Tại sao cùng mắc bệnh ung thư, có người sống được hàng chục năm, có người lại ra đi sau vài tháng? Hóa ra phụ thuộc vào 4 yếu tố này!
Nhiều người thắc mắc điều gì có thể quyết định thời gian sống còn lại của những bệnh nhân ung thư? Câu trả lời chính là 4 yếu tố dưới đây.
Ung thư là một trong những căn bệnh chiếm tỷ lệ tử vong cao, tuy nhiên không phải bệnh nhân nào mắc ung thư cũng có thời gian tử vong giống hệt nhau, có người ra đi sau vài tháng phát hiện ra bệnh, nhưng cũng không ít người có thể sống hạnh phúc, vui vẻ đến vài chục năm sau.
Ví dụ có thể nói đến phát thanh viên kiêm người dẫn chương trình nổi tiếng Trung Quốc, Zhao Zhongxiang. Ông được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vào cuối năm 2019 và qua đời vào tháng 1 năm 2020, chỉ sau vài tháng mắc bệnh.
Cũng mắc ung thư, nhưng bà Tống Mỹ Linh (vợ của ông Tưởng Giới Thạch) vẫn có thể sống thọ đến 106 tuổi.
Vậy điều gì đã quyết định thời gian sống còn lại của những bệnh nhân ung thư? Câu trả lời chính là 4 yếu tố dưới đây.
1. Loại ung thư mà bệnh nhân mắc
Bác sĩ Hu Yang đến từ Khoa Hô hấp, Bệnh viện Phổi Thượng Hải cho biết, các căn bệnh như ung thư tuyến giáp, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư vú, ung thư hạch... cho dù phát hiện bệnh ở giai đoạn nặng thì việc hóa trị, điều trị nội tiết vẫn có thể kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân. Ngược lại với ung thư gan, ung thư dạ dày, thực quản, tuyến tụy... nếu phát hiện ra bệnh ở giai đoạn cuối thì thời gian sống sót tương đối ngắn, thậm chí chỉ vài tháng.
Có thể thấy, "loại tế bào ung thư" là yếu tố quan trọng nhất quyết định đến khả năng sống sót của bệnh nhân.
2. Thời điểm ung thư được phát hiện
Việc phân loại giai đoạn ung thư thường chỉ được thực hiện sau khi bệnh nhân chẩn đoán ra bệnh. Giai đoạn càng muộn thì tình trạng bệnh càng nghiêm trọng. Tuy nhiên, ung thư giai đoạn đầu thường khó nhận diện, nên thời gian phát hiện ung thư của mỗi người là khác nhau và xác suất điều trị bệnh cũng khác nhau.
Một số loại ung thư mà bệnh nhân vẫn có khả năng sống cao, không ảnh hưởng tới tuổi thọ nếu được phát hiện sớm là:
- Tỷ lệ sống sót sau 5 năm của bệnh nhân ung thư vú ở giai đoạn sớm khá cao, tỉ lệ là 99% hoặc thậm chí là 100%.
- Ung thư tuyến giáp cũng là một loại ung thư di căn chậm và tỷ lệ sống sót sau 5 năm của nó có thể lên tới 98%.
- Ung thư tuyến tiền liệt là một loại ung thư có tỷ lệ chữa khỏi cao và tỷ lệ sống sót sau 5 năm có thể đạt tới 99%.
- Những bệnh nhân mắc ung thư da có thể sống thêm 5 năm sau khi được chẩn đoán sớm là 91,5%.
3. Phương pháp điều trị của bệnh nhân
Cùng là bệnh ung thư nhưng kết quả điều trị của các phương pháp thường khác nhau.
Ngoài phẫu thuật truyền thống (xạ trị và hóa trị), y học hiện đại còn có liệu pháp nhắm trúng đích và liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư. Nếu may mắn, liệu pháp nhắm trúng đích sẽ có hiệu quả với cả những bệnh nhân nặng và kéo dài thời gian sống của họ lên trên 5 năm.
Ngược lại, nhiều bệnh nhân lựa chọn các phương pháp thiếu khoa học như thực dưỡng, đắp lá... khiến bệnh tiến triển nhanh hơn và rút ngắn thời gian sống.
4. Tâm lý bệnh nhân trong quá trình điều trị
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm Việt Nam có khoảng 95.000 bệnh nhân chết vì ung thư, trong đó 80% bị sụt cân, 30% chết vì suy kiệt trước khi qua đời do khối u. Chính vì thế, tâm lý trong điều trị ung thư rất quan trọng.
Nhiều bệnh nhân khi bị chẩn đoán mắc ung thư sẽ đối diện với sự khủng hoảng về tâm lý, bệnh nhân sẽ sợ hãi về thời gian sống, khả năng điều trị... Sự chán nản này gây chán ăn, thiếu hụt dinh dưỡng, không còn tinh thần để theo đuổi phác đồ điều trị bệnh do bác sĩ đặt ra. Vì vậy, tâm lý là một yếu tố quyết định rất lớn đến thời gian sống của người bệnh.
Để ngừa ung thư, hãy lắng nghe những tín hiệu từ cơ thể
“Phát hiện sớm, chữa khỏi sớm” là 6 chữ vàng trong điều trị ung thư. Chỉ những người biết lắng nghe những tín hiệu từ cơ thể thì mới có thể sớm phát hiện ra bệnh.
- Giảm cân không rõ nguyên nhân: Cân nặng giảm mạnh trong thời gian ngắn thường là dấu hiệu đầu tiên của bệnh ung thư. Những biểu hiện như vậy thường gặp ở bệnh nhân ung thư vú, phổi, gan và ung thư ruột. Nếu giảm 10% cân nặng trong thời gian ngắn, không rõ nguyên nhân bạn nên đi khám kịp thời.
- Sốt hoặc nhiễm trùng thường xuyên: Khi các tế bào ung thư xâm nhập vào cơ thể, sức đề kháng sẽ suy giảm khiến con người dễ bị nhiễm trùng và gây sốt. Sốt dai dẳng không rõ nguyên nhân có thể là dấu hiệu của các bệnh ung thư như ung thư hạch.
- Ho mãn tính và đau ngực: Các triệu chứng ho hoặc viêm phế quản có thể là triệu chứng của bệnh bạch cầu và ung thư phổi. Cảm giác đau ngực cũng có thể ảnh hưởng đến vai và cánh tay, kéo dài hơn 6 tuần có thể là ung thư vòm họng, tuyến giáp, thực quản...
- Các vấn đề về đường ruột: Bệnh nhân ung thư ruột sẽ đi đại tiện thường xuyên và có cảm giác không sạch sẽ. Phân màu trắng và có mùi hôi có thể là do ung thư tuyến tụy giai đoạn đầu.
- Thay đổi rõ rệt của nốt ruồi: Nếu da bạn xuất hiện nhiều nốt ruồi mới, những nốt ruồi này thay đổi về kích cỡ, màu sắc... đề phòng có thể có biểu hiện ung thư da.
(T/h)