sinh?
Từ năm 2006 đến nay, Singapore chỉ phát hiện 21 trường hợp trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác. Nguyên nhân vì đâu?
Ngày 4/2 vừa qua, một nam thanh niên 18 tuổi bị kết án 2 năm quản chế vì bỏ rơi con trai mới sinh bên ngoài căn hộ của cha mẹ mình năm ngoái. Người “mẹ trẻ” năm nay mới 14 tuổi, sinh con trong nhà vệ sinh. Cặp đôi không biết phải làm gì ngoại trừ việc vất bỏ đứa con mới sinh.
Đến thời điểm hiện tại, khi người cha bị kết án thì em bé sẽ do mẹ nuôi.
Đây là một trong số rất ít những trường hợp được cho là bị cha mẹ bỏ rơi con cái tại Singapore. Trong gần 9 năm qua, từ 2006 đến 2015, Singapore chỉ phát hiện 21 trường hợp cha mẹ bỏ rơi trẻ sơ sinh.
Người cha trẻ đang chỉ lại vị trí bỏ rơi con mình.
Có người cho rằng, việc trẻ sơ sinh bị bỏ rơi hiếm khi được thông báo trên các phương tiện truyền thông chủ yếu vì các định nghĩa về việc “bị bỏ rơi”. Theo đó, trẻ sơ sinh được cho là bị bỏ rơi là trẻ không thể tìm được cha mẹ sau quá trình điều tra. Khi trẻ được phát hiện là bị bỏ rơi sẽ được đưa đến cảnh sát. Sau quá trình điều tra, nếu không tìm được cha mẹ, trẻ sẽ chính thức được “công nhận” là bị bỏ rơi và đưa đến trại trẻ theo quy định.
Nếu tìm được cha mẹ, tòa án sẽ đánh giá khả năng chăm sóc con cái của phụ huynh. Nếu họ không đủ điều kiện chăm sóc con, em bé sẽ được đưa làm con nuôi.
Lý do thứ hai là nước này áp dụng hình phạt mạnh tay đối với những người bỏ rơi con. Trường hợp trên, người cha mới 18 tuổi đã bị xử phạt 2 năm quản chế vì bỏ rơi con.
Năm 2011, một bé trai sơ sinh bị thắt túi nhựa quanh cổ, chôn trong khu vườn tại Eunos được một người qua đường phát hiện ra. Miệng cậu bé nhét đầy bùn và lá.
Cảnh sát sau đó xác định mẹ bé là một giúp việc người Indonesia, 28 tuổi. Người mẹ bị kết án 6 tuần tù vì bỏ rơi con. Hành vi bỏ rơi trẻ em tại Singapore có thể bị phạt tối đa 7 năm tù.
Một bé trai bị chôn dưới vườn cây tại Singapore. Người mẹ sau đó bị phạt 6 tuần tù.
Lý do thứ ba là việc phá thai tại Singapore vẫn được phép và người mẹ hoàn toàn có thể lựa chọn cách này để bỏ con. Bà Jennifer Heng, Giám đốc Trung tâm Dayspring New Life, cho biết ngoài dịch vụ phá thai, một số cơ sở y tế còn có dịch vụ giúp đỡ phụ nữ không có nhu cầu nuôi con bằng cách liên hệ tìm người nhận con nuôi.
“Người phụ nữ có gia đình, bạn bè, đồng nghiệp,… giúp đỡ khi cần thiết. Họ có thể tìm người nuôi con. Chính vì thế, phụ nữ khó gặp trường hợp bi phẫn đến mức phải bỏ rơi con.” – Bà Heng nói.
Nguồn: Straitstimes