Tại sao phản ứng với vắc- xin: Người thì dữ dội, người lại nhẹ nhàng
Các phản ứng của cơ thể khi tiêm vắc-xin phòng COVID-19 là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên trong thực tế có người lại có phản ứng rầm rộ, trầm trọng, có người lại nhẹ nhàng, thậm chí có người không hề có phản ứng gì.
Để lý giải về các hiện tượng này, phóng viên Báo Sức khỏe & Đời sống đã có cuộc trao đổi với TS.BS. Nguyễn Hữu Trường – Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng Bệnh viện Bạch Mai.
Phóng viên: Tiến sĩ có thể cho biết khi tiêm vắc xin nói chung, vắc xin phòng COVID-19 nói riêng, tại sao có một số người lại gặp phải những phản ứng quá mẫn ở các mức độ khác nhau?
TS.BS. Nguyễn Hữu Trường: Vắc - xin thường gây ra các tác dụng ngoại ý; tuy nhiên, phần lớn các tác dụng ngoại ý sau khi tiêm chủng là hậu quả của phản ứng kích thích miễn dịch đối với vắc - xin, hiếm gặp các phản ứng do căn nguyên dị ứng (còn gọi là phản ứng phản vệ).
Nguy cơ gây phản vệ sau tiêm chủng khác nhau giữa các loại vắc - xin và hiện chưa có thống kê đầy đủ về tỷ lệ phản vệ sau tiêm các loại vắc - xin phòng COVID-19.
Nguyên nhân gây ra các phản ứng này là do cơ thể người được tiêm vì một lý do nào đó bị quá mẫn với ít nhất một thành phần của vắc - xin, có nghĩa là trong cơ thể họ đã có sẵn kháng thể IgE đặc hiệu với các thành phần này. Khi vắc - xin được đưa vào cơ thể sẽ kết hợp với kháng thể đặc hiệu và khởi phát phản ứng dị ứng.
Mức độ của phản ứng dị ứng với vắc xin có thể từ nhẹ, thoáng qua đến nặng hoặc nguy kịch. Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Tuổi của người tiêm, các bệnh lý mắc kèm, mức độ mẫn cảm của cơ thể với tác nhân gây dị ứng... Phản ứng nặng thường xảy ra ở những người lớn tuổi, có mắc kèm các bệnh tim mạch, hô hấp hoặc có cơ địa dị ứng nặng với nhiều dị nguyên khác nhau.
Phóng viên: Thông thường thành phần nào trong vắc-xin sẽ gây dị ứng, thưa tiến sĩ?
TS.BS. Nguyễn Hữu Trường: Các phản ứng dị ứng với vắc - xin nói chung thường do các chất phụ gia, tá dược hoặc thành phần khác trong vắc - xin như chất bảo quản, kháng sinh hoặc các protein tồn dư trong quá trình sản xuất, chứ không phải do chính thành phần có hoạt tính kích thích miễn dịch. Vắc - xin phòng COVID-19 của AstraZeneca sử dụng tá dược polysorbate 80 được cho là yếu tố có nguy cơ gây ra các phản ứng dị ứng của loại vắc - xin này. Tuy nhiên, polysorbate 80 là tá dược được sử dụng trong nhiều loại vắc - xin hiện hành và nguy cơ gây dị ứng của nó cũng rất thấp.
Phóng viên: Được biết sau tiêm người được tiêm phải có phản ứng thì mới tốt, nghĩa là cơ thể đã có phản ứng với vắc - xin để tạo miễn dịch. Vậy đối với những người không có phản ứng sau tiêm thì sao, thưa tiến sĩ?
TS.BS. Nguyễn Hữu Trường: Đáp ứng miễn dịch sau tiêm vắc xin có thể kích thích cơ thể sản xuất ra nhiều loại cytokine, interleukin khác nhau có tác dụng gây ra các biểu hiện như sốt, đau đầu, đau người, sưng nề tại chỗ tiêm… Đây là những phản ứng thông thường có thể gặp sau tiêm vắc - xin, nhưng chỉ xuất hiện ở một số ít người. Tỷ lệ gặp của các phản ứng này thấp hơn rất nhiều lần so với tỷ lệ người được bảo vệ bởi vắc- xin. Điều này cho thấy, không có phản ứng phụ sau tiêm không có nghĩa là vắc - xin không có hiệu quả.
Phóng viên: Thưa tiến sĩ để hạn chế thấp nhất các vấn đề dị ứng khi tiêm vắc - xin phòng COVID-19, chúng ta cần làm gì?
TS.BS. Nguyễn Hữu Trường: Để hạn chế thấp nhất các vấn đề dị ứng khi tiêm, cần lưu ý khai thác kỹ tiền sử dị ứng trước khi tiêm, thận trọng khi chỉ định tiêm cho những người có cơ địa dị ứng với nhiều loại dị nguyên khác nhau. Bên cạnh đó, cần tuân thủ chặt chẽ các hướng dẫn sàng lọc trước tiêm chủng vắc - xin phòng COVID-19 cũng như các hướng dẫn về phòng và xử trí phản vệ theo Thông tư 51/2017/TT-BYT của Bộ Y tế. Những trường hợp có tiền sử dị ứng trước đây nên được tiêm phòng ở các cơ sở y tế có đủ điều kiện cấp cứu phản vệ.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn tiến sĩ!