Tại sao người ta thường sửa sang mồ mả vào tháng Chạp?
Việc sửa sang mồ mả vào tháng Chạp là một phong tục lâu đời trong văn hóa của nhiều dân tộc, đặc biệt là ở Việt Nam và các nước Á Đông.
Cứ bước vào tháng âm lịch cuối cùng của một năm, các từ khóa như "tảo mộ", "chạp mả", "thăm mộ", "lễ tiết tháng Chạp", "văn hóa thờ cúng tổ tiên", "ngày đẹp sửa mộ", "văn khấn ngoài mộ" lại được người ta tìm kiếm rất nhiều. Tháng 12 Âm lịch, còn được gọi với cái tên quen thuộc hơn cả là tháng Chạp - tháng cuối cùng của năm.
Chính vì đây là thời điểm mà mọi người dân khắp cả nước chuẩn bị đón Tết Nguyên đán nên các công việc đều rộn ràng, bận bịu hơn nhiều so với các tháng khác. Không ngẫu nhiên người phương Đông lại chọn tháng này để làm tháng cúng tế, thực hiện nhiều nghi lễ cúng bái để cầu mong năm mới an khang, thịnh vượng.
Tháng Chạp cũng là dịp để con cháu bày tỏ lòng biết ơn và tưởng nhớ tổ tiên. Chính vì thế, việc dọn dẹp, sửa sang mồ mả mang ý nghĩa mời "ông bà về ăn Tết" cùng gia đình. Nói cách khác, đây cũng là một nét đẹp văn hóa cổ truyền thể hiện sự chu toàn và tấm lòng thảo hiếu khi chăm sóc phần âm, "uống nước nhớ nguồn" của người Việt.
Chạp mả - Nét đẹp văn hóa tâm linh mang hồn Việt
Nhắc đến Tết Nguyên đán, ta thường nghĩ ngay đến những phong tục truyền thống và những ngày chuẩn bị tất bật cho mùa xuân mới. Còn Tết Thanh minh đầu năm cũng gợi nhắc về ý nghĩa tảo mộ, chăm sóc phần mộ tổ tiên. Thế nhưng, lại không phải ai cũng hiểu sâu sắc tục xưa mang tên chạp mộ.
Chạp mộ, nói đúng hơn, người Việt mình thường gọi là chạp mả, là một truyền thống đã gắn bó với người Việt qua bao thế hệ. Dù làng quê yên ả hay nơi phố thị sầm uất, dù bận rộn đến mấy, khi tháng Chạp về, người ta vẫn dành thời gian để chuẩn bị cho nghi thức này. Các gia đình, dòng họ lại họp nhau, sửa sang mộ phần, làm sạch cây cỏ và thắp nén hương thơm dâng lên tổ tiên. Trong những gia tộc lớn, chạp mả càng được coi trọng hơn, như một sợi dây gắn kết giữa những người còn sống với những người đã khuất.
Nói thêm về tục chạp mả này có khác với tảo mộ một chút. Cùng là sửa sang mộ phần, quét dọn hương khói phần mộ tổ tiên nhưng chạp mả được thực hiện vào tháng Chạp, trước tiết Lập xuân. Còn tục tảo mộ bắt nguồn từ Trung Quốc gắn liền với Lễ Thanh minh được diễn ra vào tháng 3 Âm lịch, tiết khí Thanh minh. Tục tảo mộ của người Trung Quốc còn có hội "đạp thanh" - giẫm lên cỏ xanh, nghĩa chơi xuân. Thế nhưng, với người Việt, tục chạp mả thành kính và thiêng liêng, tập trung vào việc tu sửa, quét dọn mộ phần, không ai rảnh để "đạp thanh" - họa chăng chỉ giẫm lên cỏ khi phát quang chúng mà thôi.
Dù cách gọi là chạp mả hay tảo mộ, thực chất cả hai đều mang ý nghĩa tương đồng về sự tưởng nhớ tổ tiên và gìn giữ truyền thống. Tuy nhiên, mỗi tên gọi lại gợi lên những cảm xúc và hình ảnh riêng. Nhắc đến chạp mả, người ta thường nghĩ ngay đến không khí ấm cúng, bận rộn của tháng Chạp, khi gia đình sum vầy chuẩn bị cho năm mới. Trong khi đó, tảo mộ gợi lên nét thong dong của tiết Thanh minh, khi cỏ non xanh mướt và làn gió xuân mang theo chút se lạnh. Dẫu là thời điểm nào, cả hai đều là dịp để con cháu lặng mình, thành kính tri ân nguồn cội.
