Tại sao nhiều đứa trẻ bị bạn học "ghét vô cớ": Tâm lý học giải mã 1 bí ẩn, nhiều cha mẹ ngã ngửa
Các nhà tâm lý đã giải mã hiện tượng này!
Năm 2019, đoạn video về vụ bắt nạt học đường tại một trường cấp 2 ở Tân Bắc (Trung Quốc) được công khai trên mạng thu hút sự chú ý. Trong video, hơn mười học sinh vây quanh một nữ sinh, giữ đầu và liên tục tát, buông lời xúc phạm và đe dọa. Những người đứng xem còn chế giễu và cổ vũ như "Khóc rồi", "Đấm mạnh lên", "Tát mạnh hơn một chút".
Theo báo cáo của United Daily News, nữ sinh bị bắt nạt 14 tuổi. Cô bé và 12 người bạn khác đã đến một quán ăn. Em vô tình ném một chiếc bật lửa, khiến nhóm bạn phật lòng, đưa đến sân trường hành hạ.
Video dài gần hai phút, nhưng đối với nạn nhân, đó là quãng thời gian dài nhất trong cuộc đời. Khi xem đoạn tin tức này, những người liên quan trực tiếp, những người từng trải qua hoàn cảnh tương tự, hoặc những người có bạn bè bị bắt nạt, chắc chắn đều cảm thấy khó chịu và lại nhớ về những ký ức không vui.
Không ít người đặt câu hỏi: Tại sao bắt nạt học đường ngày càng xảy ra thường xuyên hơn? Hãy cùng phân tích từ góc độ tâm lý học để hiểu vì sao trường học thường trở thành nơi diễn ra các vụ bắt nạt tập thể.
Hiệu ứng con cừu đen
Chúng ta có thể sử dụng khái niệm tâm lý học "hiệu ứng con cừu đen" để nói về hiện tượng này. Nó chỉ việc một nhóm người bắt nạt một người tốt, và có những người quan sát đứng nhìn mà không can thiệp.
Trong quá trình trưởng thành của mỗi người, chúng ta đều có thể đã từng chứng kiến tình huống tương tự: Có một bạn trong lớp dù không làm gì sai, nhưng lại bị cô lập, dần dần, hành động này lan rộng và càng lúc càng nhiều người tham gia vào. Cuối cùng, nạn nhân bị quy chụp là một kẻ tội đồ, bị ghét bỏ không thương tiếc.
Khái niệm "hiệu ứng con cừu đen" có thể chia ra thành ba nhóm người:
Con cừu đen: Đây là nạn nhân trong câu chuyện. Thường thì người này không hiểu vì sao mình lại bị đối xử như vậy và luôn rơi vào trạng thái vô vọng, không thể thoát khỏi tình huống đó. Chúng như một "vật tế thần", hứng chịu mọi sự đổ lỗi.
Kẻ sát sinh: Đây là nhóm người tấn công con cừu đen. Họ không hiểu rõ chuyện gì đang xảy ra, nhưng vì thấy hành động này có thể giúp họ được chấp nhận trong nhóm nên sẵn sàng tham gia.
Con cừu trắng: Đây là những người chứng kiến sự việc, nhưng không làm gì. Họ đứng im và không can thiệp, vì sợ trở thành mục tiêu tiếp theo.
Khi áp dụng "hiệu ứng con cừu đen" vào các vụ bắt nạt học đường, có thể nhận thấy một số trạng thái tâm lý đặc biệt. Trước tiên, "con cừu đen" thường cảm thấy bối rối và không hiểu mình đã làm gì sai, nhưng không thể thay đổi tình trạng này. Nạn nhân muốn hỏi lý do hoặc muốn thể hiện thiện chí, tuy nhiên, thường không nhận được lời giải thích nào, và những hành động "thân thiện" đó lại càng khiến "kẻ sát sinh" cảm thấy tội lỗi.
Cảm giác tội lỗi này khiến nhóm bắt nạt càng muốn chứng minh rằng "con cừu đen" thực sự là kẻ gây chuyện. Chúng bắt đầu kéo theo người khác tham gia vào cuộc tẩy chay. Cuối cùng, càng nhiều người tham gia vào nhóm "sát sinh", và hiện tượng bắt nạt tập thể diễn ra.
Nguyên nhân gây ra bắt nạt học đường từ góc độ tâm lý học
Nguyên nhân chính gây ra hiện tượng "hiệu ứng con cừu đen" là do sự lo âu trong nhóm, khi mỗi cá nhân đều cố gắng khẳng định mình là người tốt trong mắt mọi người. Kẻ bắt nạt không cảm thấy mình được lợi lộc gì từ hành động này, mà ngược lại, họ còn cảm thấy tội lỗi. Tuy nhiên, vì sợ bị loại bỏ hoặc bị coi là "không đủ tốt", họ bắt đầu kéo thêm người khác vào cuộc tẩy chay.
