Tài liệu Pandora vạch trần nghịch lý ở quốc gia nghèo nhất Trung Đông: Nền kinh tế Jordan trì trệ, Quốc vương lấy tiền từ đâu để mua biệt thự hạng sang ở nước ngoài?
Trong tài liệu Pandora bị rò rỉ chứa đựng những vụ giao dịch bí mật của thế giới tài chính ngầm. Quốc vương Abdullah II của Jordan là một trong số những chính khách với hàng loạt bất động sản trị giá hàng trăm triệu USD.
Trong thập kỷ qua, khi hàng tỷ USD viện trợ của Mỹ đổ vào Jordan, có một dòng tiền bí mật chảy ngược khi Quốc vương của đất nước – Vua Abdullah II – đã chi cả trăm triệu USD cho những dinh thự xa hoa.
Quốc vương Abdullah II đã sử dụng mạng lưới lớn các tài khoản nước ngoài để ngụy trang cho các giao dịch của mình. Theo một loạt các tài liệu tài chính do Liên đoàn Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) thu được và được tờ Washington Post xem xét, Quốc vương của Jordan đã mua bất động sản xa hoa bằng các khoản tiền chưa rõ nguồn gốc.
Theo các tài liệu được tiết lộ, giữa năm 2014 đến 2017, các công ty liên kết với nhà vua đã dành gần 70 triệu USD để mua 3 dinh thự liền kề nhìn ra biển Thái Bình Dương ở Nam California, tạo thành một khu phức hợp lớn ở vùng đất nổi tiếng Malibu.
Ở trung tâm là một dinh thự phong cách Địa Trung Hải rộng 1300m2 với 7 phòng ngủ và 9 phòng tắm. Dinh thự có phòng tập gym, nhà hát, spa ngoài trời và bể bơi vô cực. Tất cả đều nằm trên diện tích hơn 14.163m2 bất động sản cao cấp ven biển.
Việc mua những dinh thự xa hoa này diễn ra sau các giao dịch tương tự ở Washington D.C, nơi các tài liệu chỉ ra rằng Quốc vương Abdullah chi gần 10 triệu USD cho các căn hộ sang trọng hướng ra sông Potomac ở Georgetown.
Các giao dịch ở Mỹ chỉ là một phần trong các tài sản quốc tế mà vị Quốc vương này đã mua. Theo tài liệu Pandora, vua Abdullah cũng đã mua lại ít nhất 3 dinh thự giá hàng triệu USD ở London. Những dinh thự này kết hợp với căn nhà thứ tư mà ông đã sở hữu tạo ra một khu nhà ở gần Cung điện Buckingham.
Việc sở hữu những căn nhà ở London đã bổ sung vào bộ sưu tập bao gồm 2 khu dân cư ở Kensington và một căn nhà vùng nông thôn gần Lâu đài Windsor.
Nhìn chung, nhà vua của Jordan đã chi hơn 106 triệu USD cho các tài sản được nắm giữ bởi các công ty bình phong đăng ký cho riêng ông chứ không phải cho gia đình hoàng gia hoặc Vương quốc Jordan.
Một tòa nhà ở London thuộc sở hữu của Quốc vương Abdullah II. Ảnh: BBC
Quốc vương Abdullah đã thực hiện các thương vụ này trong khoảng thời gian 10 năm. Đây cũng là khoảng thời gian kinh tế Jordan gặp khó khăn, công chúng thất vọng với nghi án tham nhũng xung quanh nhà vua và bất ổn chính trị.
Bruce Riedel, cựu quan chức cấp cao CIA và chuyên gia về Jordan cho rằng điều này xảy ra vào thời điểm rất tồi tệ và khó xử đối với nhà vua. Nó chỉ khiến sự chú ý đổ dồn về phía nhà vua.
Việc chi tiêu xa hoa của Quốc vương Abdullah có thể là chuyện bình thường đối với tiêu chuẩn của các quốc vương khu vực Trung Đông. Nhưng không giống với các nước theo chế độ quân chủ giàu có ở Vịnh Ba Tư, Jordan là quốc gia nghèo nhất Trung Đông. Đất nước này không có trữ lượng dầu khí lớn, đất canh tác ít ỏi, nguồn nước không ổn định và một cảng biển duy nhất lại ở quá xa nên không có nhiều lợi ích kinh tế.
Thay vào đó, Jordan tồn tại nhờ khoản viện trợ hàng tỷ USD vì có vai trò ổn định trong một khu vực nhiều xung đột, cũng như sẵn sàng tiếp nhận hàng triệu người tị nạn từ các cuộc chiến ở nước láng giềng.
Theo tờ Washington Post, Mỹ đã viện trợ hơn 22 tỷ USD cho Jordan kể từ những năm 1950. Chỉ riêng năm 2020, Jordan đã nhận 1,5 tỷ USD viện trợ từ Mỹ, trở thành nước nhận viện trợ lớn thứ 3 của Mỹ, sau Israel và Afghanistan. Các quan chức của Mỹ cho biết các khoản viện trợ này được theo dõi sát sao và họ không thấy có khoản tiền nào chuyển hướng khỏi mục đích đã định.
Một văn phòng luật ở London đại diện cho Quốc vương Abdullah đã thừa nhận quyền sở hữu tài sản nước ngoài của ông để sử dụng cho mục đích cá nhân và mạnh mẽ bảo vệ ông.
Trong bức thư phản hồi yêu cầu lên tiếng từ ICIJ và Washington Post, công ty luật DLA Piper trả lời: "Bất cứ ngụ ý nào về điều gì đó không đúng trong việc sở hữu tài sản (của ông Abdullah) thông qua các công ty ở nước ngoài sẽ bị thẳng thừng từ chối. Quốc vương Abdullah không hề lạm dụng tiền công hoặc sử dụng bất kỳ khoản tiền nào từ viện trợ".
Việc rò rỉ tài liệu Pandora làm dấy lên câu hỏi về việc Quốc vương lấy tiền từ đâu. Tại sao quốc vương lại tranh luận rằng ông có quyền cư trú công dân của hoàng gia ở nước ngoài để che giấu những gì thuộc về ông?
Tài liệu cho thấy cố vấn tài chính của Quốc vương Abdullah phản đối các yêu cầu tiết lộ dù là nhỏ nhất. Công ty luật cũng đã từng lập tài khoản nước ngoài cho nhà vua mà phớt lờ những kêu gọi tiêu chuẩn quốc tế đối với khách hàng là những người có tầm ảnh hưởng chính trị.
Ngay cả các nhà điều hành công ty nước ngoài của Abdullah dường như cũng dị ứng với tên gọi hoặc chức danh của nhà vua. Trên bảng tính liệt kê của một số công ty, tên của nhà vua chỉ được đề là "người mà bạn biết là ai đấy".
Công ty luật DLA Piper cho biết Quốc vương Abdullah sử dụng các công ty nước ngoài vì lý do an ninh. Theo thư phản hồi của công ty, nhà vua và gia đình là "đối tượng của các mối đe dọa từ khủng bố và các nhóm gây bất ổn khác".
Công ty cũng chỉ ra một lý do nữa là phục vụ cho lợi ích tài chính. Bên bán sẽ tăng giá cao nếu biết danh tính người mua là người có địa vị cao.
Tham khảo: The Washington Post