Tại sao các ông chồng hay im lặng?
Người vợ thường hiểu lầm sự im lặng của chồng va họ tưởng tượng ra những điều tồi tệ hơn: “Anh ta không yêu mình. Mình chẳng là gì đối với anh ta cả”. Sự thật có phải vậy?
Đàn ông rất hay đột nhiên im lặng và điều này rất khó hiểu đối với phụ nữ. Bởi vì phụ nữ không như thế. Nhiều thực nghiệm cho thấy, khi có vấn đề, phụ nữ thường thích chia sẻ quá trình suy nghĩ của mình với một người nghe hợp với mình. Chính việc để cho dòng suy nghĩ của mình tuôn ra qua lời nói, phụ nữ sẽ khám phá ra mình muốn gì và tình cảm của mình ra sao. Nhưng quá trình xử lý thông tin của đàn ông lại khác. Công trình nghiên cứu của nhà tâm lý học người Mỹ, John Gray, một chuyên gia hàng đầu về quan hệ vợ chồng ở nước này phát hiện, trước khi người chồng nói, hay có phản ứng gì, họ thường lặng lẽ suy nghĩ, xem xét, tìm tòi một giải pháp hợp lý nhất. Những phương án đó thường hình thành trong đầu rồi mới bộc lộ. Quá trình suy nghĩ này có thể vài phút hoặc vài giờ. Và nếu vẫn không có đủ dữ liệu để đưa ra cách giải quyết, người đàn ông sẽ lầm lì, không có phản ứng gì cả. Chính điều này làm phụ nữ hoang mang, bối rối. Nhiều người vợ thấy chồng rơi vào tình trạng như vậy thường băn khoăn: “Tại sao anh cứ ngồi im như thế? Anh đang suy nghĩ gì?”. Thấy chồng tiếp tục im lặng là vì chưa biết phải nói gì, phụ nữ lại hiểu sự im lặng này là: “Tôi không muốn nói với cô vì tôi không cần quan tâm đến cô nữa, hoặc là - Cô thì biết gì?”
Sở dĩ phụ nữ nghĩ như vậy vì họ suy từ mình ra. Một khi phụ nữ đã im lặng là một điều tồi tệ. Cò thể người vợ đó cảm thấy chán ngán chồng, không muốn nói chuyện với người chồng mà họ không còn tin tưởng nữa. Thậm chí lúc đó, họ muốn cắt đứt các mối quan hệ với anh ta. Vì thế không có gì là lạ khi người vợ hoang mang vì chồng mình không nói gì.
Cho nên, nếu không nắm được đặc điểm tâm lý giới tính của đàn ông, sẽ không bao giờ bạn hiểu được chồng và sẽ có những phản ứng không phù hợp. John Gray cho rằng, sở dĩ đàn ông ít bộc lộ nỗi niềm hơn phụ nữ là do “gien di truyền” từ hàng vạn năm trước để lại.
Một lý do nữa khiến đàn ông không thích nói ra miệng những suy nghĩ của mình là vì không phải lúc nào họ cũng tìm ra được giải pháp. Và lúc ấy không ai lại nói: “Tôi chưa tìm ra giải pháp. Tôi cần suy nghĩ thêm”. Càng suy nghĩ căng thẳng đàn ông càng im lặng. Khi họ nói tức là họ đó nghĩ ra được cách tháo gỡ vấn đề. Điều này thể hiện rất rõ ngay ở trong các trường phổ thông. Khi cô giáo nêu câu hỏi, những học sinh nào hay giơ tay trả lời trước? Đó chính là các em nữ. Có khi cô giáo vừa nói xong đã có hàng chục cánh tay giơ lên, phần lớn số đó là nữ. Có em trả lời đến nửa chừng thì tắc chỉ vì chưa nghĩ xong đã nói. Học sinh nam thường giơ tay chậm hơn nhưng họ thường đưa ra được câu trả lời đầy đủ hơn.
Trong gia đình thường xảy ra tình huống sau đây. Thấy chồng có vẻ đăm chiêu, người vợ hỏi: “Có chuyện gì thế anh?”. Chồng trả lời: “Không có chuyện gì cả!”. Nhưng người vợ cảm thấy rõ ràng chồng mình không được ổn về mặt tinh thần. Cô không hiểu tại sao anh ta lại giấu diếm tình cảm? Vì thế lẽ ra nên để chồng giải quyết mọi chuyện trong đầu, người vợ lại làm gián đoạn suy nghĩ của anh ta: “Chắc chắn anh đang bận tâm về chuyện gì đó. Chuyện gì thế anh?”
Người chồng vẫn một mực: “Chẳng có chuyện gì cả”. Và người vợ càng gặng thêm: “Không có chuyện gì mà trông anh lại thế kia?” Người chồng bắt đầu bực mình: “Nghe này, anh chẳng làm sao cả. Hãy để anh được yên”. Nhưng vợ cũng bực mình: “Tại sao anh có thể đối xử với em như thế? Em không phải là vợ anh à?”. Không ít trường hợp, sự kiên nhẫn của người chồng có hạn, anh ta bật núó ra những điều mà có thể sau này phải hối hận. Thành thử, người vợ bị tổn thương chỉ vì họ vô tình xâm phạm vào “thế giới riêng” của chồng, vì họ hiểu lầm chồng, họ nghĩ là chồng không còn tin yêu mình nữa.
John Gray dựng hình ảnh “người đàn ông đi vào trong cái hang của mình” để nói về thói quen muốn ẩn mình vào “thế giới riêng” của họ. Ông cho rằng, người vợ càng muốn chồng chóng trở lại với mình thì anh ta lại nằm lì trong “cái hang” đó càng lâu. Anh ta sẽ không ra khỏi hang nếu cảm thấy vợ phản đối việc mình ở trong đó, ngay cả khi anh ta đang định ra. Khi người đàn ông muốn ở một mình là lúc anh ta bị sức ép về tâm lý hoặc bị tổn thương vì một lý do nào đó và đang tìm cách giải quyết vấn đề của mình. John Gray khuyên, trong tình huống đó, những người vợ khôn ngoan nên:
Thứ nhất, không phản đối nhu cầu cần được ở một mình của chồng. Không cố gắng giúp đỡ chồng giải quyết vấn đề bằng cách đưa ra những lời khuyên này nọ. Không cố gắng quan tâm đến chồng bằng cách hỏi han về những cảm nghĩ của anh ta lúc đó. Không cố ở bên anh ta để chờ người chồng trở về trạng thái bình thường. Không tỏ thái độ lo lắng hay thương hại anh ta. Và tốt hơn hết hãy đi làm việc gì mà mình thích chứ đừng biến anh ta thành nguồn vui duy nhất của bạn.
Thứ hai, khi người đàn ông rút vào “thế giới riêng” của họ, người bạn đời của anh ta đừng biểu lộ thái độ lo lắng mà cứ bình thường, vui vẻ, để mặc anh ta được ở trong “cái hang” của mình đến lúc nào anh ta muốn ra thì ra, không nên tỏ ra bồn chồn, âu sầu, giục giã, căn vặn thì như thế chính là đã giúp đỡ anh ta nhiều lắm. Tiếc thay, đa số các bà vợ lúc ấy thường hỏi han cặn kẽ về tình cảm của anh ta và nghĩ rằng anh chịu lắng nghe mình an ủi thì sẽ khá hơn. Nhưng điều đó chỉ làm đàn ông thêm bực mình. Thực ra, theo bản năng, phụ nữ muốn giúp đỡ đàn ông theo cách mà họ muốn được người khác giúp đỡ họ. Ý định của họ thì tốt nhưng kết quả thường ngược lại.