Điều này đặc biệt rõ ràng trong các môi trường giáo dục, nơi mà những yếu tố như đồng phục, điểm số, và các chuẩn mực xã hội rất quan trọng. Nếu ai đó không đáp ứng những chuẩn mực đó, chẳng hạn như có ngoại hình khác biệt, hoặc tính cách, hành vi không giống với phần còn lại, thì họ dễ dàng trở thành "con cừu đen" trong nhóm.
Ở trường học, những học sinh có vóc dáng không vừa vặn, quá béo, quá gầy, hoặc có ngoại hình, giới tính, hành vi khác biệt với chuẩn mực xã hội thường dễ dàng bị đối xử đặc biệt, thậm chí bị bắt nạt. Điều này xảy ra khi các học sinh sợ bị tẩy chay, lo ngại rằng sự khác biệt của mình sẽ khiến họ bị loại khỏi nhóm, do đó họ sẽ im lặng hoặc tham gia vào hành vi bắt nạt để bảo vệ bản thân.
Cách phòng ngừa và giải quyết bắt nạt học đường
Tuy nhiên, chúng ta có thể nhận thấy rằng "hiệu ứng con cừu đen" muốn chỉ ra một điểm quan trọng: Nạn nhân thực sự không làm gì sai cả. Các vụ bắt nạt thường không có lý do hợp lý, mà là kết quả của sự phát triển tâm lý của nhóm. Những hành động này sẽ kết thúc khi "con cừu đen" bị loại bỏ hoặc bỏ đi. Khi nhìn lại nguyên nhân của sự việc, không ai có thể nói rõ ràng lý do tại sao nạn nhân bị đối xử như vậy.
Ví dụ trong vụ bắt nạt nói trên: Nguyên nhân bắt đầu chỉ là hành động ném bật lửa trong quán karaoke, nhưng mức độ trả thù lại quá mức, khi cô gái phải chịu đựng hơn 30 cái tát. Hiệu ứng con cừu đen cho thấy, hiện tượng này không hề có lý do chính đáng, nhưng lại là sự phát triển của những yếu tố tâm lý rất rõ ràng.
Là cha mẹ, bằng cách hiểu rõ các yếu tố tâm lý tác động đến hành vi này, chúng ta có thể tìm cách ngăn ngừa và giải quyết vấn đề:
Nếu con là "cừu đen" - bị bắt nạt vô cớ: Trong tình huống này, phụ huynh tuyệt đối không nên trách mắng, hay đổ hết tội lên đầu trẻ. Hành động này khiến trẻ nghĩ mọi người đều ghét mình, kể cả gia đình. Sự động viên an ủi con lúc này là cực kỳ cần thiết để con thoải mái chia sẻ nỗi lòng. Khi cảm thấy tủi thân, trẻ rất cần một người đồng điệu và bảo vệ mình.
Hãy để con hiểu rằng con không làm gì sai. Đồng thời, cha mẹ hãy hướng dẫn con cách xây dựng mối quan hệ tốt với bạn bè cùng trường lớp, khuyến khích con tham gia vào các hoạt động tập thể hoặc các khóa học về kỹ năng sống để nâng cao nhận thức, cách xử lý tình huống và bảo vệ bản thân khi buộc phải đối mặt những tình huống xấu.
Nếu con là người quan sát: Nói với con, con có thể lựa chọn không tham gia vào hành động xấu này. Nếu con chưa thấy thoải mái với nhóm nào, không thoải mái với bạn nào thì con không cần phải gồng mình, thay đổi bản thân để được chơi với bạn.
Cách tốt nhất là giáo dục trẻ về hành vi bắt nạt và hậu quả của nó. Bạn đừng ngần ngại nói với con một cách chi tiết, làm cho trẻ hiểu bắt nạt là gì, tại sao nó sai, làm tổn thương người khác như thế nào, tại sao có hành vi bắt nạt... Bạn cũng có thể hỏi trẻ nghĩ gì về kẻ bắt nạt và thảo luận mở với con càng nhiều càng tốt.
Đôi khi, để hòa nhập với nhóm bạn, trẻ có thể bắt chước những hành vi tiêu cực như bắt nạt mà không nhận thức được hậu quả nghiêm trọng. Chúng cho rằng đó là cách thể hiện sự "ngầu". Vì vậy, việc quan tâm đến nhóm bạn của con là điều quan trọng. Bằng cách hiểu rõ về bạn bè của con, cha mẹ có thể phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường và kịp thời can thiệp, ngăn chặn con mình rơi vào những tình huống tiêu cực.