Nhiều người trẻ ngại giao tiếp và yêu đương
Lý do có thể là giới trẻ chuyển một phần quá trình xã giao vào thế giới mạng!
"Không cần phải có nhiều bạn bè hay mối quan hệ cũng sống tốt", "Một mình vẫn sống hạnh phúc, không cần thiết phải yêu đương hay kết hôn"...
Đó có lẽ là những câu cửa miệng mà bạn thường nghe từ giới trẻ thời nay.
Không phải không hiểu, mà là không muốn
Tôi sinh sau 1980, đồng nghiệp xung quanh đủ mọi thế hệ, sinh sau 1990 hay 2000 đều có. Song, chúng tôi ít khi giao tiếp với nhau. Họ gặp tôi chỉ lễ phép chào một tiếng.
Tôi có thể hiểu rằng trừ tiếng "chào", họ cũng không muốn nói nhiều hơn, chỉ cố gắng tránh càng xa càng tốt.
Ban đầu, tôi cho rằng họ không hiểu giao tiếp trong xã hội là gì. Mãi đến khi làm việc chung được vài năm, ăn chung không ít bàn tiệc, tôi mới nhận thức được sự thật.
Trong những cuộc vui, nhóm người trẻ này nói chuyện xôn xao, bàn tán hăng say, bày ra bộ mặt khác hẳn khi ở văn phòng làm việc. Từ chơi game cho đến tập gym, từ công việc cho đến việc xem mắt cưới hỏi... Không có gì mà họ không nói được.
Khoảnh khắc đó, tôi đột nhiên bừng tỉnh: Không phải họ không hiểu nguyên tắc xã giao, mà là họ không muốn giao tiếp với bạn.
Vậy nên, chúng ta cần phải thay đổi góc nhìn từ nhiều phương diện khác nhau để hiểu rõ mọi việc hơn. Đồng thời, đừng vì người trẻ không thể "hiểu chuyện" như nhiều người kỳ vọng thì gắn cho họ cái mác "không hiểu xã giao".
Không phải không hiểu, mà là không còn quan trọng
20 năm trước, giao tiếp xã hội và tình yêu là hai cách để con người nhận được "yêu thương và cảm giác tồn tại". Sự nghiệp và gia đình là tiêu chuẩn quan trọng để xác nhận một người có thành công hay không.
Đến nay, những tiêu chuẩn này đã sớm không còn phù hợp.
Bạn thành công không? Bạn sống hạnh phúc không?
Đây là hai câu mà giới trẻ hiện nay luôn "được hoặc bị" hỏi. Tôi tin rằng trong lòng họ đã và đang đưa ra tiêu chuẩn mới: Chắc chắn không cần phải có sự nghiệp và gia đình thì mới hạnh phúc.
Vậy thì giới trẻ không còn cần "yêu thương và cảm giác tồn tại"? Đương nhiên vẫn có. Chỉ là nó không còn quan trọng. Họ càng quan tâm hơn đến "tôn trọng" và "cái tôi", muốn theo đuổi những điều ý nghĩa trong cuộc sống.
Tôi có một cậu đồng nghiệp sinh năm 1995, trong công việc rất ít nói, luôn khách sáo và giữ khoảng cách với đồng nghiệp khác.
Thế nhưng phải công nhận, cuộc sống đời thường của cậu vô cùng đặc sắc, muôn màu muôn vẻ.
Cậu ấy thích xe mô tô phân phối lớn và chỉnh sửa video. Tan ca, cậu vừa lái xe mô tô vừa quay video, ghi lại những gì tai nghe mắt thấy trên lộ trình rồi chỉnh sửa và cắt ghép thành clip hoàn chỉnh, đăng tải lên mạng xã hội. Mấy năm trôi qua, kênh tài khoản đã thu hút gần 100 nghìn người theo dõi.
Cuối tuần, cậu còn mang lều và dụng cụ câu cá chạy xe ra khu vực ngoại ô cắm trại 2 ngày 1 đêm.
Cậu cũng muốn yêu đương, cũng muốn đi xem mắt, nhưng sẽ không vì việc không tìm thấy đối tượng mà buồn rầu, càng không để những chuyện đó ảnh hưởng đến thú vui trong cuộc sống.
Trong lòng cậu trai trẻ sinh năm 1995 này, được theo đuổi sở thích, làm những chuyện mình đam mê luôn quan trọng hơn xã giao và tình yêu. Vì khi đó, cậu được thỏa mãn bởi "tôn trọng" và "cái tôi".
Không phải người trẻ không hiểu, mà chính bạn mới không hiểu giới trẻ
Thanh niên trẻ trong mắt bạn là "kiệm lời, quan hệ xã hội nhỏ hẹp, cuộc sống lười biếng, chỉ thích nhốt mình trong nhà, không biết chủ động mở rộng các mối quan hệ". Thật ra, họ chuyển một phần quá trình xã giao vào thế giới mạng mà thôi!
Những người trẻ "lầm lầm lì lì" kia lại vô cùng hoạt bát, sống năng nổ khiến bạn không thể nào tưởng tượng được trên các ứng dụng mạng xã hội, thậm chí là trò chơi điện tử.
Qua đó cho thấy, "yêu thương và cảm giác tồn tại" của giới trẻ được thỏa mãn trực tiếp trên mạng xã hội.
Trong nhận thức của mỗi chúng ta đều có định nghĩa về xã giao và tình yêu riêng. Nhưng nếu muốn thấu hiểu người khác, bạn phải biết buông bỏ thành kiến, dùng sự hiếu kỳ và ánh mắt khách quan để khám phá. Quá trình này giống như phát hiện ra lục địa mới, giúp bạn mở mang tầm mắt.
(Nguồn: Zhihu)