Tai nạn hóc dị vật quá nguy hiểm: Bé 4 tuổi suýt chết vì bị lò xo đồ chơi bật vào miệng
Trong lúc ngồi chơi tại nhà, bé H. (4 tuổi) mở quả trứng đồ chơi khiến lò xo bật vào miệng gây khó thở, tím tái nguy kịch.
Bé H. (ngụ tại huyện Củ Chi, TP.HCM) lập tức được người nhà đưa đến cấp cứu tại một bệnh viện địa phương để cấp cứu hóc dị vật.
Qua thăm khám, chụp X-quang, các bác sĩ phát hiện bé có dị vật nằm ở khí quản phải nên nhanh chóng chuyển bé đến phòng nội soi cấp cứu.
Tại Trung tâm nội soi, kíp điều trị đã gắp thành công dị vật cho bé bằng dụng cụ chuyên dụng. Dị vật là một đoạn lò xo bằng kim loại, có kích thước khá lớn lại nằm trong khí quản của bệnh nhi nhỏ tuổi nên rất nguy hiểm.
Chiếc lò xo hiện rõ trên phim chụp X-quang. (Ảnh: BVCC)
Dị vật được lấy ra hết sức cẩn thận và cũng đầy thử thách do nó nằm sâu, lại kẹt trong khí quản. Hiện bé đã tỉnh táo và không còn cảm giác đau, buồn nôn hay khó chịu nữa.
Theo các bác, hóc dị vật ở trẻ cũng là cấp cứu thường xuyên. Do trẻ nhỏ có tính hiếu động, tò mò nên các bậc phụ huynh cần đặc biệt chú ý không để trẻ chơi các đồ chơi nhỏ, sắc nhọn, các vật dễ nuốt như: pin, đồng xu, viên bi, các vật có hóa chất độc hại,...
Bác sĩ tiến hành lấy dị vật. (Ảnh: BVCC)
Đồng thời nhà có trẻ nhỏ cần thường xuyên được giám sát, không để trẻ chơi một mình.
Từ đầu năm 2019 đến nay, tại Trung tâm Nội soi của bệnh viện trên đã tiến hành nội soi cấp cứu lấy hơn 30 trường hợp hóc dị vật phức tạp cho các bệnh nhân trong tình trạng đe dọa tính mạng.
Trước đó vào đầu tháng 3/2019, một bệnh viện nhi đồng tại TP.HCM cũng cứu sống bé 11 tháng tuổi nguy kịch vì có dị vật là một miếng nhựa trên chiếc lục lạc đồ chơi nằm trong phế quản.
Dị vật sau khi lấy ra. (Ảnh: BVCC)
Một số lưu ý khi cho con chơi đồ chơi các mẹ nên lưu ý:
- Luôn luôn giữ đồ chơi trên kệ hoặc trong một tủ đồ chơi riêng của trẻ: Đồ chơi của trẻ không nên để rải rác khắp nhà và sàn nhà vì chúng có thể vô tình khiến con bạn bị vấp ngã hoặc không thể bước qua khi đi lại hàng ngày đấy.
Nếu như khi trẻ bỏ đồ chơi ra chơi xong, cách tốt nhất là bạn nên rèn cho trẻ ý thức nhặt nhạnh và gom hết các đồ chơi để vào đúng vị trí cần để.
- Nên chọn những đồ chơi phù hợp với lứa tuổi của trẻ: Nếu trẻ nhà bạn vẫn còn quá nhỏ thì một món đồ chơi được thiết kế cho một đứa trẻ lớn tuổi nên được giữ cách xa tầm tay trẻ vì những đứa trẻ thường rất tò mò, chúng có thể bất chợt khám phá ngay cả khi chưa được sự cho phép của bạn. Mà điều này thực tế có thể gây nguy hiểm cho bé nhà bạn khi chơi những đồ chơi không hợp với lứa tuổi của mình.
- Chọn đồ chơi một cách khôn ngoan: Các đồ chơi an toàn nhất là những những đồ chơi không có nắp đậy. Nếu có nắp đậy hãy chắc chắn chiếc nắp này chắc chắn, với sự hỗ trợ của khóa và bản lề an toàn. Hãy tìm các đồ chơi mịn, không có nhiều cạnh sắc và có các lỗ thông gió để tránh nghẹt thở nếu như con bạn sơ sẩy bị mắc kẹt bên trong.