Tại sao lại nói: "Con trai lớn cần rời mẹ nhưng con gái lớn không cần rời cha"
Dù người mẹ có yêu thương con trai đến đâu thì cũng phải tuân thủ quy tắc, đừng để tình yêu của mình cản trở sự trưởng thành của con.
Emmy là một diễn viên nổi tiếng ở Thái Lan, cô được mệnh danh là "nữ thần thẩm mỹ" với vòng 1 siêu "khủng", có lượng fan đông đảo trên các mạng xã hội. Tuy nhiên, người đẹp cũng thường gây tranh cãi về cách dạy con, nhất là hành vi thân mật thái quá như hôn miệng con trai, hay bức ảnh ngủ chung giường với các con bị người hâm mộ chỉ trích không phù hợp. Trong một bức ảnh, ba mẹ con ngủ ngon lành cùng nhau, cánh tay đứa trẻ 13 tuổi thậm chí còn ôm ngực mẹ.
Cư dân mạng Thái Lan cho rằng, đối với trẻ khác giới, sau khi trẻ đến một độ tuổi nhất định phải sắp xếp cho trẻ ngủ trong phòng riêng càng sớm càng tốt. Điều này không chỉ vì sức khỏe của trẻ mà còn giúp trẻ phát triển tính cách tự tin, mạnh mẽ.
13 tuổi là lứa tuổi đã có những thay đổi về tâm sinh lý. Nếu hai mẹ con vẫn mãi thế này thì chắc chắn tương lai cuộc hôn nhân của người con trai sẽ gặp vấn đề.
Trong một chương trình truyền hình được phát sóng toàn quốc, Địch Oanh - nữ diễn viên Đài Loan (Trung Quốc) từng tiết lộ, con trai cô đến 11 tuổi mới cai sữa, và hai mẹ con vẫn ngủ cùng nhau tới lúc cậu bé 15 tuổi. Cho tới khi cô phát hiện ra tính chất nghiêm trọng của một số vấn đề phát sinh, cô mới quyết định để con trai ngủ riêng.
Người Trung Quốc xưa có câu "Con trai tránh mẹ, con gái tránh cha". Khi trẻ lớn lên, chúng cần phát triển ý thức về ranh giới vật lý. Nếu trẻ đã lớn tuổi mà vẫn ngủ, tắm chung... với cha mẹ khác giới, có thể khiến trẻ xóa nhòa và hiểu sai về ranh giới của cơ thể...
Nhưng theo ông Wang Shu, một thạc sĩ tâm lý giáo dục Trung Quốc và là cha của hai con, đứng từ góc độ cảm xúc và tính cách thì thực sự "con trai cần tránh mẹ nhưng con gái không cần tránh cha".
Con trai cần phải tránh mẹ để rèn luyện sự nam tính
Có một thuật ngữ là Mama boy, hay mama's boy - chỉ người con trai phụ thuộc, dựa dẫm quá mức vào mẹ, thường bị cho là yếu đuối, kém cỏi. Chẳng hạn như làm việc gì cũng hỏi ý kiến mẹ hoặc thậm chí để mẹ quyết định thay mình, từ chuyện tài chính, sự nghiệp đến các mối quan hệ cá nhân. Theo từ điển Cambridge, họ có thể vẫn còn ở tuổi thanh thiếu niên hoặc đã trưởng thành.
Cha mẹ luôn yêu thương con cái vô điều kiện, chính vì vậy họ cũng muốn chăm chút cho con toàn bộ mọi thứ và mong muốn dành cho con những điều tốt đẹp nhất. Ngoài ra, một phần khác là do cuộc sống hiện nay cũng vô cùng phức tạp, trẻ em luôn là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất, chính vì vậy cha mẹ thường cố gắng hết sức để bao bọc con, mục đích vốn để con tránh xa những cạm bẫy trong cuộc sống.
Tuy nhiên, việc người mẹ bao bọc những cậu con trai của mình quá mức khiến con lớn lên trở nên nhút nhát, mất dần đi sự chủ động, tính quyết đoán - những điểm vốn được xem là ưu điểm mà người đàn ông bản lĩnh cần có để phát triển công danh sự nghiệp sau này. Quá thân với mẹ thì đứa trẻ có thể thiếu nam tính.
Bên cạnh đó, nhiều bà mẹ lo sợ sẽ mất đi sự quan trọng với con, vì thế mà tham gia quá nhiều vào đời sống gia đình con sau này và làm tổn thương hạnh phúc của con mình.
Con gái không cần tránh cha, nhưng...
Các bé gái thường cảm thấy không an toàn và cha là người đàn ông đầu tiên trên thế giới truyền cảm giác an toàn cho họ. Khi con gái bước vào tuổi đi học, người cha càng đóng vai trò quan trọng hơn trong việc phát triển sức khỏe, tâm lý và các mối quan hệ xã hội của con.
Nghiên cứu của Tiến sĩ Brownd, một nhà tâm lý trị liệu gia đình và hôn nhân tại Los Angeles (Mỹ) cho biết: Những cô gái có mối quan hệ gần gũi, thân thiết với bố thường ít căng thẳng, trầm cảm và lo lắng hơn, khả năng chia sẻ cảm xúc của bản thân cũng tốt hơn. Một nghiên cứu khác cũng cho biết các cô gái thân thiết với cha cũng có cơ thể khỏe mạnh và cuộc sống đầy đủ hơn.
Sự phát triển của hoóc môn giới tính lẫn những nhu cầu của con gái khiến mối quan hệ cha con ở độ tuổi dậy thì có phần xa cách hơn. Tuy nhiên, càng ở thời điểm này, các cô gái lại cần cha mình hơn bao giờ hết. Tùy vào tính cách mà cô con gái có thể thích nói chuyện và tâm sự với bố hơn mẹ. Còn trong nhiều gia đình con gái thiếu tình yêu của người cha thì thường rụt rè, nhút nhát, ngại giao tiếp với đàn ông và dễ gặp phải những người đàn ông xấu.
Tuy nhiên, "con gái không cần tránh cha"ở đây chính là nói về mặt tâm lý, cảm xúc, nhưng về thể chất cần có sự tách biệt. Còn "con trai tránh mẹ" không chỉ tránh mẹ về mặt thể chất, mà quan trọng hơn còn phải tách biệt về mặt tâm lý.
Nghiên cứu tâm lý chỉ ra rằng trẻ em có nhận thức về giới khoảng ba tuổi. Khi ý thức về giới nảy mầm trong trẻ, chúng bắt đầu xác định mình là trai hay gái. Từ độ tuổi này cha mẹ cần phải cẩn trọng hơn trong mối quan hệ với con. Khi trẻ lớn lên, cha mẹ tích cực giáo dục giới tính cho con và hình thành nhận thức về ranh giới cơ thể và giới tính. Đây là cách quan trọng nhất để bảo vệ an toàn đối với cả bé trai và bé gái.