Đây không phải là chuyện "phú quý sinh lễ nghĩa" mà là một biểu hiện tự nhiên của lòng hiếu kính. Mỗi người Việt, dù đi đâu về đâu, vẫn luôn mang trong mình dòng máu của quê hương, của quê cha đất tổ. Và cứ thế, những ngày cuối năm không chỉ là thời điểm tổng kết mà còn là lúc tưởng nhớ về cội nguồn, gửi gắm niềm tri ân sâu sắc qua việc chăm chút nơi an nghỉ của người đi trước.
Tháng Chạp trở thành thời điểm lý tưởng để phát quang cỏ dại, sửa sang những mộ phần đã bạc màu theo năm tháng. Không chỉ để chuẩn bị cho một năm mới an lành, mà còn để giữ gìn và truyền lại nét đẹp văn hóa đậm chất tâm linh của người Việt, mà qua đó giá trị gia đình và lòng hiếu đạo được tôn vinh qua từng thế hệ.
Tháng Chạp thường là thời điểm mùa khô ở nhiều vùng, thời tiết ít mưa, khô ráo, thuận lợi cho việc dọn dẹp, cải tạo mồ mả. Các công việc ngoài trời như tu sửa, sơn lại bia mộ, phát quang cây cỏ xung quanh sẽ dễ thực hiện hơn.
Bên cạnh đó, theo quan niệm dân gian, cuối năm là thời điểm kết thúc một chu kỳ cũ, chuẩn bị cho chu kỳ mới. Việc sửa sang mồ mả giúp tạo không gian sạch sẽ, hài hòa, mang lại may mắn và bình an cho gia đình trong năm mới. Ngoài ra, người xưa tin rằng việc chăm sóc mồ mả tổ tiên chu đáo sẽ giúp gia đình được phù hộ độ trì, gặp nhiều thuận lợi trong cuộc sống.
Chạp mả - Nghi thức đánh dấu sự chuyển mình của Tết Nguyên đán
Khi tháng Chạp gõ cửa, không khí Tết đã bắt đầu rộn ràng trong từng nếp nhà. Đây cũng là thời điểm đặc biệt để các gia đình sum họp, cùng nhau chuẩn bị đón một mùa xuân mới. Trong đó, phong tục chạp mả – việc sửa sang, chăm chút mồ mả tổ tiên trở thành nghi thức thiêng liêng, đầy ý nghĩa.
Vào những ngày cuối tháng Chạp, thường là 27 hoặc 28 Âm lịch, các gia đình lại quây quần để quét dọn, thắp nén hương trầm và thành kính “mời gia tiên” về cùng ăn Tết. Với những gia đình thực hiện việc trùng tu hoặc xây mới mộ phần, các công việc này thường bắt đầu từ đầu tháng, khi tiết trời còn se lạnh, khi ấy lòng người thì ấm áp bởi tình thân và đầy hứng khởi vì Tết này gia tiên đã khuất có "nhà mới" khang trang và ấm cúng hơn.
Trước khi các công việc tu sửa được tiến hành, việc họp tộc đã được tổ chức từ trước. Với các dòng họ lớn khi họp ở từ đường nhà tổ, các cụ cao niên trong họ sẽ là người quyết định. Đối với dòng tộc nhiều chi, phái,... cũng theo đó mà phân chia công việc cụ thể. Người già người trẻ, đàn ông phụ nữ đều có những công việc khác nhau để mong sao việc chạp mả được hoàn thành tốt đẹp. Chưa kể, khi việc tu sửa mộ phần thì cỗ bàn cũng rất quan trọng ở trong họ.
Chạp mả không chỉ là một công việc thực tế mà còn là dịp để các thế hệ trong gia đình kết nối sâu sắc hơn. Những câu chuyện về cội nguồn được kể lại, những bài học về lòng hiếu thảo, trách nhiệm với tổ tiên được truyền dạy, tạo nên sợi dây gắn kết bền chặt giữa quá khứ và hiện tại.
Ảnh: Ngô Nhung/VTC News
Hơn cả một phong tục, chạp mả là nét đẹp văn hóa, là cách người Việt gửi gắm tình yêu và lòng tri ân đến tổ tiên, đồng thời thể hiện niềm tự hào và sự trân quý đối với truyền thống dân tộc. Đó là khoảnh khắc mà mỗi người, dù đi xa đến đâu, cũng tìm về bên gia đình, về với cội nguồn để lắng đọng trong hương vị Tết, trong ý nghĩa sâu sắc của tình thân.