Tai nạn đuối nước cướp đi sinh mạng 2.000 trẻ em Việt mỗi năm, cao gấp 10 lần các nước phát triển

Lê Bảo,
Chia sẻ

Từ năm 2015 đến 2017 trung bình mỗi năm có 2.000 trẻ em trên cả nước bị cướp đi sinh mạng bởi tai nạn đuối nước. Nguyên nhân chủ yếu là do trẻ con thiếu kỹ năng, sự quan tâm của cha mẹ, cộng đồng, môi trường sống…

Đây là thông tin được Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà thông tin tại hội thảo "Triển khai chương trình hợp tác về phòng chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam".

Theo thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết, tai nạn thương tích là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em và người chưa thành niên ở nhiều quốc gia trên thế giới. Trong đó đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em và người chưa thành niên do tai nạn thương tích tại Việt Nam.

Tai nạn đuối nước cướp đi sinh mạng 2.000 trẻ em mỗi năm, cao gấp nhiều lần so với nhiều nước khác - Ảnh 1.

Mỗi năm tại Việt Nam có 2.000 trẻ gặp tai nạn đuối nước.

Chỉ một phút bất cẩn, chỉ là sự thiếu kiến thức, kỹ năng, thiếu ý thức mà chúng ta có thể mất đi sinh mạng của các em đặc biệt do đuối nước. Hàng ngày khi chúng ta ngồi đây vẫn còn nhiều trẻ em bị tử vong do đuối nước. Có thể nói, đuối nước không những cướp đi sự sống, ảnh hưởng đến sự phát triển của các em, mà còn để lại những nỗi đau không nguôi cho tất cả chúng ta, cho nhiều gia đình, cho xã hội sau này.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, đuối nước đã âm thầm cướp đi sinh mạng của 360.000 người mỗi năm trên toàn thế giới, trong đó 90% số trường hợp xảy ra ở những quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Một nửa số trường hợp xảy ra ở khu vực Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương. Mỗi năm tại Việt Nam, trên 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước.

Tai nạn đuối nước cướp đi sinh mạng 2.000 trẻ em mỗi năm, cao gấp nhiều lần so với nhiều nước khác - Ảnh 2.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết, nguyên nhân chủ yếu trẻ gặp tai nạn đuối nước chủ yếu do gia đình, cộng đồng, xã hội, thiếu kỹ năng...

Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hàng đầu, có tỉ lệ trẻ em tử vong do đuối nước, cao hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á và cao gấp 10 lần các nước phát triển. Nguyên nhân chủ yếu do nhận thức của gia đình, cộng đồng, xã hội về nguy cơ gây đuối nước trẻ em còn hạn chế; trẻ em thiếu sự giám sát, trông giữ của cha mẹ, người chăm sóc trẻ; trẻ em chưa biết bơi, thiếu kỹ năng an toàn trong môi trường nước; môi trường xung quanh vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây đuối nước trẻ em.

Theo Tiến sỹ Kelly Henning, Giám đốc toàn cầu Chương trình Y tế công cộng của Quỹ từ thiện Bloomberg cho biết: "Tỉ lệ này cao nhất Đông Nam Á và gấp 10 lần các nước phát triển. Số liệu cho thấy tỷ lệ tử vong do đuối ở trẻ em Việt Nam đặc biệt cao, nhưng vấn đề này hoàn toàn có thể phòng tránh được".

Tiến sỹ Kidong Park, Trưởng đại diện của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho biết: "Những gì chúng ta cần là sự tiếp cận liên ngành và tham gia mạnh mẽ của các cộng đồng liên quan đến trẻ em, cha mẹ và người chăm sóc trẻ em. Đây cũng chính là trọng tâm mà chương trình này hướng tới."

Bộ Lao Động - Thương Binh và Xã Hội cũng đưa ra cam kết mạnh mẽ nhằm giảm tình trạng tử vong đuối nước ở trẻ em thông qua thực hiện Chương trình Quốc gia về Phòng chống tai nạn thương tích trẻ em và Quỹ từ thiện Bloomberg tự hào cung cấp các nguồn lực tài chính và kỹ thuật để triển khai các biện pháp hiệu quả vả bền vững nhằm giảm tỉ lệ tử vong ở trẻ em. Chương trình sẽ hỗ trợ chính quyền địa phương và cộng đồng tại 8 tỉnh của Việt Nam: Lào Cai, Yên Bái, Ninh Bình, Quảng Bình, Thanh Hoá, Đăk Lăk, Đồng Tháp, Sóc Trăng. Ngoài ra, chương trình cũng sẽ mang lại lợi ích trongcông tác phòng chống đuối nước ở Việt Nam nói chung, thông qua việc cải thiện năng lực của các đối tác quốc gia.

Chia sẻ