Tái diễn chiêu cộng tác viên online lừa đảo từ vài triệu đồng đến chục nghìn USD
Sau một thời gian tạm lắng, chiêu lừa cộng tác viên online “việc nhẹ lương cao” lại rầm rộ gần đây, với hình thức lừa đảo trực tuyến tuyển cộng tác viên thanh toán đơn hàng cho các sàn thương mại điện tử…
Liên tiếp thời gian gần đây, nhiều người dùng mạng xã hội đã chia sẻ các câu chuyện bị lừa đảo trực tuyến hoặc lên các hội nhóm hỏi xác minh về những lời mời làm cộng tác viên thanh toán đơn hàng cho các sàn thương mại điện tử.
Lừa đảo từ vài trăm nghìn đồng đến cả chục nghìn USD
Chị N.T.T, một mẹ bỉm sữa tại Hà Nội chia sẻ, chị được một người mời tham gia công việc vừa có thể làm qua mạng lại vừa có chiết khấu cao. Công việc là gắn link sản phẩm từ mỹ phẩm, đồ gia dụng, quần áo… trên các sàn thương mại điện tử lên trên facebook, zalo… để nhận tiền hoa hồng từ các shop. Hoa hồng trung bình 10.000-500.000 đồng/sản phẩm.
“Để tham gia công việc này, họ yêu cầu tôi phải bỏ ra một khoản phí là 399.000 đồng. Sau đó, họ hướng dẫn tôi vào một nhóm trên Telegram. Tại đây tôi thấy nhiều người tham gia liên tục gửi các hóa đơn nhận tiền từ vài trăm đến hàng triệu đồng. Từ đó tôi cũng thấy tin tưởng tham gia. Sau 3 đơn hàng đầu tôi được nhận tiền thật. Đến đơn thứ 4 giá trị đơn hàng cao, họ yêu cầu tôi gửi tiền đối ứng cọc giá trị. Tiếp đó họ nói bị trục trặc cần thêm tiền để xác minh, đóng thuế… đến lúc thấy có vấn đề thì đã bị chặn tài khoản, không liên lạc được”, chị T cho hay.
Nếu những người bị lừa cộng tác viên online “việc nhẹ lương cao” mất số tiền khoảng vài trăm đến vài triệu đồng như chị T thì cũng không ít người bị mất đến hàng chục nghìn USD khi tham gia các sản tiền số, chứng khoán quốc tế, đầu tư quốc tế ảo…
Trong năm 2020-2021, lực lượng chức năng điều tra nhiều vụ án lừa đảo forex (sàn giao dịch chứng khoán, tiền số, tiền điện tử…). Cuối năm 2023 và đầu năm 2024 này, hình thức lừa đảo này tiếp tục hoành hành với những tên gọi biến tướng mới như Etfinvest, Trusty, Ozon corp… với nhiều nạn nhân bị mất con số tới hàng nghìn USD.
Chỉ khi có vấn đề, không lấy lại được tiền, những nạn nhân mới chia sẻ câu chuyện của mình lên mạng. Ngay lập tức, bên cạnh những khuyến cáo của mọi người về việc tỉnh táo không mất thêm tiền, nhiều bình luận và cả tin nhắn trực tiếp hứa hẹn giúp đỡ lấy lại tiền từ các “luật sư online” và “tư vấn viên”, với điều kiện phải đóng trước một khoản phí từ 5-10% số tiền vừa mất.
Cách những kẻ lừa đảo lợi dụng tâm lý người dùng
Theo ông Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC), chuyên gia bảo mật tại dự án Chống lừa đảo cho biết nạn nhân của lừa đảo trực tuyến có tâm lý ngại trình báo cơ quan chức năng vì nhiều lý do, chẳng hạn như thiếu bằng chứng, lo sợ gia đình phát hiện, sợ ảnh hưởng đến cuộc sống hoặc không biết thủ tục trình báo.
“Lợi dụng tâm lý muốn lấy lại tiền, nhưng lại ngại trình báo cơ quan chức năng, đây là cách những kẻ lừa đảo tiếp tục tìm cách “tận thu” nạn nhân. Những kẻ lừa đảo luôn sử dụng các tài khoản ảo, tài khoản ngân hàng cũng không phải chính chủ, nạn nhân rất khó trình báo. Việc lừa đảo của kẻ xấu còn tinh vi đến mức làm giả cả các trang web của một số hãng luật lớn hay công ty tài chính để làm vỏ bọc đánh lừa nạn nhân”, ông Hiếu cho hay.
