Tại sao anh ấy yêu bồ già hơn vợ trẻ?
Đa số chúng ta đều đổ lỗi rất nhiều cho những người “ăn nem”, “ăn chả” nhưng mấy ai có đủ bình tĩnh, sáng suốt để hiểu rõ nội tình và có những nhận xét xác đáng nhất.
Ngập ngừng và có phần hơi ngượng nhưng cuối cùng Vinh cũng trải lòng mình cùng chuyên viên tư vấn. Thắc mắc của anh hơi lạ nhưng đôi khi lại mở ra một hướng nhìn mới cho những người đang “trong cuộc”. Đó là: "Tại sao tôi yêu bồ hơn vợ?".
Học thức và chững chạc, làm tại một công ty nhà nước lớn, Vinh là một người được đánh giá cao về năng lực ở công ty. Còn trong xã hội, bạn bè, người thân ai cũng đánh giá cao anh là một người cha, người chồng mẫu mực. Đứa con đầu được 2 tuổi, vợ anh khăn gói lên đường du học lấy tấm bằng thạc sĩ 2 năm. Một mình anh ở nhà chăm con. Nhìn thằng cu đẹp như tranh vẽ, ai cũng hết lời ca ngợi người bố mẫu mực và chỉn chu.
|
Năm đầu vợ đi, anh cũng thấy bình thường, nhưng đến năm thứ hai thì anh bắt đầu thấy trống trải. Việc gì đến cũng đến, anh cặp với Hằng, mẹ của một cậu bé cùng lớp mẫu giáo với con anh. Hằng hơn anh đến 5 tuổi nên đi đâu anh cũng bị bọn bạn trêu về chuyện lái máy bay bà già. Có lần anh đưa Hằng đi nhậu cùng hội bạn, một cậu buột miệng nói "lái máy bay bà già là khó nhất". Thế là Hằng đùng đùng bắt anh đưa về, cô bị chạm tự ái. Hơn tuổi, không sắc nước hương trời gì nên Hằng bị hội bạn của Hùng hay trêu. Họ chẳng hiểu sao anh lại dính vào cô như thế, vợ anh hơn đứt ngàn lần.
Ai nói gì thì anh cũng mặc kệ, vì anh nghĩ mình chỉ đơn giản “giao lưu” cho nó giải tỏa cảm giác xa vợ, chứ có phải sống cả đời với nhau đâu mà lo.
Vợ về nước, cuộc sống lại trở lại như trước nhưng Vinh vẫn giữ mối quan hệ ngoài luồng kia. "Chả tội gì", anh nghĩ. Hằng cũng không so đo, mè nheo gì vì cô cũng có gia đình của mình. Cả hai đều biết họ chả có gì khúc mắc ở gia đình nên chẳng có cớ gì để mất nó. Cứ đều đều, hai người gặp nhau hàng ngày, cà phê, ăn trưa, tuần một hai lần khách sạn cho đỡ nhớ.
Cuộc sống cứ thế trôi. Vinh có thêm đứa con gái. Hằng có thêm thằng cu con nữa. Gia đình hai bên đều đầm ấm và mối quan hệ của họ vẫn đều đặn như cả mấy năm qua.
Nhưng nhiều lúc, Vinh thấy mâu thuẫn kinh khủng. Anh cảm thấy có lỗi với gia đình, không phải vì mối quan hệ ngoài luồng của mình, mà lại là do anh cảm thấy yêu bồ hơn vợ. Anh muốn nhưng không hiểu và cũng không thể đối xử với vợ như với Hằng. Lúc vợ chồng cãi nhau, anh chỉ muốn tung hê tất cả nhưng lúc Hằng hoạch họe, anh lại cum cúp thực hiện. Vợ anh vừa học thức, vừa xinh đẹp, trẻ trung vậy mà cũng không làm anh yêu bằng cô bồ già.
Thực hiện xuất sắc trách nhiệm của người chồng, người cha nhưng ẩn ức trong anh ham muốn hơn nữa có được tình cảm mạnh mẽ hơn với vợ mà dường như không thể.
Trong con người chúng ta có thể nói luôn có hai phần: phần vô thức và phần ý thức. Cả hai phần này đều cần được thỏa mãn thì chúng ta mới đạt được sự cân bằng. Ý thức là phần dễ thỏa mãn vì nhiều lúc chúng ta quy định được nó. Nhưng vô thức là phần khó kiểm soát và chế ngự. Trong mọi trường hợp, ít khi hai cá thể có thể thực sự tạo nên sự hòa hợp vì họ từ hai nền văn hóa khác gộp lại với nhau.
Sự khác biệt văn hóa sẽ tạo ra những va chạm trong gia đình, chính những va chạm này sẽ tác động và làm phần vô thức không được thỏa mãn do quy định của ý thức. Trong mối quan hệ bên ngoài, chúng ta lại giải tỏa được những ẩn ức của vô thức. Vì đơn giản trong mối quan hệ đó, chúng ta không quan tâm nhiều hoặc có thể bỏ qua dễ dàng những tật xấu mà chúng ta lại không thể bỏ qua trong gia đình. Chính vì phần vô thức được thỏa mãn nên khi ý thức khiến ta cảm thấy có lỗi nhưng chúng ta không sửa đổi được để dẫn đến cảm thấy nhiều khi thích thú mối quan hệ ngoài luồng hơn.
"Để tránh bước vào những mối quan hệ ngoài luồng cũng như tránh tâm lý so sánh, thích mối quan hệ bên ngoài hơn nếu chẳng may ai đó đang là người trong cuộc, điều cần thiết là giải tỏa những ẩn ức của chính mình qua việc trao đổi với người bạn đời của mình. Tuy nhiên, đây cũng không phải điều dễ dàng, vì không phải ai cũng dễ dàng chấp nhận và thay đổi những điều không hay của bản thân, kể cả khi họ nhận thức được điều đó. Cố gắng và tìm những cách đi thích hợp, đó là điều cần thiết thứ hai để bạn thành công", chị Phạm Thị Lan, chuyên gia tư vấn tâm lý gia đình thuộc công ty tư vấn tâm lý An Việt Sơn đưa ra ý kiến.