Tại sao con đã đánh răng hàng ngày mà vẫn bị sún răng: Bí mật nằm ở đâu?
Việc đánh răng hàng ngày là rất quan trọng, nhưng chưa đủ để bảo vệ răng miệng của trẻ một cách toàn diện.
"Tại sao tôi đánh răng cho con hàng ngày mà con vẫn bị sún răng?".
"Con em chỉ đánh răng buổi sáng, buổi tối thì súc miệng, vậy mà đến 3 tuổi con vẫn bị sún răng, có dấu hiệu sâu răng. Vậy là nguyên nhân do đâu?".
"Em đã đổi các loại kem đánh răng cho con từ hồi con 1 tuổi mà răng con vẫn bị đen. Có phải con bị sún răng rồi không".
"Các mẹ ơi, bé nhà em bị sâu răng sớm, vàng chân răng từ lúc 15 tháng, giờ gần 3 tuổi mà sâu răng rồi. Có hôm con đau mà không biết làm thế nào để con đỡ"...
Đó là những câu hỏi, chia sẻ mà nhiều mẹ dễ dàng bắt gặp khi vào các nhóm về chăm sóc răng cho con.
Có thể thấy, con bị sún răng dù chăm chỉ đánh răng hàng ngày là tình trạng phổ biến chung. Điều này khiến các bậc cha mẹ vô cùng lo lắng và băn khoăn không biết nguyên nhân từ đâu. Thực tế, việc đánh răng hàng ngày là rất quan trọng, nhưng chưa đủ để bảo vệ răng miệng của trẻ một cách toàn diện.
Mảng bám - Kẻ thù số một của răng sữa
Sâu răng, sún răng là một trong những vấn đề sức khỏe phổ biến nhất ở trẻ em. Nó xảy ra khi vi khuẩn trong miệng phân hủy đường từ thức ăn, tạo ra axit tấn công men răng. Nhưng mẹ có biết, mảng bám mới chính là thủ phạm gây ra sâu răng ở trẻ cho dù con vẫn đánh răng hàng ngày. Tại sao vậy?
Mảng bám là một lớp màng dính, mềm, màu trắng đục hình thành trên bề mặt răng, đặc biệt là ở những nơi mà bàn chải đánh răng khó tiếp cận. Mảng bám chính là môi trường lý tưởng "nuôi" vi khuẩn và để chúng phát triển. Chính vì thế, mảng bám chứa rất nhiều vi khuẩn, chúng sẽ tiết ra axit ăn mòn men răng, từ đó cũng góp phần gây ra sâu răng.
Đặc biệt, khi mảng bám cứng lại thành cao răng, việc loại bỏ nó bằng cách đánh răng thường xuyên trở nên khó khăn hơn, từ đó tốc độ sâu răng càng tăng.
Có 2 yếu tố làm tăng mảng bám, cha mẹ cần nắm được để biết cách phòng ngừa sâu sún và chăm sóc răng cho con thật tốt.
1. Vệ sinh răng không đúng cách
Chỉ đánh răng chưa chắc đã loại bỏ được hết mảng bám và vi khuẩn bám trên răng bởi có những nơi bàn chải đánh răng không tới được. Điều này làm tăng đáng kể nguy cơ sâu răng, đặc biệt là ở trẻ em, bởi trẻ em không hiểu hết tầm quan trọng của việc vệ sinh răng miệng đúng cách cũng như chưa biết đánh răng đúng cách.
2. Chế độ ăn nhiều đường và lựa chọn thực phẩm kém
Thức ăn có đường và tinh bột được coi là thủ phạm chính góp phần làm tăng nguy cơ sâu sún răng ở trẻ. Trẻ nhỏ rất thích ăn những thức ăn như kẹo, soda hoặc thậm chí là nước trái cây. Những món này sẽ cung cấp nguồn thức ăn cho vi khuẩn có hại. Chúng sẽ sản sinh ra axit làm mòn men răng, dẫn đến sâu răng, đặc biệt là giữa răng và đường viền nướu. Tiếp xúc thường xuyên với những thức ăn có đường này sẽ gây sâu răng nhanh chóng.
Bảo vệ răng sữa của bé: Những điều mẹ cần làm được
Răng sữa không chỉ quan trọng cho việc ăn nhai mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của hàm răng vĩnh viễn sau này. Vì vậy, việc chăm sóc răng miệng cho bé từ nhỏ là vô cùng cần thiết. Dưới đây là những điều mẹ cần làm để phòng ngừa sâu răng và sún răng cho con:
- Loại bỏ mảng bám bằng cách vệ sinh răng miệng đúng cách
Việc đánh răng hàng ngày là rất quan trọng, nhưng để bảo vệ răng miệng của con một cách toàn diện, cha mẹ cần biết cách vệ sinh cho con sao cho đúng. Vệ sinh răng miệng được coi là hiệu quả khi mẹ loại bỏ được mảng bám trên răng của con. Muốn vậy, trước tiên mẹ cần phải làm sạch răng, loại bỏ thức ăn thừa, mảng bám, sau đó dùng đến các biện pháp như xịt hay súc miệng thì mới đem lại hiệu quả cao. Nếu không làm sạch mảng bám thì việc xịt rửa hay đánh răng cũng khó có thể bảo vệ khỏi sâu sún răng.
Hãy biến việc chăm sóc răng miệng trở thành một thói quen hàng ngày của cả gia đình để phòng ngừa sâu sún cũng như các bệnh khác.
- Có chế độ ăn uống khoa học
Đường là nguyên nhân chính gây sâu răng. Vì vậy, mẹ nên hạn chế cho trẻ ăn quá nhiều đồ ngọt, kẹo, bánh kẹo. Mẹ hãy chú ý cho con uống đủ nước, ăn thêm rau củ chứa nhiều chất xơ để giúp làm sạch răng và cung cấp các vitamin, khoáng chất tốt cho răng.
- Khám răng định kỳ
Mỗi 6 tháng/lần, mẹ nên đưa con đi khám răng định kỳ để nha sĩ kiểm tra tình trạng răng miệng và phát hiện sớm các vấn đề nếu có.
Việc chăm sóc răng miệng cho bé từ nhỏ là một quá trình lâu dài và đòi hỏi sự kiên trì của cả gia đình. Hiểu đúng bản chất của sức khỏe răng miệng, cộng với thực hiện đúng những lời khuyên về chăm sóc răng, mẹ có thể dễ dàng giúp bé có một hàm răng khỏe mạnh và một nụ cười tươi tắn.