“Một dấu hiệu là kẻ lừa đảo sẽ tiếp cận nạn nhân qua mạng xã hội, nhưng sau đó sẽ yêu cầu trao đổi qua Telegram để chúng dễ dàng xóa bằng chứng từ cả 2 phía. Có thể nói rằng 99% các cuộc trao đổi dẫn đến Telegram là lừa đảo. Mọi người cần chậm lại một chút để suy ngẫm, xác minh trước khi nhắn tin, giao dịch hay chấp nhận tin nhắn từ bất cứ ai hoặc điều gì trên không gian mạng”, ông Hiếu cho biết.
Theo ông Trương Đức Lượng, Chủ tịch Công ty An ninh mạng Việt Nam (VSEC), thời điểm này có lẽ mọi người ít nhiều nhận thức được an toàn thông tin là nội dung cực kỳ quan trọng trong thời đại 4.0 kết nối liên tục như hiện nay.
“Trong môi trường mạng Internet, các mối hiểm họa không chỉ tấn công, gây tác động tiêu cực đến các tổ chức, doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng nhiều tới từng cá nhân. Việc trang bị kiến thức về bảo mật thông tin đã trở thành một trong những yêu cầu căn bản cho mỗi người sử dụng ứng dụng internet dù thông qua điện thoại hay máy tính”, ông Lượng cho hay.
Ông Lượng cho rằng, dù lừa đảo trực tiếp hay thông qua các trang mạng xã hội đều bắt nguồn từ việc lợi dụng điểm yếu trong hành vi của một hoặc một nhóm cá nhân cụ thể và hướng họ tới những phản ứng mà kẻ lừa đảo mong muốn. Các mánh khóe nhằm chiếm được niềm tin của nạn nhân theo đó tạo ra các tình huống lừa đảo mới.
“Khi phát hiện ra dấu hiệu hoặc đã trở thành nạn nhân của những trường hợp lừa đảo, người dân cần nhanh chóng tố giác các hành vi lừa đảo đến các cơ quan có thẩm quyền để hạn chế tối đa rủi ro, thiệt hại, đồng thời bảo đảm quyền lợi hợp pháp của mình. Song giải pháp chính vẫn là nâng cao nhận thức, khắc phục các điểm yếu trong tâm lý của người dùng internet”, ông Lượng nhấn mạnh.
Lừa đảo khi mua vé xem phim, tham gia sự kiện qua mạng
Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông mới đây cũng điểm các hình thức lừa đảo nổi bật trên không gian mạng Việt Nam. Trong đó có thủ đoạn lừa đảo “đầu tư tài chính qua mạng xã hội” , lừa đảo cộng tác viên online “việc nhẹ lương cao” và phát hiện đường dây giả danh công an, kiểm sát viên gọi điện lừa đảo.
Để phòng tránh ‘sập bẫy’ lừa đảo, Cục An toàn thông tin đề nghị người dân đề cao cảnh giác trước tất cả các cuộc gọi lạ có dấu hiệu đáng ngờ; không làm theo yêu cầu và hướng dẫn của đối tượng; đặc biệt là không cung cấp thông tin cá nhân như căn cước công dân, chứng minh nhân dân, mã OTP, số tài khoản ngân hàng...
Ngoài việc nâng cao cảnh giác, Cục An toàn thông tin còn đề nghị người dân tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn lừa đảo cộng tác viên online để tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Khi làm cộng tác viên cho các công ty, doanh nghiệp, đơn vị cung ứng hàng hóa dịch vụ, người dân cần kiểm tra rõ các thông tin về hàng hóa và đơn vị cung cấp qua nhiều nguồn khác nhau để kiểm chứng tính chính xác.
Thêm một chiêu thức lừa đảo mới khi mua lại vé phim "Đào, Phở và Piano" tại các hội, nhóm trên mạng xã hội. Trung tâm Chiếu phim quốc gia ghi nhận, nhiều người dùng vì không thể mua vé tại quầy cũng như trên trang web chính thống, đã nhẹ dạ cả tin mua lại của những đối tượng “giao bán lại vé” để rồi bị chiếm đoạt tài sản.
Sau sự việc sập trang web vì quá tải truy cập, cùng với tình trạng lừa đảo bán vé trên mạng xã hội kể trên, Trung tâm Chiếu phim quốc gia đưa ra thông báo chính thức: “Vé phim “Đào, Phở và Piano” hiện chỉ bán trực tiếp tại quầy vé, không bán online”.